Hạ thuỷ tàu với nguồn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67 tại Agribank

Hạ thuỷ tàu với nguồn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67 tại Agribank

Khó vay vốn đóng tàu đánh cá, ngân hàng "đổ" cho ngư dân?

Khi chính sách hỗ trợ cho vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) được ban hành, người dân ồ ạt đăng ký vay vốn, sau đó lại ồ ạt rút lui. Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng “làm khó”, khiến ngư dân khó tiếp cận vốn, nhưng thực tế tại các địa phương lại trái ngược.

Ồ ạt xin vay, ồ ạt xin rút

Theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngư dân muốn vay vốn ưu đãi để đóng tàu phải bỏ ra 30% vốn đối ứng (với tàu gỗ) hoặc 5% (với tàu vỏ thép). Đây là quy định cần thiết nhằm sàng lọc những chủ tàu có năng lực, đồng thời làm tăng trách nhiệm của chủ tàu với đồng vốn. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những trở ngại chính của ngư dân trong tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67.

Ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Agribank tỉnh Quảng Trị cho hay, khi triển khai cho vay đóng tàu theo chương trình này, toàn tỉnh có 29 hộ đăng ký tham gia. Song khi ngân hàng xuống từng hộ để hướng dẫn, thì chỉ còn lại vài hộ đăng ký.

Tương tự, tại Thừa Thiên Huế, khi Nghị định 67 mới được triển khai, ngư dân ở nhiều xã ồ ạt đăng ký vay vốn đóng tàu (có 64 hộ đăng ký). Tuy nhiên, khi ngân hàng xuống làm việc cụ thể thì cũng chỉ có 3 hộ đăng ký vay vốn và các hộ này đã được Agribank phê duyệt cho vay.

Lãnh đạo nhiều địa phương khác cũng thừa nhận, ngư dân rất hồ hởi khi nghe nói về việc vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, vì nghĩ được Chính phủ tài trợ cho vay đóng tàu giống giai đoạn trước đây. Song khi nghe ngân hàng hướng dẫn, biết đây là vốn vay thương mại và đòi hỏi phải có vốn đối ứng thì họ đã chùn chân.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Agribank tỉnh Thừa Thiên Huế nói: “Khi triển khai Nghị định 67, chúng tôi xuống tận nơi để khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của ngư dân và cũng khuyến cáo bà con rằng, đây là vốn vay, phải trả nợ, chứ không phải như vốn vay đánh bắt xa bờ cách đây gần 20 năm và Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần lãi. Khi hiểu ra, nhiều ngư dân đã rút khỏi danh sách đăng ký”.

Thừa nhận tình trạng trên, ông Trần Quân (tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), một trong số chủ tàu được vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 tại Agribank cho hay, rất nhiều ngư dân trong vùng muốn vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, song số hộ đủ điều kiện không nhiều, vì không phải ai cũng có vài tỷ đồng làm vốn đối ứng.

Được biết, ngoài thiếu vốn đối ứng, nhiều hộ dân không muốn đăng ký vay tàu theo chương trình này, bởi Nghị định 67 yêu cầu khắt khe về mẫu tàu, máy tàu.

Ngân hàng khó trăm bề

Bên cạnh thực trạng ngư dân chủ động rút đăng ký vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, tại một số địa phương, việc chậm giải ngân vốn theo chương trình này là có thật, song sự chậm trễ này lại không bắt nguồn từ ngân hàng.

Đơn cử, tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị), một chủ tàu đã được Agribank phê duyệt phương án vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, nhưng giải ngân chậm. Lý do là chủ tàu được phê duyệt thiết kế và phương án vay vốn đóng tàu công suất 800 CV, song lại mua máy 400 CV. Chính vì sự thay đổi ngẫu hứng này mà quá trình giải ngân bị chậm lại, do chủ tàu phải làm lại toàn bộ thủ tục với các đơn vị liên quan (đăng kiểm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương, bảo hiểm…).

Một lý do nữa khiến quá trình giải ngân vốn bị chậm là nhiều tỉnh thiếu trầm trọng cơ sở đóng tàu. Đơn cử, tại Quảng Trị, hộ gia đình ông Võ Minh Bình (huyện Gio Linh) đã được Agribank Gio Linh phê duyệt phương án vay vốn đóng tàu, nhưng đến nay, ngân hàng vẫn chưa thể giải ngân do cơ sở đóng tàu bị quá tải.

Bên cạnh đó, việc thẩm định của chính quyền và các cơ quan, ban, ngành khác cũng kéo dài, khiến ngân hàng phải đợi.

Nhiều cán bộ tín dụng ngân hàng cho biết thêm, việc triển khai cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 còn gặp khó khăn vì ngân hàng không “rành” về các yếu tố kỹ thuật và thiếu “chuẩn” để thẩm định dự toán đóng tàu, bởi mỗi cơ sở thẩm định đưa ra một mức giá khác nhau.

Chưa kể, với ngân hàng, điều kiện cấp tín dụng cũng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ. Với ngân hàng, việc thẩm định chủ tàu không chỉ là thẩm định năng lực vốn, mà còn phải thẩm định kinh nghiệm đi biển, kinh nghiệm quản lý tàu đánh bắt cá xa bờ. Và trên thực tế, đối với cho ngư dân vay, nếu không dựa vào niềm tin, thì rất khó trao vốn bởi bà con lênh đênh trên biển, ngân hàng không thể quản lý được dòng tiền.

Được biết, một trong những giải pháp quản trị dòng tiền với các dự án tàu theo Nghị định 67 mà Agribank đang triển khai là cho vay tàu đánh bắt gắn với tàu hậu cần để hình thành chuỗi sản xuất. Với giải pháp này, Agribank không những quản trị được dòng tiền, mà còn giúp ngư dân bám biển dài ngày hơn, có đầu ra và giá cả tốt hơn.

Tin bài liên quan