Một sản phẩm ra đời dù trải qua nhiều công đoạn kiểm tra nghiêm ngặt, nhưng vẫn có rất nhiều rủi ro bất khả kháng do những yếu tố khách quan. Chẳng hạn như bảo hiểm bình gas, hay bình nóng lạnh… những sản phẩm hiện được nhiều doanh nghiệp sản xuất mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.
Khi doanh nghiệp sản xuất tham gia bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, khách hàng của doanh nghiệp này sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường/thay mặt cho doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm pháp lý bồi thường cho những tổn thương cá nhân/thiệt hại vật chất xảy ra đối với người thứ 3 trong thời hạn bảo hiểm do một sự cố liên quan đến hoạt động kinh doanh…
Thực tế, việc mở cửa sẽ giúp hàng hóa Việt Nam mở rộng xuất khẩu ra thị trường quốc tế và nhu cầu bảo hiểm từ những đơn hàng xuất khẩu này theo đó cũng tăng mạnh. Sẽ không chỉ có bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa, bảo hiểm trách nhiệm dân sự hàng hóa trên xe… mà những sản phẩm bảo hiểm thuộc thị trường ngách như bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, cũng sẽ được khai thác hết công suất. Tuy nhiên, để đạt được kết quả khả quan là không hề dễ dàng.
Là một sản phẩm truyền thống thuộc nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm, cũng như các sản phẩm trong nghiệp vụ này như: bảo hiểm trách nhiệm công cộng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp kiến trúc sư và kỹ sư tư vấn, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư và công chứng viên… bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm có tiềm năng vô cùng lớn, tuy nhiên, doanh thu khai thác của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện vẫn rất khiêm tốn.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm của một công ty bảo hiểm lớn, có kinh nghiệm nhiều năm triển khai sản phẩm này, cũng chỉ ở mức hơn 10 tỷ đồng trong năm 2015. Con số này không tăng so với năm 2014. Doanh thu của toàn thị trường đối với sản phẩm này cũng chỉ loanh quoanh ở mức vài phần trăm trong doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện Bảo Minh cho biết, Công ty triển khai sản phẩm bảo hiểm này đã khá lâu và cũng có nhiều khách hàng mua sản phẩm này. Tuy nhiên, khách hàng mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm chủ yếu là các công ty nước ngoài có nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Đây là những khách hàng có nhận thức về bảo hiểm rất cao và ở những thị trường họ có mặt, họ đều tham gia rất nhiều các loại sản phẩm bảo hiểm khác nhau. Nhận thức về bảo hiểm của khách hàng không chỉ là trở ngại với bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, mà còn là khó khăn của nhiều công ty bảo hiểm khi phát triển các dòng sản phẩm khác.
“Nhóm sản phẩm này hiện chiếm tỷ trọng doanh thu tương đối nhỏ, không chỉ ở riêng công ty tôi, mà là toàn thị trường. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhận thức của các công ty tại Việt Nam về loại hình bảo hiểm này còn thấp, hầu như chỉ mua bảo hiểm khi có yêu cầu trong hợp đồng’, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ.
Ngoài ra, cũng còn một nguyên nhân khác khiến một sản phẩm bảo hiểm tưởng chừng như rất hữu ích (không chỉ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp sản xuất, mà còn tạo lòng tin và sự an tâm của khách hàng khi mua sản phẩm) lại bị “ế”, đó là tỷ lệ bồi thường của sản phẩm rất thấp.
“Trong suốt quá trình triển khai sản phẩm, chúng tôi không phải xử lý vụ kiện tụng nào liên quan đến sản phẩm này”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm khác cho biết.
Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm dù là sản phẩm truyền thống, nhưng cũng là loại hình bảo hiểm tương đối đặc thù, chuyên biệt, bồi thường theo đàm phán, nên đòi hỏi kiến thức tương đối chuyên sâu mà nhiều phòng chức năng (Kinh doanh, Bồi thường, Nghiệp vụ) của một số công ty bảo hiểm Việt Nam hiện chưa đáp ứng được.
Tuy nhiên, hạn chế này không phải là cản trở lớn nhất để phân khúc được coi là “ngách” này phát triển. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu doanh nghiệp có nhận thức tốt về sản phẩm, khi thị trường có nhu cầu thì việc khắc phục những nhược điểm này không khó. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là nhận thức của doanh nghiệp sản xuất về bảo hiểm sản phẩm, đó cũng là nhu cầu của người tiêu dùng.