Thanh khoản căng thẳng
Trong tuần từ ngày 20-24/5, thanh khoản hệ thống căng thẳng hơn khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục thực hiện nghiệp vụ bán ngoại tệ can thiệp ở tất cả các ngày trong tuần và sử dụng kênh mua kỳ hạn nhằm đối ứng với việc thiếu hụt thanh khoản tiền đồng. Cụ thể, có tổng cộng 98.000 tỷ đồng trúng thầu trên tổng số 105.000 tỷ đồng gọi thầu với lãi suất tăng lên 4,5%/năm trong 3 phiên cuối tuần. Đồng thời, NHNN đã kéo dài kỳ hạn lên 14 ngày, thay vì 7 ngày như trước đó.
Ở kênh tín phiếu, NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày và có tổng cộng 2.700 tỷ đồng trúng thầu trên tổng số 11.400 tỷ đồng đáo hạn. Lãi suất có xu hướng tăng dần và kết tuần ở 4,2%/năm, tăng 35 điểm cơ bản so với tuần trước đó. Kết tuần, NHNN bơm ròng 99.200 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng dần về cuối tuần và chốt phiên giao dịch ngày 24/5 ở mức 5%/năm, giảm 100 điểm cơ bản so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch trung bình ngày tăng 10%, lên gần 300.000 tỷ đồng/ngày và chênh lệch lãi suất VND-USD thu hẹp về chỉ còn -20 điểm cơ bản.
Đối với lãi suất huy động, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã điều chỉnh tăng với mức trung bình khoảng 30-100 điểm cơ bản so với vùng đáy xác nhận vào tháng 3. Xu hướng tăng mạnh chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng vừa và nhỏ ở hầu hết các kỳ hạn, trong khi nhóm ngân hàng lớn điều chỉnh nhẹ ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng nhẹ và giao dịch cao hơn mức giá USD mà NHNN bán ra (25.450 đồng/USD) trong khi tỷ giá tại các NHNN được niêm yết sát với mức trần quy định của NHNN. Tỷ giá tự do giao dịch trong biên độ hẹp và tăng 30 đồng. NHNN tiếp tục thực hiệp nghiệp vụ bán can thiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ từ phía các ngân hàng với khối lượng tương đối lớn.
Căng thẳng trên thị trường tiền tệ đã dẫn đến nhiều phỏng đoán về việc cơ quan quản lý sẽ tăng lãi suất điều hành hay điều chỉnh tỷ giá và ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN đã phải đưa những thông điệp trấn an thị trường.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, NHNN đã tích cực điều chỉnh chính sách tiền tệ trong năm 2023 và những tháng đầu năm nay để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đáp ứng với sự giảm tốc của tăng trưởng. Trong bối cảnh nhiều biến số của môi trường tài chính quốc tế, NHNN đã cảnh giác trong việc theo dõi các vấn đề mới nổi xuất hiện ở các quốc gia khácxuất hiện để cung cấp thông tin cho Chính phủ nhằm ổn định tổng thể nền kinh tế. NHNN đã mở rộng dải biến động ngoại hối từ 3% lên 5% trong năm 2023 để linh hoạt hơn trong việc thích ứng với sự biến động của điều kiện tài chính quốc tế.
“Mặc dù khả năng lây lan rủi ro tài chính ảnh hưởng đến ngành ngân hàng của Việt Nam vào thời điểm này là thấp, NHNN đã tích cực tăng cường quy định về quản lý hệ thống ngân hàng để duy trì ổn định tài chính trong giai đoạn giảm tốc của nền kinh tế, bên cạnh việc quản lý chính sách tiền tệ và ngoại hối cẩn trọng”, ông Shantanu Chakraborty nói.
Cuối tuần qua, NHNN vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng; các chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Theo đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay. Đặc biệt là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội..., nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Trong những tháng còn lại của năm 2024, với những dự báo tình hình thế giới, khu vực, NHNN cho biết, sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, bám sát mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Điều chỉnh lãi suất không phải là công cụ chính
Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC nhận định, trong bối cảnh áp lực lên VND gần đây đang gia tăng, đã có những băn khoăn liệu điều này có thúc giục NHNN đi đến quyết định tăng lãi suất. Tuy có những rủi ro nhất định, nhưng HSBC không cho rằng khả năng này sẽ xảy ra. Đại diện HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ vượt trần 4,5% trong quý II/2024 nhưng cũng chỉ trong thời gian rất ngắn, trước khi có thể giảm xuống dưới 4% so với cùng kỳ năm trước trong quý III/2024.
“Ngoài ra, tăng lãi suất trong khi tăng trưởng tín dụng còn yếu có thể không tốt cho đà tăng trưởng kinh tế mới chớm trở lại và đây cũng không phải liều thuốc tiên để hỗ trợ cho đồng nội tệ. Vì vậy, chúng tôi không kỳ vọng NHNN sẽ có động thái như vậy”, bà Yun Liu nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế của UOB nêu quan điểm, NHNN sẽ giữ lãi suất ổn định trong thời điểm hiện tại. Theo UOB, NHNN đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước những thách thức và tình trạng suy thoái kinh tế với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023, khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,5%/năm. Với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo dù ở mức thấp nhưng không nên loại trừ hoàn toàn.
“Tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%năm, thay vì tiếp tục hạ lãi suất với các hạn chế trong tính toán mức chặn dưới, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế”, UOB nhận định.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Chính sách tiền tệ nói chung, chính sách lãi suất nói riêng năm 2024 vẫn cần tiếp tục điều hành theo hướng nới lỏng nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế song không thể thiếu sự thận trọng và linh hoạt nhằm ứng phó với những biến động khó lường từ kinh tế thế giới cũng như từ biến động tỷ giá hối đoái, luân chuyển dòng tiền và giá cả”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Việc điều chỉnh lãi suất không phải là công cụ chính yếu để vực dậy nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn”.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán nêu quan điểm với Đầu tư Chứng khoán: “Tôi nghĩ cơ quan quản lý sẽ không tăng lãi suất điều hành, mà nới biên độ tỷ giá”.