Khó phát mãi tài sản khi nợ xấu tăng

Khó phát mãi tài sản khi nợ xấu tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong xu hướng nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, các ngân hàng nỗ lực xử lý, phát mãi tài sản thu hồi nợ, nhất là trước lo ngại nợ xấu sẽ tăng nếu Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2024. 

Khó phát mãi tài sản thu hồi nợ

LPBank mới đây thông báo bán đấu giá khách sạn tại tỉnh Ninh Thuận, với giá khởi điểm hơn 23,4 tỷ đồng. Theo đó, tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất thuộc 3 thửa đất tại Khu đô thị mới Đông Bắc, phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Tổng diện tích của 3 thửa đất ước tính gần 300 m2. Tài sản trên các thửa đất này là một khách sạn, có diện tích sàn gần 1.600m2. Hiện khách sạn không còn hoạt động.

Đồng thời, LPBank - Chi nhánh Đắk Lắk cũng thông báo về việc bán đấu giá bất động sản tại số 46 Y Ngông nối dài, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Lô đất này có diện tích hơn 700 m2. Trong đó, có 100 m2 là đất ở đô thị và 602,2 m2 là đất trồng cây hàng năm. Giá khởi điểm gần 5,2 tỷ đồng.

Saigonbank - Chi nhánh Bình Hòa (TP.HCM) cũng vừa thông báo về việc bán đấu giá bất động sản tại địa chỉ số 376/5 Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TP. HCM Giá khởi điểm hơn 5,1 tỷ đồng, nhằm thu hồi nợ vay.

Agribank Chi nhánh Nhà Bè vừa phát đi thông báo rao bán quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số 153, tờ bản đồ số 19, địa chỉ Lô 4-A11.4 Khu công viên bắc tượng đài, phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Thửa đất này có diện tích gần 1.000 m2. Mức giá khởi điểm là hơn 51 tỷ đồng. Theo quy hoạch, Khu công viên Bắc tượng đài (Đà Nẵng) là khu xây dựng biệt thự và khách sạn, nhà hàng.

VietinBank đang bán đấu giá nhà máy và khu đất trị giá gần 100 tỷ đồng của Công ty Bột mì Đại Nam. Tài sản thứ nhất là nhà máy sản xuất bột gạo Đại Nam được VietinBank bán đấu giá khởi điểm gần 63 tỷ đồng, gồm quyền sử dụng đất hơn 10.500 m2 cùng với tài sản gắn liền với đất là hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất bột gạo.

Tài sản thứ hai được VietinBank đấu giá hơn 34 tỷ đồng là khu đất sản xuất phi nông nghiệp diện tích hơn 21.200 m2, cũng tại ấp Phú An, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Bột Mì Đại Nam thành lập từ 2016, vốn là doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm bột mì và bột trộn, theo giới thiệu, là một trong những nhà máy bột mì lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long. Doanh nghiệp này có hai khoản nợ tại VietinBank phát sinh từ 2017 và 2021. Giá trị ghi sổ khoản nợ tạm tính đến 31/3/2023 là 166 tỷ đồng, gồm dư nợ gốc hơn 143 tỷ, còn lại là nợ lãi cộng dồn và phạt quá hạn.

Mới đây, Chi cục thi hành án quận Ba Đình ra thông báo đấu giá căn hộ chung cư thông tầng M3-SK04 Vinhomes Metropolis, thuộc tầng 44 và tầng 45 của tòa nhà M3 Vinhomes Metropolis, tại 29 Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Căn hộ M3-SK04 là tài sản bảo đảm thu hồi nợ theo hình thức bán đấu giá công khai của VietinBank chi nhánh Nam Thăng Long phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình. Tài sản đấu giá này là quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng mua bán căn hộ giữa Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Việt Nam và Công ty TNHH Trường Minh.

Thông báo cũng nêu rõ, thời gian địa điểm xem tài sản đấu giá vào ngày 18, 19/3/2024. Mức giá khởi điểm của tài sản đấu giá là hơn 53,6 tỷ đồng. Số tiền đặt trước là hơn 10 tỷ đồng. Thời gian tổ chức đấu giá là ngày 4/4/2024. Đây là lần đấu giá thứ 5 của căn hộ chung cư thông tầng M3-SK04 Vinhomes Metropolis. Tài sản này được thông báo đấu giá lần đầu tiên vào đầu tháng 2/2023 với giá khởi điểm 59,35 tỷ đồng.

Trong báo cáo phân tích Sacombank (STB - sàn HOSE) được đưa ra ngày 19/2/2024, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, Ngân hàng này đã đấu giá thành công khu công nghiệp (KCN) Phong Phú và đang chờ nhận tiền thanh toán. Thế nhưng, chỉ sau đó 2 ngày, Agriseco đính chính thông tin thành "STB được kỳ vọng đấu giá thành công KCN Phong Phú trong năm 2024”. Đây cũng là khoản nợ xấu được Sacombank đem ra đấu giá nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa phát mãi thành công để thu hồi khoản nợ xấu này.

