CTCK nhỏ và vừa đang bế tắc trong tìm hướng đi để “sống”, chứ chưa dám nghĩ tới “sống thọ” với thị trường

CTCK nhỏ và vừa đang bế tắc trong tìm hướng đi để “sống”, chứ chưa dám nghĩ tới “sống thọ” với thị trường

Khó sống, ông chủ công ty chứng khoán phải bán... “con đẻ”

(ĐTCK) Lường trước việc khó có thể sống sót trong bối cảnh cạnh tranh tại khối CTCK đang ngày một khốc liệt, nhiều ông chủ CTCK đành dằn lòng bán công ty ví như “con đẻ” sau nhiều năm gắn bó. Xu hướng này đang tăng nhiệt cùng với sự xuất hiện của sức ép cạnh tranh mới.

Bên cạnh nhiều CTCK đến nay đã bị “xóa tên” như: Âu Việt, Chợ Lớn, VIT, Á Âu... do tự nguyện giải thể, hoặc hợp nhất với các CTCK khác, từ đầu năm đến nay khá nhiều CTCK đã được sang tên cho chủ mới.

Mới đây nhất, 15 cổ đông của CTCK Phượng Hoàng (PCS) đã bán 100% phần vốn góp cho ông Hoàng Xuân Hùng (60,1%), bà Nguyễn Minh Trang (20%) và ông Nguyễn Thanh Hải (19,9%). Sau động thái chuyển nhượng này, ông chủ mới của PCS là tân Chủ tịch HĐQT Hoàng Xuân Hùng thay cho bà Lê Thị Mai Linh.

Các CTCK bị xóa sổ hoặc sang nhượng cho chủ mới đa phần là các công ty vốn nhỏ; sản phẩm, dịch vụ đơn điệu; sức cạnh tranh yếu; kết quả kinh doanh mờ nhạt…

Trước đó, một trường hợp khác các chủ cũ cũng bán toàn bộ cổ phần cho chủ mới là tại CTCK Nam An. Theo đó, 7 cổ đông trong nước đã chuyển nhượng toàn bộ 14 triệu cổ phần (100% vốn điều lệ) cho Công ty Shinhan Investment Corporation (Hàn Quốc). Sau diễn biến này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã cấp phép cho chủ mới chuyển đổi tên và mô hình hoạt từ CTCP Chứng khoán Nam An thành Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam.

Tại CTCK An Thành, cả 3 cổ đông sáng lập là ông Phạm Ngọc Phú (từng nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc của Công ty), Nguyễn Hữu Long và Phạm Đức Toàn đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần sở hữu (45,85%) cho đối tác ngoại. Tiếp sau động thái này, các ông chủ cũ, cũng như tên CTCK An Thành đã bị “xóa” sau khi Công ty hợp nhất với CTCK Phú Hưng.

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, các CTCK bị xóa sổ hoặc sang nhượng cho chủ mới đa phần là các công ty vốn nhỏ; sản phẩm, dịch vụ đơn điệu; sức cạnh tranh yếu; kết quả kinh doanh mờ nhạt… Các CTCK nhỏ ngày càng yếu đi, trong khi các CTCK lớn không ngừng tỏ rõ ưu thế cạnh tranh lấn lướt trước đối thủ, vươn lên bứt phá và sẵn sàng đè bẹp các CTCK nhỏ, yếu.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt này, đường “sống” của các CTCK nhỏ càng trở nên mong manh. Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều ông chủ đành phải chuyển nhượng công ty sau nhiều năm cầm cự để chờ thời, nhưng xem ra họ đã… hết duyên với nghề dịch vụ chứng khoán.

Từ chỗ lúc cao điểm có hơn 100 CTCK, rất có thể trong ít năm tới, số lượng CTCK sẽ giảm còn 30-40 công ty.   

Bên cạnh đó, một sức ép lớn mà các CTCK nhỏ đang phải đối mặt và không dễ vượt qua, là UBCK đang cùng các thành viên thị trường thúc đẩy triển khai nhiều nghiệp vụ mới như: chứng khoán phái sinh; mua bán trong ngày, bán chứng khoán chờ về… với những đòi hỏi rất cao về vốn, quản trị rủi ro, sức khỏe an toàn tài chính… Cửa tham gia vào các sân chơi này đối với các CTCK nhỏ là gần như không tưởng.

Nói như vậy để thấy, cửa “sống” với các CTCK nhỏ đang không chỉ trở nên hẹp hơn ở thời điểm hiện tại mà cả tương lai. “Đất sống” cho các CTCK nhỏ trong vòng 3-5 năm tới rất ít, vì sau khi không đủ khả năng tham gia TTCK phái sinh, hay mua bán trong ngày…, khách hàng ở các CTCK nhỏ sẽ dần tìm đến các CTCK lớn, nơi có khả năng đáp ứng đa dạng nhu cầu đầu tư của họ.

Với định hướng tái cấu trúc khối CTCK hiện tại của UBCK, cũng như hệ thống pháp lý đã định hình cho một giai đoạn phát triển mới với nhiều tiêu chuẩn cao hơn đối với các CTCK, thì không chỉ các CTCK nhỏ, mà ngay cả các CTCK cỡ trung, có vốn khoảng 200-300 tỷ đồng, hiệu quả kinh doanh yếu kém cũng không dễ trụ vững để tìm cơ hội vươn lên nếu không hợp nhất, sáp nhập với các CTCK khác nhằm tăng quy mô vốn; cải thiện sức khỏe tài chính; cũng như tạo sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ…

Từ diễn biến trên, những người trong cuộc nhìn nhận, sức nóng của xu hướng sang tên, đổi chủ tại các CTCK sẽ còn tăng nhiệt thời gian tới. Quá trình này trong trước mắt sẽ tiếp tục diễn ra tại các CTCK chỉ có vốn trên dưới 100 tỷ đồng, sau đó đến các CTCK cỡ trung, nhưng hiệu quả kinh doanh bết bát, đường hướng phát triển không sắc nét, mà như chính lãnh đạo một CTCK đang niêm yết vừa chia sẻ với cổ đông tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên năm 2016, là ngay cả ông cũng không rõ sức cạnh tranh của công ty ở đâu?

Chia sẻ rất thật này phần nào cho thấy không ít CTCK nhỏ và vừa đang bế tắc trong tìm hướng đi để có thể “sống”, chứ chưa dám nghĩ đến “sống thọ” với thị trường. Bởi vậy, từ chỗ lúc cao điểm có hơn 100 CTCK, rất có thể trong ít năm tới, số lượng CTCK sẽ giảm còn 30-40 công ty.

Tin bài liên quan