PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM

PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM

“Khoan dung, thân thiện, cởi mở”: ADN văn hóa cho hội nhập

0:00 / 0:00
0:00
“Khoan dung, thân thiện, cởi mở” chính là vốn văn hóa quý báu mà người Việt Nam mang từ quá khứ tới hiện tại và chuyển tải đến tương lai, như một “ADN văn hóa” trường tồn.

1. Nhà báo Thomas Friedman - người từng 3 lần đoạt giải Pulitzer gọi “thế giới này là thế giới phẳng”, ban đầu là do Internet san phẳng mọi địa hình và biên giới, nhưng rồi người ta dần hiểu ra, thế giới này phẳng còn bởi sự hội nhập của các quốc gia, dân tộc vào nhau thông qua trao đổi hàng hóa xuyên biên giới, chế tạo sản phẩm đa quốc gia và sự trộn vào nhau của những dòng di cư, tạo nên cái gọi là đa văn hóa quốc tế.

Việt Nam bắt đầu mở cửa từ những năm 90 của thế kỷ trước, sau hơn 30 năm, chúng ta đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế toàn cầu, liên khu vực và khu vực, như Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEAN, ASEM…

Đến nay đã có hàng trăm ngàn nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn. Năm 2019 (trước khi có dịch Covid-19), chúng ta đã đón hơn 18,1 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, cũng có hàng triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Việt Nam đã làm được điều tuyên bố hơn 30 năm trước, là “muốn làm bạn với tất cả các nước”. Kết quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, nhưng không thể không nói đến vai trò của người dân, khi đã tạo sự “hấp dẫn”, thu hút du khách đến với Việt Nam, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng…

Nhà nước chủ trương mở cửa, nhưng chưa chắc đã có nhiều khách, bởi đó mới là mở cửa về thể chế. Thực tế cho thấy, có không ít quốc gia, mở rộng cửa nhưng nhà đầu tư nước ngoài rất dè dặt, khách nước ngoài thưa thớt, có đến rồi không lâu sau chuyển hướng qua nước khác.

Thực chất, quá trình mở cửa chính là quá trình hội nhập, quá trình tương tác của các nhân tố bên ngoài và bên trong. Đó là quá trình hai chiều của tiếp nhận và thích nghi. Vậy người dân đô thị (gọi là thị dân) của các thành phố Việt Nam đã hội nhập như thế nào khi đất nước mở cửa?

Quá trình hội nhập có ba hình thái là hội nhập thể chế, hội nhập kỹ thuật và hội nhập văn hóa. Hội nhập thể chế là nhà đầu tư đến một quốc gia khác và chấp hành luật pháp và các quy định của nước đó, như đăng ký tạm trú, xin giấy phép mở công ty, đóng thuế, đổi giấy phép lái xe và các quy định khác trong đời sống thường ngày về giao thông, mua bán, cư trú… Hội nhập thể chế là điều không khó, bởi đó là những quy định cứng, ai cũng phải làm và có thể làm được.

Hội nhập kỹ thuật là việc người ta có thể sử dụng được các công cụ kỹ thuật trong đời sống mà quốc gia, đô thị đó đang áp dụng. Điều này cần sự nỗ lực của cả bên đến và bên tiếp nhận. So với cư dân đô thị của một số thành phố khu vực Đông Nam Á, thì thị dân của chúng ta hội nhập kỹ thuật rất nhanh vào các lĩnh vực hành chính công, ngân hàng, hải quan và các loại giao dịch thương mại, dịch vụ. Gần như 100% dân cư thành thị có điện thoại thông minh nối mạng, người dân đã quen với các hoạt động trực tuyến, nên các thủ tục mua bán, giao dịch trong và ngoài nước rất dễ dàng, hầu như người dân nào cũng có thể đặt vé máy bay, khách sạn, thanh toán đơn hàng ở đâu đó trên thế giới… Chính khả năng hội nhập nhanh về kỹ thuật mà người Việt Nam và người nước ngoài (các ông chủ đầu tư, khách du lịch, người mua hàng, người sử dụng dịch vụ) không có bất cứ mâu thuẫn hay xung đột nào trong các mối quan hệ kinh tế và xã hội.

Nhưng cái khó nhất lại là hội nhập văn hóa. Hội nhập văn hóa là hội nhập bình thường vào đời sống người bản địa và ở chiều ngược lại, người bản địa tiếp nhận người nước ngoài vào cộng đồng của họ như một thành viên. Người nơi khác đến luôn mong muốn được hội nhập vào phong tục tập quán, vào đời sống thường nhật, vào những thói quen, cách ứng xử, quan hệ cộng đồng, quan hệ xã giao và vào ẩm thực, hoạt động văn hóa giải trí, lễ hội và có thể cả sinh hoạt tôn giáo nữa.

Thực tế cho thấy, nhiều người thất bại trong làm ăn, trong cư trú chỉ vì không sao hội nhập được văn hóa nơi họ đến, có thể do họ không muốn thay đổi, hay độ chênh quá lớn khiến họ không thể thích nghi được.

