Khó khăn kép của Công ty cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2

0:00 / 0:00
0:00
Giá khí đầu vào tăng vọt, trong khi giá bán đầu ra tăng thấp hơn và áp lực từ các nguồn điện tái tạo là những khó khăn với Công ty cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2.
Khó khăn kép của Công ty cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2

Chi phí đầu vào tăng, sản lượng điện giảm

Kết thúc quý I/2021, báo cáo tài chính của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 cho biết, doanh thu thuần đạt 1.649,7 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do sản lượng điện thương phẩm giảm 216,9 triệu kWh, tương đương mức giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Mức giảm doanh thu thấp hơn đáng kể so với mức giảm sản lượng nhờ giá bán trung bình đã tăng khoảng 12,2% so với quý I/2020. Tuy vậy, mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng của chi phí đầu vào, khiến biên lợi nhuận gộp của Nhơn Trạch 2 giảm mạnh 5,22 điểm phần trăm so với quý I/2021, xuống 8,97% từ mức 14,17% cùng kỳ năm 2020.

Theo bản tin tháng của Nhơn Trạch 2, giá khí tháng 3/2021 tăng 21,4% so với cùng kỳ 2020. Trước đó giá khí bình quân trong tháng 1 và tháng 2/2021 cũng đã tăng lần lượt 14% và 19,4% so với cùng kỳ năm 2020 trong xu hướng tăng cao của giá dầu thế giới.

Trong khi giá khí đầu vào tăng nhanh, thì giá bán đầu ra của Nhơn Trạch 2 lại tăng thấp hơn đáng kể, mức giá bán bình quân tháng 3/2021 đạt 1.595 đồng/Kwh, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ bằng 1/3 mức tăng của giá khí đầu vào. Tính bình quân quý I/2021, mức tăng giá bán điện bình quân là 12,2%.

Đối với việc giảm sản lượng tiêu thụ, trong tổng mức giảm 216,9 triệu kWh sản lượng, theo Nhơn Trạch 2, sản lượng điện theo hợp đồng (Qc) đã giảm 143,9 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân sản lượng tiêu thụ sụt giảm được cho là đến từ tăng trưởng công suất lắp đặt của mảng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời tăng mạnh, dẫn đến nguồn cung điện tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ còn yếu do ảnh hưởng của Covid-19 tác động lên các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Theo Bộ Công thương, công suất lắp đặt điện của toàn hệ thống điện Việt Nam tăng 19% trong năm 2020, chủ yếu đến từ điện mặt trời, hầu hết đã đưa vào vận hành vào cuối năm 2020.

Điều kiện thủy văn năm 2021 cũng đang thuận lợi cho các nhà máy thủy điện, vốn luôn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ưu tiên huy động do có chi phí thấp, trong khi giảm huy động từ các nhà máy điện khí có chi phí sản xuất cao hơn như Nhơn Trạch 2, do đó sản lượng điện theo hợp đồng với EVN giảm.

Câu chuyện sản lượng và giá bán đầu ra tăng thấp trước áp lực tăng mạnh của chi phí đầu vào được đánh giá cũng là nguyên nhân tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Nhơn Trạch 2 đặt chỉ tiêu khá thận trọng với lợi nhuận sau thuế 462 tỷ đồng, giảm đến 26% so với lợi nhuận đạt được năm 2020.

Tất toán nợ vay hỗ trợ lợi nhuận, dòng tiền

Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 là nhà máy nhiệt điện tua-bin khí chu trình hỗn hợp với tổng công suất 750 MW, sử dụng công nghệ của Tập đoàn Siemens (Ðức), đặt tại huyện Nhơn Trạch (Ðồng Nai).

Vị trí địa lý đặt tại trung tâm phụ tải miền Ðông Nam bộ, là khu vực có nhu cầu điện cao nhất cả nước được xem là lợi thế lớn của Nhơn Trạch 2 khi được ưu tiên huy động nhờ hao phí truyền tải thấp hơn nhiều so với nguồn điện truyền tải điện từ miền Bắc và miền Trung vào.

Vị trí địa lý này cũng giúp Nhơn Trạch 2 được đánh giá hưởng lợi từ định hướng cạnh tranh hóa thị trường điện, từ thị trường phát điện cạnh tranh đến thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Theo đó, Nhơn Trạch 2 có thể cấp lượng điện trực tiếp cho các khách hàng là các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất lớn trong khu vực.

Việc nằm gần các bể khí phía Nam và cảng Vũng Tàu cũng giúp Nhơn Trạch 2 dễ dàng vận chuyển nguồn khí đầu vào. Hiện nay, Nhơn Trạch 2 đã ký hợp đồng mua bán khí dài hạn với Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas).

Trong bối cảnh bức tranh kinh doanh năm nay đang đối mặt nhiều khó khăn, điểm nhấn đáng chú ý với Nhơn Trạch 2 là việc Công ty dự kiến sớm tất toán nguồn nợ vay đầu tư nhà máy ban đầu, giúp tiết kiệm chi phí lãi vay cũng như tăng thặng dư dòng tiền.

Cụ thể, tháng 7/2010, Công ty đã ký hợp đồng vay với tổng hạn mức 215,38 triệu USD và 202,59 triệu EUR để đầu tư nhà máy với kỳ trả nợ đầu tiên bắt đầu từ tháng 6/2012. Tính đến cuối năm 2020, dư nợ gốc của khoản vay còn lại 10,98 triệu USD và 9,24 triệu EUR với giá trị quy đổi 510,99 tỷ đồng. Theo lộ trình trả nợ, toàn bộ số nợ này được hoàn trả trong kỳ trả nợ tháng 6/2020.

Việc hoàn tất trả nợ khoản vay đầu tư nhà máy ước tính sẽ giúp Nhơn Trạch 2 tiết kiệm được trên 100 tỷ đồng chi phí tài chính mỗi năm, bao gồm khoảng 50 tỷ đồng chi phí lãi vay và hơn 60 tỷ đồng chi phí bảo hiểm khoản vay. Mặt khác, Công ty cũng không còn phải lo ngại phát sinh rủi ro biến động tỷ giá, vốn là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Công ty thường xuyên biến động mạnh.

Tin bài liên quan