Khó khăn với các ngân hàng Việt Nam “xuất ngoại”

0:00 / 0:00
0:00
Ông Kent Wong, Chủ tịch Tiểu ban Pháp chế, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn khi các ngân hàng Việt mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Ông Kent Wong, Chủ tịch Tiểu ban Pháp chế, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Ông Kent Wong, Chủ tịch Tiểu ban Pháp chế, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Gần đây, các ngân hàng Việt Nam có xu hướng mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Theo ông, điều gì thúc đẩy xu hướng này?

Trong Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến cuối năm 2025, sẽ có 3 - 5 ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài; 2 - 3 ngân hàng lọt top 100 ngân hàng của châu Á, xét theo tài sản. Hơn nữa, Tiêu chuẩn Basel II cũng bắt buộc áp dụng trong cùng thời hạn trên. Các ngân hàng Việt Nam sẽ nâng cao tính cạnh tranh và tương thích hơn khi tiếp cận thị trường nước ngoài.

Những nỗ lực gần đây của các ngân hàng Việt Nam cho thấy, một trong những cách tiếp cận của họ là để đạt được sự công nhận từ nước ngoài.

Khi những công ty như VinFast triển khai kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq, xây dựng các nhà máy sản xuất ở North Carolina (Mỹ) và bắt đầu hiện diện ở thị trường châu Âu, các ngành công nghiệp hỗ trợ và ngân hàng sẽ theo sau. Thương hiệu King Coffee mở rộng ra bên ngoài châu Á, đến với quận Cam ở California (Mỹ) và Dubai, UAE, cũng khuyến khích các ngân hàng mạo hiểm vươn xa hơn, để hỗ trợ nhu cầu cho các khách hàng doanh nghiệp của họ.

Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA cũng góp phần làm tăng đáng kể hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Những dịch vụ nào sẽ được cung cấp ở nước ngoài khi các ngân hàng Việt Nam “xuất ngoại”, thưa ông?

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại có tên tuổi của Việt Nam đã thành lập hiện diện thương mại của họ ở một số thị trường nước ngoài, chủ yếu tại Đông Nam Á. Ngoài ra, họ còn tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua việc thành lập các công ty con và công ty đầu tư tài chính.

Vietcombank đang xem xét niêm yết tại thị trường Mỹ sau khi vận hành văn phòng đại diện đầu tiên tại New York của mình. Trước đó, mạng lưới hoạt động tại nước ngoài của Vietcombank đã bao gồm cơ sở tại Paris (Pháp), Moscow (Nga), các cơ sở công ty tài chính nước ngoài (Vinafico, Hồng Kông), văn phòng đại diện (Singapore), công ty dịch vụ chuyển tiền (Mỹ), chi nhánh (Australia).

Các dịch vụ ngân hàng hỗ trợ tín dụng như thư tín dụng cho hoạt động xuất nhập khẩu, bảo lãnh, tài trợ tài sản, vốn và hoạt động thanh toán quốc tế cũng tăng theo nhu cầu đầu tư ra nước ngoài.

Một số ngân hàng thương mại đang nổi khác sử dụng cách tiếp cận riêng của mình với các chiến lược cụ thể. Đơn cử, VPBank đã phát triển các đợt phát hành sau khi được vinh danh là nhà phát hành trái phiếu nước ngoài tốt nhất châu Á năm 2019.

Ông có thể cho biết, các ngân hàng Việt Nam khi hoạt động ở nước ngoài sẽ gặp những thách thức gì?

Có thể thấy, các ngân hàng Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định và thiếu lợi thế cạnh tranh khi mở rộng hoạt động ra nước ngoài, như hạn chế của hệ thống trung tâm thông tin tín dụng, giới hạn về thủ tục tố tụng tại tòa án và sự quản lý, giám sát của ngân hàng trung ương của nước sở tại...

Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam vẫn còn thể hiện sự bị động và kém hiệu quả trong chiến lược kinh doanh để tiếp cận thị trường nước ngoài. Các cơ chế và mô hình kinh doanh thiếu linh hoạt có thể sẽ vận hành không phù hợp và không hiệu quả ở các thị trường nước ngoài, với sự khác biệt về môi trường kinh doanh và khuôn khổ pháp lý.

Theo ông, tình hình kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động ở nước ngoài của các ngân hàng Việt Nam như thế nào?

Tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu sẽ gây ra những áp lực nhất định đối với các ngân hàng thương mại. Bởi vậy, việc hướng đến các tỷ lệ an toàn và quỹ dự trữ cho các giao dịch trong nước trong giai đoạn này có thể sẽ được ưu tiên hơn là hoạt động mở rộng ra nước ngoài.

Nhìn từ góc độ toàn cầu, sự bất ổn của hoạt động đầu tư ra nước ngoài do xung đột chính trị, ảnh hưởng của lạm phát cao và tỷ giá hối đoái biến động đang diễn ra tại các nền kinh tế siêu cường như Trung Quốc, Mỹ, Nga cũng ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói chung và hoạt động tại nước ngoài của ngân hàng Việt Nam nói riêng.

Tin bài liên quan