Nhiều cổ phiếu bất động sản đã có mức tăng giá ấn tượng trong những phiên giao dịch gần đây. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Xét trong giai đoạn gần đây nhất, rõ ràng nhóm cổ phiếu bất động sản đã có những mức tăng giá đáng kể. Tuy nhiên, theo thống kê của tôi đối với nhóm cổ phiếu này thì kết quả chưa thực sự thuyết phục. Có DN đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm, nhưng do đầu năm, DN lượng hóa thị trường khó khăn nên đề ra kế hoạch rất thấp. Vậy thì tại sao nhóm cổ phiếu này lại tăng giá mạnh, kể cả cổ phiếu của các DN thua lỗ triền miên như PVX, PVL, IDJ, ICG...? Tôi cho rằng, đó là do kỳ vọng của NĐT và hoạt động của dòng tiền đầu cơ. Khi kỳ vọng đang lên cao thì dòng tiền được đổ vào mạnh, tự khắc những cổ phiếu này tăng giá.
Quan điểm đầu cơ là cứ ở đâu có “sóng”, dòng tiền sẽ chảy mạnh vào nhóm đó và “lửa” sẽ liên tục được truyền qua lại và người cuối cùng là người hứng chịu rủi ro. Nhưng trong cuộc chơi kiểu này, không NĐT nào cho rằng mình sẽ là người cuối cùng.
Dù tăng “nóng”, nhưng cổ phiếu bất động sản hiện nay vẫn đang có sự phân hóa khá mạnh?
Đúng vậy, theo quan điểm của tôi, chỉ những DN thực sự tạo ra giá trị thì giá cổ phiếu tăng mới là thực chất và không giảm trở lại. Ngược lại, những cổ phiếu tăng nóng mà DN làm ăn bết bát thì khi dòng tiền rút đi, giá cổ phiếu tất yếu sẽ giảm. Trong giai đoạn vừa qua, dù cùng là nhóm bất động sản, nhưng không phải cổ phiếu nào cũng tăng. Một phần là bởi những cổ phiếu đó không có sự “dẫn dắt” dòng tiền, một phần là do công tác quan hệ NĐT (IR) chưa hiệu quả và chưa đến với NĐT.
Nhiều ý kiến cho rằng, theo chu kỳ vận động của thị trường bất động sản, cũng như những tín hiệu cải thiện của kinh tế vĩ mô, từ năm 2014, thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ nét hơn, đây là cơ sở đề NĐT kỳ vọng vào hiệu quả kinh doanh của các DN bất động sản trong thời gian tới. Quan điểm của ông như thế nào?
Thực ra, rất khó nói về thị trường rộng lớn này. Theo góc nhìn của tôi thì các DN bất động sản đang ở giai đoạn cuối của sự khó khăn. Nhìn vào báo cáo tài chính quý III/2013, những khoản nợ, phải thu và hàng tồn kho là khá lớn. Đặc biệt, nhiều DN đang đến hạn phải thanh toán những khoản vay trung hạn (5 năm) từ năm 2009. Đây vẫn đang là áp lực lớn nhất với DN. Các DN đang cố gắng bán dự án để trả nợ và có thêm vốn để hoạt động, nhưng điều này không dễ dàng và không phải DN nào cũng làm được.
Hiện tại, ITC đang muốn chuyển nhượng Dự án Tăng Nhơn Phú, Dự án Long Phước. TDH muốn tìm đối tác chuyển nhượng Dự án Trung tâm thương mại và Khách sạn La Sapinette tại Đà Lạt, Dự án Khu chung cư phường Phước long A (Phúc Thịnh Đức), Dự án La Sapinette tại Huế.
Thị trường bất động sản đã có một số tín hiệu tích cực, nhưng chưa đủ. Thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài đã và đang khiến nhiều cơ quan vào cuộc để vực dậy thị trường này, nhưng chưa thực sự thành công. Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Do đó, cần phải có thêm những chính sách mới, làm cho thị trường này sôi động, khi đó các DN giảm được lượng hàng tồn kho và bắt đầu cho một chu kỳ mới.
Vậy NĐT có nên kỳ vọng vào mức tăng trưởng của nhóm cổ phiếu BĐS trong thời gian tới?
Nhìn chung là khó, sẽ có một vài DN tạo được bứt phá, nhưng không nhiều. DN nào có sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng, có lợi thế về quỹ đất để triển khai sẽ có cơ hội để phát triển. Sáng tạo và tận dụng tối đa ưu thế để chinh phục thị trường sẽ mang lại giá trị cho DN, chỉ như vậy cổ phiếu mới tăng giá bền vững.