Khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu được tháo gỡ, tín dụng năm 2024 dự báo khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, năm 2024, tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn do nền kinh tế ấm dần lên, khó khăn của thị trường bất động sản và TPDN được tháo gỡ.
Khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu được tháo gỡ, tín dụng năm 2024 dự báo khởi sắc

Tín dụng sẽ ấm lên, dòng vốn chủ yếu rót vào khách hàng doanh nghiệpbất động sản

Theo KBSV, tín dụng năm 2023 có khả năng tăng 10-11% trên cơ sở nhu cầu vay tiêu dùng được thúc đẩy trong các dịp lễ tết cuối năm; mặt bằng lãi suất cho vay đã ở mức thấp và tiếp tục duy trì xu hướng giảm; NHNN phân bổ lại room tín dụng. Sang năm 2024, KBSV kỳ vọng các lĩnh vực của nền kinh tế sẽ ấm dần lên, những khó khăn trên thị trường bất động sản và TPDN sẽ tiếp tục được tháo gỡ. Mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 kỳ vọng đạt 13-14%.

Tăng trưởng tín dụng có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Các ngân hàng có tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng vượt trội hơn so với các ngân hàng còn lại. Nhóm big 4 với khẩu vị rủi ro thấp, thận trọng trong việc giải ngân có mức tăng trưởng thấp hơn.

Sự dịch chuyển cho vay từ nhóm khách hàng cá nhân sang nhóm khách hàng doanh nghiệp ở một số ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ lớn như ACB, VIB, HDB do kinh tế khó khăn khiến cá nhân thắt chặt chi tiêu. Dù vậy, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn để duy trì vốn lưu động hơn là mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tín dụng cấp cho lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tương ứng mức tăng 6,04% YTD, chiếm tỷ trọng 21.46% dư nợ nền kinh tế. Điều này phù hợp để giải thích cho tăng trưởng tín dụng vượt mức trung bình ngành ở một số ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản lớn như Techcombnak, VPBank, MB. Tín dụng bất động sản tăng trở lại sau những chính sách hỗ trợ được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua.

Tín dụng thông qua TPDN giảm mạnh từ đầu năm đến nay do những vụ việc liên quan đến Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát gây ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của nhà đầu tư. Số dư TPDN tại các ngân hàng giảm đáng kể bởi lượng phát hành mới từ các doanh nghiệp bất động sản hạn chế và các doanh nghiệp tích cực mua lại trái phiếu trước hạn.

Trong khi tín dụng tăng chậm thì huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng dương trong những tháng gần đây, đạt 5.8% tính đến cuối tháng 9/2023. Hiện tại với tốc độ giải ngân tín dụng khá chậm, các ngân hàng sẽ không gặp vấn đề về thanh khoản do nguồn huy động năm nay tương đối dồi dào bởi mặt bằng lãi suất cao trong nửa đầu năm khiến kênh gửi tiết kiệm vẫn chiếm ưu thế hơn cả.

Dù lãi suất không còn hấp dẫn như trước, nhưng các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, TPDN chưa khởi sắc trở lại. Hiện tại với tốc độ tăng trưởng tín dụng khá khiêm tốn, các ngân hàng sẽ không gặp vấn đề về thanh khoản do nguồn huy động năm nay tương đối dồi dào mà một phần nhờ mặt bằng lãi suất cao trong nửa đầu năm.

Tốc độ hồi phục của NIM sẽ chậm hơn dự đoán thậm chí xu hướng giảm sẽ tiếp tục ở một số ngân hàng trong quý 4/2023. Sang năm 2024, mặt bằng lãi suất thấp sẽ được phản ánh hết vào chi phí vốn, trong khi lãi suất cho vay giảm chậm và có độ trễ. Trên cơ sở đó, KBSV kỳ vọng năm 2024 biên lãi thuần NIM của ngành ngân hàng sẽ có sự cải thiện rõ rệt hơn, nhưng chưa thể quay trở lại mức cao như năm 2022. Nhóm ngân hàng quốc doanh và ACB sẽ chứng kiến tốc độ cải thiện NIM khiêm tốn hơn các ngân hàng khác do đảm nhiệm vai trò “hỗ trợ nền kinh tế”.

Áp lực chi phí vốn vẫn còn khi những khoản huy động với lãi suất cao có kỳ hạn 1 năm tới cuối năm 2023/ đầu năm 2024 mới đáo hạn. Do vậy, các ngân hàng sẽ cần thêm 1-2 quý nữa để đưa chi phí vốn về mức tương đồng như các bước đi ở lãi suất điều hành.

Tuy nhiên mức lãi suất huy động hiện tại đã về vùng đáy Covid-19, khó còn dư địa giảm thêm nên KBSVcũng lưu ý rủi ro tăng lãi suất huy động trở lại sẽ cản trở tốc độ cải thiện chi phí vốn.

Nợ xấu có nguy cơ phình to

KBSV cho rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng tạm thời sẽ được kiểm soát ở mức hiện tại cho đến hết năm 2023, tuy nhiên sẽ cần lưu ý hơn khi bước sang năm 2024.

Những rủi ro khiến nợ xấu xấu phình to trong năm sau có thể đến từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 06/2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ. Thứ hai, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không nhiều.

Nợ xấu của toàn ngành đã tăng quý thứ tư liên tiếp kể từ khi Thông tư 14 liên quan đến tái cơ cấu nợ Covid-19 hết hiệu lực. Tuy nhiên mức tăng của nợ xấu đang có xu hướng chậm lại trong quý 3/2023 ngoại trừ nhóm ngân hàng quốc doanh (do ảnh hưởng từ Vietcombank ghi nhận nợ nhóm 4 tăng mạnh).

Việc triển khai áp dụng Thông tư 02 tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng đã góp phần kìm hãm sự gia tăng của nợ xấu. Theo NHNN, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 đạt 140.000 tỷ (chiếm 1.09% tổng tín dụng toàn hệ thống).

Hiện tại, tỷ lệ bao phủ rủi ro giữa các ngân hàng có sự phân hoá rõ rệt, nhóm big 4 vẫn duy trì bộ đệm trên 200%, trong khi tỷ lệ này ở các nhóm ngân hàng còn lại đều đã dưới mức 100% tính đến quý 3. Theo KBSV, các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, trích lập đầy đủ, bộ đệm dự phòng vững chắc, ít phơi nhiễm với bất động sản và TPDN sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Nhóm ngân hàng top dưới với tỷ lệ bao phủ thấp (chỉ dưới 50%) sẽ chịu nhiều áp lực và không có dư địa để loại bỏ nợ xấu ra khỏi bảng cân đối.

Diễn biến nợ xấu có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay tiêu dùng cá nhân, mua nhà, mua xe (VPB, VIB, TPB) có nợ xấu tăng mạnh. Trong khi những ngân hàng theo đuổi chiến lược thận trọng như VCB, ACB vẫn đang kiểm soát nợ xấu ở mức thấp nhất toàn ngành.

Tin bài liên quan