Nhà đầu tư sẽ rất ngần ngại nếu không được người dân nơi mình đến làm ăn chào đón, có thái độ lạnh lùng, thậm chí là có những kỳ thị, định kiến sẽ trở thành một rào cản tâm lý rất lớn. Nhưng thật may mắn, người Việt Nam nói chung và người dân các đô thị Việt Nam nói riêng có một truyền thống văn hóa là cởi mở, khoan dung, nhân hậu.

2. Câu chuyện về người Nhật đầu tư vào Việt Nam có thể coi là một điển hình về thái độ khoan dung, hiếu khách của người Việt Nam. Tính đến cuối năm 2022, Nhật Bản đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 4.978 dự án, trên 68,89 tỷ USD. Riêng trong năm 2022, Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư, tăng 22,7% so với cùng kỳ

Mới thoạt nhìn, tưởng như mọi chuyện hanh thông ngay từ đầu, nhưng không hẳn là vậy. Sau những năm dài bị cấm vận, đến năm 1993, các nhà đầu tư nước ngoài mới bắt đầu có những bước đi đầu tiên đến nước ta. Tổng thống Hoa Kỳ George H. W. Bush cho phép các công ty Hoa Kỳ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và ký các hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ ngày 14/12/1992. Không lâu sau đó, các đối tác nước ngoài bắt đầu chú ý đến thị trường Việt Nam và có những bước thăm dò thị trường. Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc là những quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tiên đầu tư vào Việt Nam năm 1993, trong khi các nhà đầu tư Nhật Bản không vào ngay với mục đích kinh tế, mà có những bước thăm dò thận trọng về chính trị và xã hội Việt Nam. Những người đầu tiên đến Việt Nam không phải là doanh nhân hay nhà chính trị, mà là các tổ chức từ thiện, văn hóa, giáo dục…

Một trong những hoạt động đầu tiên là của Trường Đại học nữ Chiêu Hòa (Chiêu Hòa là niên hiệu của Nhật hoàng Hirohito - cháu nội của “Người vĩ đại” Minh Trị) diễn ra ở Hội An năm 1992, sau đó là các giáo sư, sinh viên từ các trường đại học Chiba, Đại học quốc gia Tokyo, Tokai, Tsukuba, Đại học Mỹ thuật và Âm nhạc Tokyo đến Việt Nam. Nhận thấy người Việt Nam không hề có chút kỳ thị, ghét bỏ, hay thù oán, mà ngược lại, từ chính quyền đến người dân đều tỏ thái độ thân thiện, các nhà đầu tư Nhật Bản quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Những công ty đầu tiên của Nhật đến Việt Nam là tới các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc vào năm 1996, sau đó mới tới Bình Dương và TP.HCM. Đến nay, Nhật Bản và Việt Nam đã là đối tác tin cậy toàn diện, lâu dài. Thành tựu ngoại giao và kinh tế đó một phần có công đóng góp rất lớn của người dân với thái độ khoan dung, cởi mở.

3. Hiện nay, ở các thành phố và các khu công nghiệp của Việt Nam, có một số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, sinh sống. Họ mang theo vợ con và kết lại thành các cộng đồng. Lớn nhất trong số đó là người Hàn Quốc, với hơn 150.000 người, chủ yếu sinh sống ở Bình Dương, Đồng Nai và nhiều nhất là TP.HCM.

Ở TP.HCM, cộng đồng người Hàn Quốc tập trung ở Phú Mỹ Hưng, quận 2 (nay là TP. Thủ Đức), và khu vực gần Sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, hiện nay, ở TP.HCM còn có 13.000 người Nhật sinh sống và đã hình thành các khu phố Nhật Bản như Thái Văn Lung - Lê Thánh Tôn, Thảo Điền… Người châu Âu tập trung ở khu vực quận 1, 3 và Thảo Điền….

Cuộc sống của người nước ngoài và vợ con họ diễn ra bình thường, không cần phải có vệ sĩ hay bất cứ một sự dè chừng nào, bởi đi đến đâu, làm gì, họ đều nhận được sự giúp đỡ thân thiện của người dân. Đó chính là nguyên do mà rất nhiều người nước ngoài muốn định cư lâu dài tại Việt Nam, coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

Michael, một người Canada đã sinh sống ở TP.HCM hơn 10 năm từ khi còn là sinh viên đến khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ về Việt Nam học cho hay, anh yêu đất nước này bởi lẽ ở đây, người nước ngoài không bao giờ bị đói cho dù không có xu dính túi và không bao giờ lạc đường dù không thông thạo đường xá và không biết tiếng Việt.

Bằng chứng là trong cơn đại dịch vừa qua, người dân đã cưu mang rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam dạy tiếng Anh, hay khách du lịch bị kẹt lại, không có nguồn thu nhập nào. Michael rất thích câu nói, cũng được xem là phương châm sống của người Sài Gòn: “Tứ hải giai huynh đệ” - ai cũng là anh em, cho dù bạn có là ai, màu da nào, tôn giáo nào, giàu hay nghèo đều được chào đón, miễn là đến đây với tinh thần bằng hữu và không mang sự thù hận. “Khoan dung, thân thiện, cởi mở”, đó chính là vốn văn hóa quý báu mà người Việt Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng mang từ quá khứ tới hiện tại và chuyển tải đến tương lai, như một “ADN văn hóa” trường tồn.

Tin bài liên quan