Khó phát mãi tài sản thu hồi nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, các nhà băng không dễ phát mãi tài sản đảm bảo thu hồi nợ, nhất là đối với các tài sản bất động sản giá trị lớn hàng nghìn tỷ đồng.
Khó phát mãi tài sản thu hồi nợ xấu

Không dễ phát mãi tài sản

Trong ngày 4/10 và 5/10, Agribank chi nhánh Tràng An thông báo bán đấu giá 4 khoản nợ phải thu với 4 doanh nghiệp liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Theo đó, nhà băng này rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Bắc Hà với giá khởi điểm khoảng 56 tỷ đồng; khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản THM Thịnh Vượng giá khởi điểm 95 tỷ đồng; khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Thanh giá khởi điểm 77 tỷ đồng và Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Viễn Đông 82 tỷ đồng.

4 khoản nợ với tổng giá trị hơn 300 tỷ đồng này đều được thế chấp bằng hợp đồng cho thuê dài hạn và không hủy ngang ở số 24 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Tòa nhà 7 tầng trên lô đất vàng ở Quang Trung này cũng là nơi đặt trụ sở chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Đầu tháng 8/2023, Agribank cũng rao bán các khoản nợ của 7 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng, trong đó có tài sản đảm bảo là các bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải. Bên cạnh đó, nhà băng này còn một khoản nợ phải thu hồi với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc, giá khởi điểm rao bán là hơn 281,6 tỷ đồng.

Như vậy, tổng cộng, Agribank đang rao bán các khoản nợ trị giá ít nhất 1.000 tỷ đồng liên quan tới Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

BIDV chi nhánh Hà Nội mới đây đã thông báo về kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của CTCP Licogi 166 (UPCoM: LCS). Theo đó, lô tài sản bao gồm: 3 máy móc thiết bị công trình tại số 68 thôn 9 Hương Linh, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội và 18 tài sản bao gồm máy móc thiết bị công trình, phương tiện vận tải tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước đó, hồi tháng 9/2022, BIDV cũng từng tìm tổ chức bán đấu giá 6 máy công trình, một dây chuyền nghiền sàng đá và hai ô tô. Trong đó, hai ô tô gồm Ford biển số 29C-797.81 sản xuất năm 2017 và ô tô tải HOWO biển số 29C-701.55 sản xuất năm 2015.

Không chỉ nợ BIDV, mà với Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Thành An (VietinBank), Licogi 166 ghi nhận dư nợ gốc năm 2019 là 12,7 tỷ đồng, mặc dù trả chậm nhưng công ty đã trả dần, đến tháng 30/6/2021 còn dư nợ 4,924 tỷ đồng. Từ tháng 9/2020 đến nay, VietinBank liên tục yêu cầu Licogi 166 tự thanh lý tài sản để trả nợ quá hạn.

Theo yêu cầu của VietinBank, đầu năm 2022, Công ty đã phải bán thanh lý 2 máy đảo Komatsu PC200 và Komatsu PC350 (là tài sản thế chấp tại VietinBank) với số tiền 2,35 tỷ đồng để trả cho ngân hàng, nợ gốc còn lại ở VietinBank là 1,574 tỷ đồng. Để tránh phải thanh lý tài sản thế chấp là bất động sản (tài sản Công ty đã mượn của bên thứ 3 để thế chấp), Tổng giám đốc Licogi 166 đã vay tiền cá nhân trả toàn bộ số tiền nợ gốc là 1,574 tỷ đồng.

Trong báo cáo, Licogi 166 cho biết, Công ty còn nợ tiền lãi hơn 900 triệu đồng (bao gồm cả lãi trong hạn và lãi phạt). HĐQT đã cam kết phải trả lại tài sản là bất động sản đi mượn của bên thứ 3 đang còn thế chấp tại VietinBank, do vậy Công ty sẽ tiếp tục lo nguồn để trả cho VietinBank để giải chấp tài sản này trả lại cho người cho mượn.

Trong khi đó, Sacombank cũng đã có Văn bản số 145/2023/CV-TT-XLN về tiếp tục đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng quyền tài sản là Dự án Khu công nghiệp Phong Phú, với giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng. Được biết, trước phiên đấu giá này, Sacombank cũng đã nhiều lần ký hợp đồng dịch vụ giao cho Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group tổ chức đấu giá nhưng không thành công. Trước đó, hồi tháng 5/2023, Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group cũng đã thông báo đấu giá 18 khoản nợ này.

Từ năm 2018, Thanh tra Bộ Tư pháp, UBND huyện Bình Chánh, UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị Sacombank và các đơn vị có liên quan không đấu giá khoản nợ liên quan đến Dự án Khu công nghiệp Phong Phú

Liên quan đến khoản nợ xấu này, tại Đại hội cổ đông của Sacombank năm 2022, 2023, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh đã giải thích với cổ đông về các khó khăn trong thực hiện bán đấu giá khoản nợ bảo đảm bằng quyền tài sản là Dự án Khu công nghiệp Phong Phú.

