Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương nhằm tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Liêm, Phó chủ tịch Hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lâm Điền cho biết, ngành gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng tập trung vào chuyện xuất khẩu, hai thị trường lớn nhất vẫn là Mỹ và Anh, trong khi hai nước đó đến thời điểm này vẫn chưa tiến hành mở cửa hàng được.
Các doanh nghiệp hiện nay chỉ làm việc cầm chừng. Theo khảo sát các doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương, khoảng 51% số doanh nghiệp hội viên đã tạm ngừng làm việc cầm chừng để giữ một số cán bộ, nhân viên nòng cốt.
“Về phía doanh nghiệp sẽ cố gắng hết sức tìm những đơn hàng nhỏ để duy trì sản xuất cầm chừng. Về phía ngân hàng, chúng tôi cũng hiểu rằng ngân hàng là một doanh nghiệp mà doanh nghiệp không thể giảm lãi suất nhiều được, do huy động đầu vào và đầu ra độ chênh cũng không lớn, nhưng tôi cũng mong muốn rằng ngân hàng chia sẻ thêm một số điểm nữa”, ông Liêm nói.
Cụ thể, ông Liêm cho biết, hậu Covid, các ngành gỗ sẽ hoạt động thế nào khi mà các nguồn vốn đang bị ứ đọng ở nước ngoài và những sản phẩm chưa xuất đi được. Dù biết ngân hàng rất khó hạ điều kiện cho vay, nhưng nếu được, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng nên khảo sát xuống thực tế các doanh nghiệp, đánh giá lại từng doanh nghiệp.
Về kết quả triển khai thực hiện Thông tư 01 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đến 30/4/2020, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 571 khách hàng với dư nợ 2.262 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 2.316 khách hàng với dư nợ trên 753 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt gần 25.000 tỷ đồng cho 4.470 khách hàng.
“Tùy theo mức tín nhiệm của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước nên giảm thời gian trả nợ, tất nhiên lãi vẫn phải trả cho ngân hàng, nhưng nên giãn, còn giãn 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm thì theo tình hình dịch bệnh thế giới”, ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Võ Sơn Điền, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Bình Dương chia sẻ, 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu sụt giảm ít nhất 30%, có đơn vị 3 tháng không có doanh thu nhưng trách nhiệm với ngân hàng, tất cả các doanh nghiệp đều trả nợ đúng hạn không trễ hạn.
"Chúng tôi cam kết với ngân hàng, có vay có trả đúng hạn. Cái chúng tôi cần hiện nay là lãi suất không quan trọng bằng giãn nợ, vì dòng tiền chúng tôi đang nằm ở công trình, ở cảng, ở đối tác nước ngoài chưa về, nhưng sẽ về. Còn giãn thế nào mong các ngân hàng nghiên cứu. Tôi tin chắc chúng tôi sẽ vượt qua nếu có sự hỗ trợ tiếp của ngân hàng tạo sự đồng cảm”, ông Điền nói.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, phương châm “Đồng hành để chia sẻ, có trách nhiệm giữa ngân hàng và doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn”. Việc làm này phải đến từ hai phía, không chỉ riêng gì ngân hàng có trách nhiệm với doanh nghiệp, mà doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với ngân hàng vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp.
“Trách nhiệm ở đây chính là trách nhiệm cuối cùng với đồng vốn, trách nhiệm với sự phát triển của kinh tế - xã hội của địa phương, sau đó là nhân dân. Trách nhiệm với những người đang thực hiện chính sách….Việc thực hiện trách nhiệm đó đòi hỏi trách nhiệm ngược lại từ người dân, tổ chức… trong khôi phục và phục hồi nền kinh tế sau dịch”, Phó Thống đốc nói.
Theo ông Tú, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp lựa chọn ngân hàng. Cơ chế thị trường, ngân hàng nào phục vụ tốt, giá cả hợp lý, lãi suất thấp, dịch vụ tốt, chu đáo, ngân hàng có trách nhiệm trong việc giãn, hoãn nợ tích cực nên chọn ngân hàng đó… Ngược lại, đây cũng là cơ hội để ngân hàng lựa chọn doanh nghiệp. Qua đợt dịch này, doanh nghiệp nào chứng minh được năng lực kinh doanh tài chính thì mình phải giữ bằng được.
Với tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước từ khi bắt đầu có dịch, quán triệt tất cả cán bộ từ Trung ương đến chi nhánh của hệ thống tất cả các tổ chức tín dụng phải thể hiện tinh thần trách nhiệm của ngành đối với doanh nghiệp và đối với nền kinh tế, Phó Thống đốc đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn phải vào cuộc quyết liệt hơn, xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp nhanh hơn.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần quán triệt một cách đầy đủ những nội dung của Thông tư 01 và các văn bản hướng dẫn gần đây của Ngân hàng Nhà nước để mạnh dạn hơn trong vấn đề quyết định của mình.
Có chủ trương và quan điểm rất đúng của Thông tư 01, đó là ngân hàng thương mại là nơi quyết định cho vay, quyết định mức lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ…, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào quyền chủ động của các ngân hàng thương mại.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Phó Thống đốc đề nghị tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trên địa bàn, ưu tiên các giải pháp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp phản ánh.
“Nguồn vốn hiện nay cố gắng cung ứng một cách tốt nhất, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng và những dự án nào mang tính chất khôi phục nhanh nền kinh tế là chúng tôi cố gắng đảm bảo hỗ trợ”, Phó Thống đốc nói.
Đặc biệt, ông Tú nhấn mạnh, đối với doanh nghiệp, ngân hàng đã huy động tiền của người dân thì cũng phải trả cho dân, vẫn phải trả lãi cho dân. Người gửi tiết kiệm ai cũng mong lãi suất cao, nhất là những người nghỉ hưu, nên ngành ngân hàng rất trăn trở việc hạ lãi suất...
“Chính vì vậy, tôi đề nghị doanh nghiệp cũng là người chia sẻ đồng hành với ngân hàng, điều này thể hiện ở chỗ, những ngân hàng nào có tiềm lực nhiều thì sẵn sàng hỗ trợ nhiều, doanh nghiệp có niềm tin và tín nhiệm, quản lý được dòng tiền thì ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp không cần thế chấp. Cho nên, các doanh nghiệp cũng phải công khai tài chính minh bạch, chứng minh được tình hình khó khăn của mình”, Phó Thống đốc nói.