Trước đó, hồi đầu năm 2023, Sacombank đã tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án Khu công nghiệp Phong Phú với giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng. Đây là lần thứ 5 các khoản nợ này được rao bán. Sacombank cho biết, tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng. Ngân hàng này kỳ vọng sớm phát mãi được khoản nợ trên để sớm tiến đến đích hoàn thành đề án tái cơ cấu năm nay, song đến thời điểm này vẫn chưa thể hoàn tất.

Trong xu hướng nợ xấu tăng

Trong khi việc phát mãi tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu của các ngân hàng khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng thì nợ xấu của ngành có xu hướng gia tăng, do sức khỏe của doanh nghiệp yếu. Báo cáo về ngành ngân hàng mới phát hành, các chuyên gia SSI Research cho rằng, năm 2024, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng trở lại trong nửa đầu năm khi tăng trưởng tín dụng chậm và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Theo các chuyên gia của nhóm nghiên cứu SSI Research, từ cuối năm 2022 cho đến nay, các quy định được ban hành chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết các nghĩa vụ nợ sắp đến hạn. Tuy nhiên, kể cả với những cơ chế như vậy, nợ xấu và nợ cần chú ý tại các ngân hàng mà SSI Research nghiên cứu đã tăng lần lượt là 53% và 42% so với đầu năm tính tại thời điểm cuối quý III/2023.

Báo cáo “Triển vọng Thị trường Vốn nợ năm 2024 – Thích nghi với thay đổi” của FiinRatings cũng đưa ra đánh giá, mặc dù việc tín dụng tăng mạnh vào cuối năm là thường thấy do nhu cầu vốn của một số doanh nghiệp tăng.

Tuy nhiên, theo FiinRatings, sự tăng trưởng này được thúc đẩy phần nào cũng bởi tăng trưởng tín dụng dành cho các đơn vị phát triển bất động sản. Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15% và trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, rủi ro tín dụng của các lĩnh vực liên quan tới bất động sản vẫn được đánh giá là một trong những rủi ro trọng yếu của ngân hàng.

Tính đến cuối năm 2023, nợ xấu điều chỉnh (bao gồm nợ nội bảng và nợ Công ty VAMC) của các ngân hàng TMCP đang hoạt động (không thuộc diện kiểm soát đặc biệt) được ước tính ở mức trên 2%, tương đương so với con số của năm 2022, nhưng có sự giảm nhẹ so với quý I/2023. Điểm hỗ trợ góp phần làm giảm xu hướng gia tăng của nợ xấu năm qua và giảm áp lực trích lập dự phòng cho ngân hàng là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN, đặc biệt như chính sách cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ trong Thông tư 02/2023/TT-NHNN từ tháng 4 năm 2023.

Tuy nhiên, FiinRatings lưu ý, mức tỷ lệ nợ xấu trên chưa bao gồm các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn từ các cam kết ngoại bảng cũng như các khoản nợ được các ngân hàng chủ động tái cấu trúc trước với doanh nghiệp (với lý do khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng), hay tái cấu trúc theo Thông tư 02. FiinRatings nhận định con số này chưa thực sự phản ánh đầy đủ tình hình chất lượng tài sản của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, việc nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng cao trong năm 2023 ở một số ngân hàng là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng này có thể phải đối mặt với áp lực đáng kể trong vòng 12 tháng tới. Vì vậy, mặc dù đánh giá về rủi ro hệ thống ở mức tương đối thấp, FiinRatings kỳ vọng chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ chưa cho thấy sự cải thiện ngay trong năm 2024.

Theo khảo sát, tính đến 31/12/2023, có đến 22/28 ngân hàng tăng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay so với đầu năm. Tuy nhiên, chỉ có 5 ngân hàng có tỷ lệ này vượt ngưỡng cho phép 3%, trong khi tại thời điểm cuối quý III/2023 có đến 9 ngân hàng. Mặc dù vậy, có ngân hàng đã nâng tỷ lệ nợ xấu lên gần 30%.

Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng đưa ra nhận định, nợ xấu sẽ tăng mạnh trong năm 2024 nếu Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024. Lúc đó, nhiều khả năng tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống có thể tăng đột biến bởi các khoản nợ sẽ bắt đầu nhảy nhóm.

PGSTS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Thông tư 02 cho phép giãn, hoãn nợ đến 30/06/2024 góp phần kìm hãm đà tăng của nợ xấu. Do đó, khi thời hạn Thông tư 02 hết hiệu lực, các khoản nợ tái cơ cấu sẽ về đúng phân loại, làm cho nợ xấu tăng cao, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp, khiến cho dư địa xử lý nợ xấu trong năm nay không còn nhiều. Ngược lại, nếu Thông tư 02 được gia hạn, áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng.

Tin bài liên quan