Đây là khoản nợ phát sinh từ việc cho vay của SouthernBank giai đoạn 2011 - 2012, với tài sản đảm bảo là toàn bộ lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất Dự án Khu công nghiệp Phong Phú (tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Đến năm 2015, SouthernBank sáp nhập vào Sacombank thì khoản nợ này trở thành nợ xấu mà Sacombank phải xử lý.

Năm 2023 là năm thứ 7 Sacombank thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được phê duyệt. Ngân hàng đã hoàn thành chỉ tiêu quan trọng khi xử lý thành công 21.576 tỷ đồng lãi dự thu vào năm ngoái. Trên đà tăng trưởng, Sacombank tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi, xử lý nợ xấu với số thu gần 2.700 tỷ đồng, nâng tổng số thu hồi xử lý lũy kế kể từ khi triển khai Đề án lên mức 90.600 tỷ đồng.

Đồng thời, tính đến 31/08/2023, Sacombank đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định đối với tất cả các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng bao gồm trái phiếu VAMC. Lũy kế từ khi triển khai Đề án trích lập và phân bổ gần 35.600 tỷ đồng. Với những diễn biến kể trên, Sacombank có thể hoàn tất Đề án tái cơ cấu trước thời hạn. HĐQT Sacombank cũng đã “hứa” với cổ đông quyết liệt hoàn thành tái cơ cấu năm nay.

Nợ xấu có chiều hướng tăng

Khi các nhà băng khó phát mãi tài sản thu hồi vốn trước bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, thì nợ xấu lại có xu hướng gia tăng.

Trong báo cáo giữa kỳ vừa gửi tới Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh từ năm 2022 và tiếp tục tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2023.

Đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...) của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7/2023 là 5,22%.

Còn trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 128.800 tỷ đồng nợ xấu. Về nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xác định theo Nghị quyết 42, tổng nợ xấu tăng 3,42% so với cuối năm 2022.

Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 425.900 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Sau 5 năm thí điểm, Nghị quyết 42 được đánh giá tích cực, người vay có ý thức trả nợ hơn, việc thu hồi tài sản đảm bảo xử lý nợ xấu có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 sẽ chính thức hết hiệu lực gia hạn từ ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đang đẩy nhanh quá trình lấy ý kiến Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhằm luật hoá Nghị quyết 42 để trình Quốc hội thông qua, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý khi nghị quyết này hết hiệu lực.

Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm nay của các nhà băng cho thấy, tổng quy mô nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán và Agribank tại thời điểm 30/6 ở mức 91.275 tỷ đồng, tăng 1.713 tỷ so với cuối năm 2022, tương đương tăng 1,9%.

Mặc dù có xu hướng tăng, song điểm tích cực là tỷ trọng nợ nhóm 5 trên tổng dư nợ của các ngân hàng đã giảm từ mức 0,9% hồi đầu năm xuống còn 0,86%.

Đứng đầu về quy mô nợ có khả năng mất vốn là Agribank với 18.464 tỷ đồng, dù đã giảm 536 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nợ nhóm 5 chiếm 1,26% tổng dư nợ cho vay khách hàng của Agribank, mức tỷ trọng cao nhất trong nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) và cao hơn khá nhiều so với mức bình quân cả ngành.

Với sự hỗ trợ về mặt chính sách, cụ thể là với sự ban hành của Thông tư 02/2023/TT-NHNN áp lực nợ xấu sẽ được hoãn đến hết nửa đầu 2024 để ngân hàng và người vay có thời gian để cơ cấu lại và xử lý dần tránh bị nhảy nhóm nợ.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 được dự báo ở mức 12-14% khi lãi suất cho vay tăng mạnh vào cuối năm 2022 chỉ mới được điều chỉnh mạnh vào cuối quý II/2023. Tuy trên nền tăng trưởng tín dụng thấp, song các rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản cùng bất ổn địa chính trị trên thế giới tiếp diễn... rủi ro nợ xấu vẫn tăng.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, số hồ sơ được tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02 thực tế không nhiều, vì không phải khách hàng nào cũng đáp ứng đủ điều kiện để tái cơ cấu.

Vì thế theo ông Huân, nợ xấu cũng tùy thuộc vào sự chống chọi của doanh nghiệp trước điều kiện thị trường có khó khăn. Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh thì nợ xấu ngành ngân hàng sẽ giảm nhanh, hay nói cách khác có tỷ lệ thuận với nhau. Tuy nhiên, phải đến cuối quý IV/2023 hoặc đầu năm 2023 nợ xấu mới có thể đạt đỉnh.

"Vì hiện chưa thấy sự khởi sắc nào thực sự của nền kinh tế. Kinh tế vẫn khó khăn và không ít doanh nghiệp vẫn báo lỗ và nợ xấu khá nhiều. Trong khi đó, số lượng hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp chưa về nhiều. Quý IV/2023 được kỳ vọng thị trường hồi phục thì nợ xấu mới đạt đỉnh", ông Huân nhấn mạnh.

Tin bài liên quan