VCCI đề nghị phương án Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định.
Đây là đề xuất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi gửi góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, trong văn bản số 288/BCT-TTTN ngày 18/01/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đề nghị trước mắt sẽ chỉ sửa đổi một số nội dung để khắc phục bất cập, hạn chế trong triển khai Nghị định 95 và Nghị định 83 và về lâu dài thì sẽ cân nhắc sửa đổi một cách căn bản tư duy quản lý điều hành, thực hiện việc quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong việc xác định giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, VCCI cho rằng, Công văn 288 chưa xác định rõ khi nào sẽ thực hiện việc này.
“Nếu tiếp tục kéo dài thì các vướng mắc căn bản của phương thức Nhà nước định giá sẽ không được xử lý. Do đó, đề nghị Bộ Công thương xin ý kiến Chính phủ về việc xác định thời điểm và lộ trình thay đổi phương thức quản lý giá xăng dầu theo hướng thị trường ngay trong Tờ trình xây dựng Nghị định sửa đổi lần này”, VCCI đề xuất.
Hiện tại, về phương thức quản lý giá xăng dầu, Bộ Công thương đang đưa ra 2 phương án.
Phương án 1, và cũng là phương án Bộ Công thương đang chọn, là Nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở. Công thức tính cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất.
Phương án 2 là Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định.
Góp ý vào phương án chọn của Bộ Công thương, VCCI bày tỏ sự lo ngại về tính hợp lý và khả thi của phương án này.
“Cần lưu ý rằng, tinh thần “tính đúng, tính đủ” chi phí cho doanh nghiệp không phải đến bây giờ mới được đưa ra khi xây dựng công thức tính giá”, VCCI phân tích các lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm này.
Các Nghị định 95/2021/NĐ-CP, Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các văn bản trước đó đều coi việc “tính đúng, tính đủ” chi phí cho doanh nghiệp là nguyên tắc khi xây dựng công thức tính giá.
Tuy nhiên, trên thực tế điều này đã không làm được, vì nhiều lý do.
Thứ nhất, tính toán chi phí này rất phức tạp, nhiều thông số đầu vào không có cơ sở tham chiếu hoặc rất dễ bị báo cáo sai lệch. Đối với phần chi phí mua xăng có giá tham chiếu trên sàn giao dịch thế giới thì tương đối rõ. Nhưng phần chi phí khác như premium hợp đồng với nước ngoài, chi phí vận chuyển, bảo hiểm, premium trong nước, chi phí bán hàng, chi phí lãi vay và các chi phí khác thì mỗi doanh nghiệp, mỗi lô hàng, mỗi kho xăng, mỗi cây xăng lại khác nhau. Nhà nước có thể yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, nhưng lại luôn phải đối mặt với nguy cơ doanh nghiệp kê khai cao lên nhằm có được giá bán cao hơn.
Kể cả trường hợp có kiểm toán thì cũng chỉ xác thực được số liệu trên sổ sách, chứ rất khó phát hiện trường hợp doanh nghiệp “gửi giá” thông đồng với đối tác để đẩy chi phí lên. Hơn nữa, các chi phí này thường được ghi theo năm kế toán, tức là phải đợi hết năm mới có con số chính xác, trong khi chi phí thực có thể biến đổi mạnh vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Thứ hai, như đã phân tích trong Tờ trình của Bộ Công thương, chi phí định mức này sẽ lấy theo mức bình quân gia quyền chi phí của các doanh nghiệp. Tức là sẽ có khoảng một nửa số doanh nghiệp (tính theo thị phần) có chi phí cao hơn mức trung bình sẽ không còn động lực kinh doanh khi chi phí cao hơn giá bán. Nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng xăng dầu như giai đoạn vừa qua vẫn có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Để ngăn chặn tình trạng này thì buộc phải tăng lợi nhuận định mức cho các doanh nghiệp để bảo đảm doanh nghiệp có động lực kinh doanh. Nhưng như vậy sẽ khiến giá bán xăng dầu cao, tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội.
Như vậy, VCCI cho rằng, nếu chọn phương án 1 sẽ tiếp tục lặp lại tình trạng bất cập như đã diễn ra thời gian qua mà không có cách nào khắc phục được.
Đối với phương án 2, giá bán do cung cầu quyết định thì sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường.
Nếu thị trường có mức độ cạnh tranh cao thì giá bán sẽ rất sát với chi phí. Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá (thoả thuận hạn chế cạnh tranh) thì giá bán sẽ cao hơn chi phí.
Để khắc phục tình trạng này, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu và điều tra hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu.
“Với những phân tích trên, VCCI đề nghị cân nhắc lựa chọn phương án 2. Lý do lựa chọn là vì có biện pháp khắc phục nhược điểm của phương án 2, trong khi phương án 1 không có biện pháp hiệu quả để khắc phục nhược điểm”, VCCI đề xuất.
Tuy nhiên, VCCI cũng cho rằng, nếu trong trường hợp lần sửa đổi này tạm thời lựa chọn phương án 1 thì cần có lộ trình để sớm sửa đổi theo phương án 2. Bởi như đã phân tích, nếu cơ chế quản lý giá này kéo dài thì an ninh năng lượng luôn bấp bênh và hạ tầng năng lượng sẽ không được đầu tư, phát triển, nhanh chóng xuống cấp.