Đi vay với chi phí “cắt cổ”, khách hàng của một tổ chức cầm đồ vừa kêu bị “ép” mua 3 hợp đồng bảo hiểm. Trước đó, nhiều trường hợp cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Là người xử lý nhiều ca tranh chấp bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian gần đây, ông nghĩ sao về hành vi ép giao kết hợp đồng bảo hiểm ở đây?
Thời gian qua, nhiều khách hàng dùng từ “ép” để nói về trường hợp các tổ chức cầm đồ, ngân hàng lợi dụng hoàn cảnh khách hàng cần vay tiền gấp yêu cầu mua các hợp đồng bảo hiểm như là điều kiện giải ngân.
Tuy nhiên, theo tôi, để xác định hành vi đó là ép hay không thì cần căn cứ vào từng vụ việc và cần làm rõ khái niệm như thế nào là bị “ép” mua bảo hiểm. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023), quy định tại Điều 9 nêu rõ, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”.
Khái niệm “cưỡng ép” được hiểu theo nghĩa là “sử dụng sức mạnh vật chất hoặc tinh thần một cách bất hợp pháp, hoặc buộc người khác phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc trái với ý chí hay mong muốn của họ”. Nếu căn cứ theo khái niệm này thì rất khó để xác định bên cho vay là tổ chức cầm đồ, ngân hàng đã “cưỡng ép” khách hàng vì hợp đồng bảo hiểm là do khách hàng tự kê khai thông tin với doanh nghiệp bảo hiểm, tự tay ký, tự làm các thủ tục nộp phí. Khi khách hàng tự ký mà không có bất kỳ hành vi cưỡng ép nào về vật chất hay tinh thần, chẳng hạn việc dùng vũ lực của bên bán bảo hiểm, thì khó có thể coi đây là hành vi cưỡng ép.
Có 2 quan điểm đối lập trong vấn đề này. Khách hàng sau khi mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng thường nói bị “ép mua bảo hiểm” vì theo họ, ý chí là không muốn mua nhưng vẫn phải mua để được giải ngân nhanh. Còn ngân hàng coi việc mời khách hàng mua bảo hiểm là có thỏa thuận với khách hàng, chẳng hạn nếu mua sẽ được giảm lãi suất, tặng quà hoặc đơn giản hóa thủ tục vay vốn…, cho nên đây hoàn toàn là tự nguyện giao dịch, không phải cưỡng ép.
Lùm xùm liên quan tới bán bảo hiểm qua ngân hàng dẫn đến khiếu kiện có xu hướng tăng |
Nghĩa là không phải cứ rơi vào cảnh khách hàng không muốn mua bảo hiểm, mà chỉ mua để được giải ngân tiền vay là bị coi là “ép”?
Đúng vậy. Không phải cứ khách hàng đang cần tiền và được cho vay theo kiểu “bia kèm lạc” thì gọi đó là “ép” và không phải cứ người đi vay phải mua những loại bảo hiểm không liên quan là trái quy định. Nếu bên cho vay là tổ chức cầm đồ giao dịch với lãi suất quá cao thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về cho vay, nhưng không có nghĩa là gắn họ với cái mác “ép” mua bảo hiểm.
Lấy ví dụ, một khách hàng làm hồ sơ vay tại ngân hàng số tiền 300 triệu đồng, lãi suất 15%/năm và khách hàng này cho rằng bị “ép” mua bảo hiểm 1 năm trị giá 15 triệu đồng để được duyệt vay, dù không có nhu cầu. Trong trường hợp này, để khẳng định ngân hàng có ép khách hàng hay không thì cần xác định được việc chuyển tiền mua bảo hiểm là tự nguyện hay không. Nếu không phải là tự nguyện và có bằng chứng chứng minh mình bị ép buộc thì khách hàng có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án xem xét, tuyên bố hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Đồng thời, có thể gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến ngân hàng và các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để làm rõ sự việc.
Với tổ chức cầm cố cũng vậy, nếu người vay không có căn cứ chứng minh mình bị đe dọa, cưỡng ép mua bảo hiểm thì không thể coi là bị “ép” mua.
Lần đầu tiên, hành vi cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm được luật hóa tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Trước đó, hành vi này xuất hiện với tên gọi khác là “ép buộc” giao kết hợp đồng bảo hiểm tại Nghị định 98/2013. Khi hợp đồng bảo hiểm được ký bởi bên bán bảo hiểm là nhân viên ngân hàng hay nhân viên cầm đồ nếu không phải là “ép” thì có thể quy về tội gì?
Trường hợp này khó có thể kết tội “cưỡng ép” giao dịch bảo hiểm, mà chỉ có thể là tội “gian dối”. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật, nhưng làm cho người mua bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách như bằng lời nói, chữ viết, hành động, hình ảnh…
Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội.
Vì không hiểu hết khái niệm “cưỡng ép” nên nhiều người vội vàng kết tội bên bán bảo hiểm, dẫn đến một làn sóng tẩy chay, ác cảm đối với ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm cũng như tổ chức cầm đồ.
Thực tế, khách hàng chỉ “bằng mặt chứ không bằng lòng”. Khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhưng đôi khi không hiểu hết về quyền lợi, không mua đúng theo nhu cầu của bản thân, mà chỉ mua cho có. Lúc này, bản chất nhân văn, ưu việt của bảo hiểm không được khách hàng đón nhận. Hệ lụy là rất nhiều hợp đồng bảo hiểm không được tiếp tục tái tục cho các lần tiếp theo, gây thiệt hại cho chính khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.
Cần phải phân định rất rõ các lỗi để tránh nhầm lẫn. Việc ngân hàng “đánh tráo khái niệm”, hô biến từ gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm có thể coi đó là hành vi lừa dối, còn tổ chức cầm đồ cho vay nặng lãi sẽ bị xử phạt quy định về cho vay, chứ không thể đánh đồng là cưỡng ép khách hàng mua bảo hiểm được.
Theo ông, cần có chế tài cũng như giải pháp nào để hạn chế việc “cưỡng ép” mua bảo hiểm?
Chế tài xử phạt hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm cả việc cưỡng ép mua bảo hiểm, được quy định tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) đang chờ Chính phủ phê duyệt.
Còn theo quy định hiện hành tại Nghị định 98/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và xổ số (sửa đổi bởi Nghị định 48/2018), phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Về giải pháp, theo tôi, cần áp dụng công nghệ thông tin để người vay có thể chủ động vay trực tuyến mà không phải thông qua giao dịch viên, hạn chế việc phát sinh các dịch vụ khác; công khai các mức lãi suất, ưu đãi và hạn chế việc chênh lệch lãi suất giữa người vay có bảo hiểm và không có bảo hiểm; tổ chức tuyên truyền, nâng cao kiến thức của người dân về vay vốn, bảo hiểm để tránh tình trạng mua bảo hiểm không theo nhu cầu bản thân.
Đặc biệt, các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng cần hướng đến quyền lợi của khách hàng nhiều hơn, tránh áp chỉ tiêu kinh doanh quá lớn dẫn đến nhân viên tư vấn/kinh doanh có những hành vi sai trái, tiêu cực trong quá trình tư vấn khách hàng tham gia bảo hiểm. Đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của bên bán bảo hiểm trong trường hợp bán sai quy định, bao gồm cả hành vi cưỡng ép mua bảo hiểm; bổ sung chính sách bảo vệ khách hàng, mức độ bồi thường… trong trường hợp không được tư vấn đầy đủ và lừa dối khách hàng mua bảo hiểm.