Đây là thông tin được Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đưa ra trong Hội thảo “Nợ đọng xây dựng – kiến nghị giải pháp” được tổ chức sáng 18/8 tại Hà Nội.
Theo VACC, hiện có quá nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, đặc biệt trong khâu thanh quyết toán, dẫn đến tình trạng phần lớn các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng giá trị khối lượng còn lại từ 20 – 25% cuối dự án. Nhiều dự án đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng chưa thể quyết toán, trong khi các nhà thầu vẫn phải chịu lãi suất cao từ nguồn vốn vay ngân hàng, dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, tình trạng chậm được thanh toán đối với công nợ phải thu của đơn vị là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Nợ đọng không chỉ diễn ra trong 5 năm gần đây mà có những khoản nợ kéo dài đã trên 10 năm.
"Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn hiện còn 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu. Tính đến 31/3/2022, tổng số nợ phải thu của doanh nghiệp này lên đến 1.539 tỷ đồng. Trong đó, nợ từ các dự án vốn nhà nước là 1.004 tỷ đồng, tư nhân là 535 tỷ đồng. Nợ từ 1 - 3 năm là 506 tỷ đồng, từ 3 - 5 năm là 539 tỷ đồng, trên 5 năm là 149 tỷ đồng", ông Ngọc chia sẻ.
Còn theo ông Hoàng Ngọc Tú, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Delta, hiện tại, công tác nghiệm thu, thanh - quyết toán phụ thuộc nhiều vào ý chí của các chủ đầu tư, dù đã có những quy định trong điều khoản của hợp đồng. Đặc biệt, tình trạng phổ biến hiện nay là việc chậm tiến độ dự án do lỗi của chủ đầu tư vẫn không được giải quyết rõ ràng, triệt để làm ảnh hưởng lớn đến chi phí thực hiện dự án của nhà thầu.
Với Delta, doanh nghiệp hiện còn tồn đọng một số nợ lớn tại nhiều dự án như: dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ 12 năm, dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy là 4 năm (do chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy do chủ đầu tư thay đổi thiết kế), dự án Riverside Garden 349 Vũ Tông Phan là 4 năm…
Một thực trạng phổ biến nữa cũng được đại diện Tổng công ty cơ khí Xây dựng (COMA) nêu ra là bên trả tiền luôn tìm cách trì hoãn thanh toán như bắt bẻ hồ sơ, không bố trí hay điều động người ký hồ sơ đi xa, hoặc khi quyết toán sẽ viện lý do để trốn tránh, trì hoãn…
Đánh giá về thực trạng nợ đọng xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, trên thực tế, trong việc thương thảo hợp đồng, thế thượng phong luôn nằm ở phía chủ đầu tư, doanh nghiệp nhà thầu khó có thể đưa ra được những điều khoản có lợi cho mình. Hay đơn giản như với vấn đề bảo lãnh thanh toán, với các dự án đầu tư công là điều bất khả thi, vì nhà nước lúc nào cũng nghĩ mình có tiền, sẵn tiền.
Do đó, hướng đề xuất của VACC là tách theo nhóm dự án đầu tư công và dự án ngoài đầu tư công để thực hiện bảo lãnh thanh toán. Riêng về tiến độ, thời gian thanh toán thì kể cả với chủ đầu tư dùng vốn trong ngân sách, đề xuất đưa ra là phía chủ đầu tư sẽ vẫn phải trả lãi nếu lỗi đó thuộc phía chủ đầu tư, vì đây là chi phí lớn mà các nhà thầu không thể gánh chịu nổi.
Ông Hiệp cũng cho biết thêm, về cơ cấu cấp vốn cho các dự án, phía Bộ Kế hoạch Đầu tư đang tích cực tháo gỡ theo hướng giảm nợ đọng ngân sách, và thời gian tới vấn đề thanh toán cho các dự án đầu tư công sẽ được cải thiện.
Nhiều nhà thầu đánh giá 70 - 75% chủ đầu tư đúng đắn, hỗ trợ thương lượng, nhất là thời Covid-19, nhưng phần còn lại là không có năng lực, nên chây ỳ, như Atemis là đổi tên, chuyển hẳn vào phía Nam.