Khó xử chi phí lao động khi Sacombank sáp nhập Southern Bank

Khó xử chi phí lao động khi Sacombank sáp nhập Southern Bank

(ĐTCK) Kế hoạch sáp nhập Southern Bank vào Sacombank đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cổ đông và nhà đầu tư. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) về thương vụ này, cũng như hoạt động hợp nhất, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng nói chung.

Ông đánh giá thế nào về kết quả của các ngân hàng sau khi tiến hành M&A trong 2 năm qua?

Sau một thời gian lúng túng ban đầu, trải qua quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, hiện các ngân hàng sau M&A đã đạt được kết quả khá tốt. Tình hình xử lý nợ xấu và hiệu quả được đánh giá rất cao. Đặc biệt, kể từ khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời, các ngân hàng đã xử lý nợ xấu cũng như tái cấu trúc một cách quyết liệt và bài bản hơn.

Mất bao lâu các ngân hàng sau M&A mới ổn định và phát triển, theo ông?

Tôi cho rằng, phải mất một thời gian nhất định, các ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập mới có thể ổn định và phát triển trở lại, tùy vào năng lực và sức mạnh nội tại của các nhà băng. Vì thế, nếu có thể phát triển tốt bằng nội lực thì không nhất thiết phải thực hiện M&A. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, các ngân hàng nhỏ nhưng yếu kém, không còn giải pháp nào khác là phải sáp nhập, hợp nhất. Bởi để có thể tồn tại và phát triển được trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng nhỏ phải tìm được “ngách” đi riêng. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, để đưa ra một sản phẩm khác biệt là không dễ, vì các sản phẩm của ngân hàng thường rất giống nhau.

Có nghĩa, làn sóng M&A lĩnh vực ngân hàng sẽ còn “nóng” trong thời gian tới?

Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, giảm số lượng ngân hàng nhỏ, yếu kém, sàng lọc để hệ thống được vững mạnh, có những ngân hàng đủ tầm cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Vì thế, khi đề án tái cơ cấu ngành được đẩy mạnh, chắc chắn M&A lĩnh vực này sẽ còn “nóng”. Theo tôi, đó cũng là giải pháp tốt cho các ngân hàng nhỏ, yếu kém.

Với thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, theo ông, đó có là giải pháp tốt?

Về cơ bản, Southern Bank là một ngân hàng nhỏ, vốn còn khiêm tốn và có những khó khăn nhất định do ảnh hưởng bởi bối cảnh thị trường khó khăn trong những năm qua. Vì thế, để cải tổ Southern Bank, phải có một đối tác mạnh. Trong lúc này, nếu một ngân hàng không mạnh, phải gánh thêm một nhà băng yếu, chắc chắn sẽ rất khó để tăng trưởng.

Như vậy, Southern Bank sáp nhập vào Sacombank sẽ xử lý được khó khăn?

Sacombank là một ngân hàng có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng và nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp. Do đó, Sacombank có thể gánh và xử lý được những khó khăn của Southern Bank sau sáp nhập.

Nhận sáp nhập Southern Bank, liệu cổ đông Sacombank có bị thiệt?

Tôi cho rằng, điều đó chưa hẳn như vậy. Ngược lại, sau sáp nhập Southern Bank, nếu Sacombank tăng trưởng tốt thì quyền lợi cổ đông của cả hai bên đều được đảm bảo khi ngân hàng sáp nhập tận dụng được chi nhánh để mở rộng mạng lưới hoạt động rộng khắp.

Nhưng Sacombank được đánh giá là có mạng lưới tương đối rộng ở Việt Nam và đã có mặt ở Lào, Campuchia?

Sacombank đang đeo đuổi chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ. Mạng lưới của Sacombank hiện nay nhiều hơn so với một số đơn vị khác, nhưng thực tế cũng chưa thể phủ khắp. Vì vậy, việc sáp nhập thêm Southern Bank để tận dụng được các chi nhánh, mở rộng mạng lưới cũng là điều kiện cần thiết để Sacombank thực hiện được chiến lược ngân hàng bán lẻ.

Tất nhiên, trong điều kiện công nghệ đang dần phát triển, các ngân hàng áp dụng và mở rộng giao dịch qua ngân hàng trực tuyến, thì không nhất thiết phải mở rộng hơn nữa mạng lưới. Nhưng thực tế hiện nay, tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn lựa chọn giao dịch trực tuyến, vì lo ngại vấn đề lộ bí mật thông tin. Do đó, có thể trong 10 năm tới, giao dịch trực tuyến chưa hẳn là “chìa khóa” của ngân hàng bán lẻ và cũng không hẳn sẽ được tất cả mọi người lựa chọn, nên việc mở rộng chi nhánh của ngân hàng vẫn là điều kiện cần thiết cho hoạt động bán lẻ.

Vậy ngoài những cái được, gánh nặng của Sacombank sau sáp nhập là gì, theo ông?

Theo tôi, gánh nặng sau hợp nhất của Sacombank đó chính là chi phí lao động khá lớn. Hiện Sacombank có trên 10.000 nhân viên, cộng với số lượng nhân viên của Southern Bank thì chi phí cho người lao động sẽ không ít. Điều này có thể làm cho năng suất lao động tính trên đầu người của Sacombank thấp hơn so với các đơn vị khác.

Tin bài liên quan