Khó khăn thu hồi nợ của ngân hàng và lỗ hổng pháp lý

Khó khăn thu hồi nợ của ngân hàng và lỗ hổng pháp lý

(ĐTCK) Xử lý tài sản đảm bảo là một trong những hình thức các nhà băng đang ráo riết triển khai để giải quyết tình trạng nợ xấu bên cạnh việc bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, vấn đề này cũng không dễ cho ngân hàng khi còn nhiều lỗ hổng pháp lý về quy định xử lý tài sản đảm bảo.

Câu chuyện Công ty Quản lý quỹ tài sản VPBank (VPBank AMC) thu giữ tài sản của khách hàng là câu chuyện nóng ngày hôm qua. Bình luận thì rất nhiều chiều, có luật sư cho rằng, ngân hàng làm như vậy có dấu hiệu hình sự (!), ngân hàng thì nói mình đúng luật (!), có bạn đọc thì cho rằng quá cứng nhắc và thiếu cái... tình (!). Bỏ qua câu chuyện đúng sai thì đây là một ví dụ rõ nét về sự bất cập trong quan hệ vay trả của ngân hàng.

Quay trở lại với diễn biến vụ việc, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc VPBank AMC cho biết, trên cơ sở ủy thác của VPBank, VPBank AMC đang xử lý thu hồi khoản nợ xấu của khách hàng là ông Nguyễn Sĩ Minh và vợ là bà Lâm Thị Phương Thoa. Theo Hợp đồng tín dụng giữa hai bên, ông Minh và bà Thoa vay của VPBank tổng số tiền 5 tỷ đồng.

Theo ông Tuấn, quá trình thực hiện hợp đồng, ông Minh và bà Thoa đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng, nên khoản vay trên bị quá hạn kể từ ngày 5/9/2012. Từ đó đến nay đã gần 3 năm, VPBank đã nhiều lần đôn đốc, tạo điều kiện để ông Minh và bà Thoa tự bán tài sản thế chấp hoặc sử dụng các nguồn khác để trả nợ, tuy nhiên ông bà vẫn không thực hiện. Vì vậy, VPBank quyết định chấm dứt việc cho vay, thu hồi toàn bộ dư nợ của khách hàng Nguyễn Sĩ Minh và xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo đúng thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng đã ký và quy định tại Điều 95 Luật Các TCTD.

“VPBank AMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là căn hộ 1401 tòa nhà 17T2 Trung Hòa - Nhân Chính của ông Minh đúng quy định pháp luật nhưng đã không nhận được sự hợp tác của khách hàng”, ông Tuấn nói.

Trưởng phòng xử lý nợ một ngân hàng TMCP cho biết, sự việc trên không phải hiếm trong hệ thống ngân hàng, xử lý nợ luôn là câu chuyện dài kỳ và tốn kém.

Một ví dụ được vị trưởng phòng này đưa ra là vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Xí nghiệp Dệt ở Thái Bình với một ngân hàng. Năm 1998, xí nghiệp này vay ngân hàng 38 tỷ đồng. Tài sản thế chấp được xác định là nhà xưởng, đất đai, máy móc… Thời gian đầu, việc sản xuất - kinh doanh tốt, Xí nghiệp thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán nợ, cũng như lãi cho ngân hàng. Tuy nhiên, đến năm 2004, tình hình kinh doanh khó khăn, việc thực hiện trả nợ của Xí nghiệp không còn đầy đủ và đến năm 2008, số nợ lãi và nợ gốc cũng như các khoản tiền chậm trả lên tới gần 70 tỷ đồng.

Khoản nợ này được ngân hàng xác định là nợ khó đòi, buộc phải xử lý. Để tiến hành thu hồi khoản vay, ngân hàng đã tiến hành đầy đủ các thủ tục pháp lý để phát mãi tài sản thế chấp. Tuy nhiên, Xí nghiệp dệt này lại cho rằng, mức giá phát mãi quá rẻ, trong khi một số cá nhân (là thành viên trong gia đình những người tham gia góp vốn trong xí nghiệp) khẳng định, trong số tài sản phát mãi, nhiều tài sản là của cá nhân, không phải của Xí nghiệp, đồng thời khởi kiện ngân hàng ra tòa…

Nhìn nhận về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng, đây là câu chuyện không mới liên quan đến việc ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm. Chỗ ở và quyền sở hữu tài sản luôn được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền xâm phạm. Tuy nhiên, khi đã mang tài sản đi thế chấp, chủ tài sản phải chấp nhận, bất cứ khi nào cũng có thể bị mất tài sản nếu như không trả được nợ. Đây là luật quy định.

“Nếu nghiêng về bảo vệ quyền của chủ sở hữu tài sản bảo đảm, thì quyền của chủ sở hữu số tiền cho vay sẽ bị ảnh hưởng. Pháp luật cũng như dư luận đều quan tâm và bảo vệ bên yếu thế. Tuy nhiên, chỉ lúc vay, người vay và chủ sở hữu tài sản bảo đảm mới là bên yếu thế, còn khi khoản vay đã được giải ngân thì ngược lại, bởi lúc này, ngân hàng là bên bị phụ thuộc và chạy theo khách hàng. Hợp lý nhất là cần bảo vệ công lý. Khi đó, quyền của chủ nợ cần phải được bảo vệ hơn là quyền của con nợ”, Luật sư Đức nói.

Theo Luật sư Đức, ở nhiều trường hợp, khách hàng dù có tiền, có tài sản bảo đảm nhưng vẫn không trả nợ, tìm mọi cách chây ỳ, nhởn nhơ trước pháp luật. Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo đã quy định rõ, ngân hàng được toàn quyền thu giữ, xử lý, phát mại tài sản thế chấp, tuy nhiên trên thực tế, ngân hàng thực hiện việc này là vô cùng khó khăn, bởi nguyên tắc thì có, nhưng phải làm thế nào để “hài hòa”, “hợp lý”, tránh sự phản đối, kiện cáo… thì lại phụ thuộc vào sự thiện chí của bên kia.

“Mọi việc đều có nguyên do từ quy định của pháp luật. Ở đây có lỗ hổng pháp lý dẫn đến định hướng hành vi của các bên trên thực tế. Luật quy định không trả được nợ sẽ bị thu hồi tài sản, nhưng khi chủ tài sản không chấp nhận việc phát mại, lại không phải chịu hậu quả pháp lý nghiêm khắc, bất lợi hơn. Chế tài không đủ mạnh, chấp hành không nghiêm, tình trạng nợ xấu sẽ vẫn còn nan giải”, Luật sư Đức nhấn mạnh.

Tin bài liên quan