Khó khăn hiện hữu, doanh nghiệp dự kiến “đi lùi”

Khó khăn hiện hữu, doanh nghiệp dự kiến “đi lùi”

(ĐTCK) Năm 2019, nhìn nhận có nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận không tăng, thậm chí giảm sâu so với năm 2018.

HPG, EID, FMC dự kiến lợi nhuận giảm

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa có nghị quyết về kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2019 để trình Đại hội đồng cổ đông thông qua, với chỉ tiêu doanh thu 70.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.700 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2018, HPG đạt tổng doanh thu 56.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.601 tỷ đồng. Như vậy, năm nay, HPG dự kiến doanh thu tăng 23,9%, nhưng lợi nhuận giảm 22%; cổ tức 20%, thấp hơn mức 30% của năm ngoái.

Năm nay, giá thép được dự báo sẽ thấp hơn so với năm ngoái và sự cạnh tranh trên thị trường khốc liệt hơn. Đặc biệt, từ 1/1/2019, Trung Quốc đã bỏ đánh thuế xuất khẩu trên phôi thép vuông nhằm mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, sẽ ảnh hưởng tới diễn biến giá thép.

Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) dự báo, mặt hàng thép năm 2019 sẽ gặp áp lực giảm giá. Cụ thể, ở mảng thép dài, thị trường bất động sản dự báo chững lại sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ, trong khi sản lượng thép dài có thể gia tăng với sự đóng góp của giai đoạn I dự án Dung Quất (công suất 2 triệu tấn/năm), nên thép xây dựng sẽ bị cạnh tranh gay gắt.

Thép là một trong những ngành được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay.   

Trong khi đó, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành kế hoạch cắt giảm công suất, hiện đang nới lỏng các tiêu chuẩn môi trường đối với sản xuất thép. Nguồn cung thép tăng mạnh sẽ gây áp lực lớn lên giá trong năm nay.

Một số doanh nghiệp khác đặt kế hoạch tăng trưởng lùi trong năm nay như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội (EID) có mục tiêu doanh thu năm 2019 là 510 tỷ đồng, lợi nhuận 45 tỷ đồng, giảm lần lượt 13,5% và 5,2% so với năm 2018.

Đáng chú ý, lĩnh vực thủy sản đang được đánh giá có nhiều lợi thế nhờ các hiệp định thương mại tự do, nhưng Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) vẫn thận trong khi lên kế hoạch lợi nhuận năm 2019 là 180 tỷ đồng, giảm 6,7% so với năm 2018. 

BRC, DMC lên kế hoạch tăng nhẹ

Theo Công ty cổ phần Cao su Bến Thành (BRC), sợi cáp nhập khẩu chịu thuế 5%, vải chịu lực chịu thuế 15%, dẫn tới tăng chi phí đầu vào của sản phẩm băng tải lõi thép, lõi vải - một trong những mặt hàng chủ lực của Công ty. Trong khi đó, sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc có mức thuế 0% và đồng nhân dân tệ có khả năng tiếp tục mất giá do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Ngoài ra, giá than đá tăng 5% và dự báo giá năng lượng điện, dầu thô sẽ tăng, làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm trong năm 2019; bên cạnh sự cạnh tranh từ các đối thủ, ngày càng có nhiều công ty thương mại nhập khẩu, khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Tuy nhiên, BRC phấn đấu năm 2019 đạt doanh thu 236 tỷ đồng, tăng khoảng 1,7 tỷ đồng so với năm 2018 và lợi nhuận trước thuế khoảng 22 tỷ đồng, tăng 0,8 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến ở mức 2,4 tỷ USD, trong đó nhập khẩu giảm 3% và xuất khẩu tăng 4%.

Năm ngoái, kết quả doanh thu của BRC không đạt mục tiêu. Tổng doanh thu là 234,2 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch. Tổng giám đốc BRC Nguyễn Trần Vũ Nghiêm cho hay, áp lực cạnh tranh thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm cùng loại có giá thấp của Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức tiêu thụ của Công ty. Nhờ tiết giảm được nhiều khoản chi phí trong quản lý, sản xuất nên lợi nhuận đạt 103% kế hoạch.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) cho biết, Công ty sẽ họp Đại hội đồng cổ đông ngày 29/4/2019, dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu 1.467 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận sau thuế 230 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2018; cổ tức 25%.

Có thể thấy, dù lạc quan với tăng trưởng kinh tế, nhưng một số ngành, lĩnh vực dự kiến gặp nhiều khó khăn, nên doanh nghiệp thận trọng khi đề ra mục tiêu kinh doanh năm nay.

Tin bài liên quan