Khó làm điện mặt trời mái nhà tự dùng

0:00 / 0:00
0:00
Nếu không chấp thuận cho chủ đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà để tự dùng, thì có thể gây phản ứng tiêu cực từ nhà đầu tư, nhưng chấp thuận thì có những rủi ro.
Đầu tư vào điện mặt trời mái nhà hiện nay vấp phải rất nhiều khó khăn. Ảnh: Đức Thanh

Đầu tư vào điện mặt trời mái nhà hiện nay vấp phải rất nhiều khó khăn. Ảnh: Đức Thanh

Chờ hướng dẫn của cơ quan quản lý

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, thời gian qua, EVN và các tổng công ty điện lực, công ty điện lực đã nhận được kiến nghị của một số chủ đầu tư và địa phương, trong đó có một số nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức trong nước được bảo lãnh bởi các nhà đầu tư, quỹ phát triển của Chính phủ các nước, đề nghị được đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát điện lên lưới điện của ngành điện quản lý.

Đơn cử, Công ty TNHH Norsk Solar Việt Nam, tổ chức được bảo lãnh bởi các nhà đầu tư và quỹ phát triển Chính phủ Na Uy và Phần Lan kiến nghị đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm thương mại; Công ty TNHH Maruha Chemical Việt Nam (thuộc Tập đoàn TORAY - Nhật Bản) đầu tư điện mặt trời mái nhà tại hệ thống nhà máy của Công ty để tự dùng nội bộ; Sở Công thương tỉnh Tiền Giang lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở làm việc của 8 sở, ngành và trung tâm hành chính công…

Do các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trong phạm vi quản lý của chủ đầu tư, không thuộc phạm vi quản lý của ngành điện, nên việc không chấp thuận để các chủ đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà để tự dùng được EVN nhận định là có thể gây phản ứng tiêu cực của các chủ đầu tư và của các địa phương.

Tuy nhiên, EVN cho hay, nếu chấp thuận để các chủ đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà để tự dùng thì lại có rủi ro nhất định. Nguyên nhân là hiện chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng quy định về điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự dùng.

“Việc không kiểm soát đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự dùng có thể gây khó khăn đến việc lập kế hoạch huy động các nguồn điện hiện hữu khác nhằm đảm bảo cân bằng cung cầu trong vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là tại khu vực miền Trung, miền Nam, khi hệ thống điện mặt trời mái nhà của khách hàng bị sự cố, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng tại chỗ như dự kiến, nhưng chưa có cơ chế ràng buộc về trách nhiệm tự chịu rủi ro của khách hàng”, EVN nhận định.

Trước thực trạng trên, EVN dự tính kiến nghị Bộ Công thương - cơ quan quản lý chuyên ngành, sớm quy định cụ thể cơ chế ràng buộc về trách nhiệm tự chịu rủi ro của khách hàng, điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật, giám sát đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát điện lên lưới điện của ngành điện. Đồng thời, sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành đồng bộ các quy định quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến an toàn công trình xây dựng khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Trao đổi với Báo Đầu tư, một số nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà cho hay, đầu tư vào điện mặt trời mái nhà hiện nay vấp phải rất nhiều khó khăn. Theo đó, nhà đầu tư làm điện mặt trời mái nhà tự dùng muốn đấu nối bám tải nhưng không phát điện lên lưới cũng không được phía điện lực đồng ý. Cũng có trường hợp chủ doanh nghiệp không muốn tự đầu tư điện mặt trời mái nhà mà gọi nhà đầu tư khác vào làm, xong bán lại điện cho chính mình để có giá rẻ hơn mua từ EVN, thì doanh nghiệp kia được yêu cầu phải có sự chấp thuận cho làm điện tự dùng trên địa bàn từ Sở Công thương, là một loại quy định mới nảy sinh.

Hộ gia đình/cá nhân được miễn giấy hoạt động điện lực

Liên quan đến việc đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình, cá nhân bán điện mặt trời mái nhà có hoạt động bán điện lại cho ngành điện, hiện cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương có các hướng dẫn rất khác nhau.

Chẳng hạn, tỉnh Long An yêu cầu tất cả các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà phải đăng ký kinh doanh, nhưng Phú Yên, TP.HCM, TP. Đà Nẵng... không yêu cầu phải đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình, cá nhân có bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản 7149/BKHĐT-KTCN ngày 18/10/2021 và Văn bản 8694/BKHĐT-KTCN ngày 9/12/2021 hướng dẫn rằng, các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, hộ kinh doanh có đăng ký bán điện cho EVN thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Để có cơ sở hướng dẫn các đơn vị, EVN lại đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tiếp việc “hộ gia đình, cá nhân có lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng một phần, phần còn dư bán lên lưới điện cho EVN có thuộc trường hợp không phải đăng ký kinh doanh hay không và các điều kiện nào cần đáp ứng để được miễn trừ đăng ký”.

Theo trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. UBND địa phương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương và Bộ Công thương có nhiệm vụ hướng dẫn ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Tiếp đó, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cũng hướng dẫn rằng, trường hợp “phát điện có công suất lắp đặt đến 1 MW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác” được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Dựa vào các hướng dẫn trên, EVN đã xác định, các hệ thống điện mặt trời mái nhà thuộc đối tượng được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, chủ đầu tư cần đảm bảo duy trì việc tuân thủ các quy trình, quy phạm quản lý vận hành, các quy định về giá điện, điều kiện về kỹ thuật, an toàn của Luật Điện lực trong suốt quá trình hoạt động của hệ thống điện mặt trời mái nhà mà không có điều kiện nào khác.

Tuy vậy, để trả tiền cho việc mua điện mặt trời mái nhà thời gian qua và sắp tới, EVN yêu cầu các tổng công ty điện lực/công ty điện lực địa phương báo cáo UBND tỉnh để được hướng dẫn về mức thu nhập thấp áp dụng trên địa bàn, biện pháp xử lý đối với các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh mà không thực hiện đăng ký/bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định.

Bên cạnh đó, tiến hành thanh toán tiền mua điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng không phải đăng ký/bổ sung ngành, nghề kinh doanh điện mặt trời mái nhà (do có mức thu nhập thấp theo quy định của UBND địa phương).

Tính tới hết ngày 31/12/2020 (thời điểm hết cơ chế giá FIT2 với điện mặt trời), trên hệ thống có 7.755 MW điện mặt trời mái nhà từ hơn 88.800 hệ thống/dự án. Trong số này, ở miền Bắc có 8.872 hệ thống/dự án; miền Trung có 25.330 hệ thống/dự án và miền Nam có 54.654 hệ thống/dự án.

Tin bài liên quan