Cuộc đua lãi suất huy động vàng được đánh giá sẽ còn nóng trong thời gian tới

Cuộc đua lãi suất huy động vàng được đánh giá sẽ còn nóng trong thời gian tới

Khó hút tiền đồng, ngân hàng tăng huy động vàng

(ĐTCK) Do khó thu hút tiền đồng, các ngân hàng nhỏ quay sang huy động vàng, đẩy lãi suất huy động vốn bằng vàng lên mức cao nhất xấp xỉ 4%/năm.

Khó hút tiền đồng, ngân hàng tăng huy động vàng ảnh 1

Mặt bằng lãi suất huy động vốn bằng vàng dưới hình thức phát hành chứng chỉ ngắn hạn bất ngờ được các ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh. Đơn cử tại Ngân hàng hợp nhất SCB, lãi suất được áp dụng đối với chứng chỉ huy động vàng hiện nay từ 3,2 - 3,5%/năm, so với trước đây chỉ dao động từ 0,5 - 1%/năm. Kể từ ngày 2/3, SCB còn ưu đãi cho khách hàng cá nhân gửi vàng, với số dư tối thiểu chỉ từ 1 chỉ vàng SJC, kỳ hạn 1 tháng đến 364 ngày. Nhưng khi có nhu cầu đột xuất, SCB vẫn cho khách hàng tự do chuyển nhượng dưới nhiều hình thức như: mua, bán, cho, tặng, trao đổi, thừa kế...

Tương tự, VietA Bank cũng là một trong những nhà băng luôn đẩy mạnh huy động vốn bằng vàng dưới hình thức phát hành chứng chỉ. Lãi suất vàng cao nhất được Ngân hàng áp dụng hiện nay là 3%/năm. Theo đánh giá của một lãnh đạo cấp cao VietA Bank, kể từ sau khi NHNN ban hành Thông tư 12 và sau đó là Thông tư 11/2011/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 12 cấm cho vay vốn bằng vàng thì lãi suất huy động vàng đã được điều chỉnh giảm mạnh. Trong đó, nhiều thời điểm VietA Bank đã hạ xuống 0,5%/năm đối với chứng chỉ huy động tiền gửi bằng vàng. Tuy nhiên, vị lãnh đạo của VietA Bank cho biết, vốn huy động bằng vàng vẫn tồn tại, thậm chí nhiều lúc còn gia tăng, bởi vàng vốn được xem là tài sản để dành của người dân Việt Nam. Cụ thể, sau hơn 4 tuần triển khai chương trình khuyến mãi tiền gửi trúng thưởng mỗi ngày, tính đến 15/2/2012, VietA Bank đã huy động được 560.010 chỉ vàng SJC.

Hai nhà băng trên chỉ là điển hình cho cuộc đua lãi suất huy động vàng trong thời gian gần đây. Lý giải cho động thái tăng mạnh lãi suất tiết kiệm vàng ở các số ngân hàng nhỏ, một chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là để đảm bảo thanh khoản trong bối cảnh huy động tiền gửi VND ngày một khó.

“Các ngân hàng đẩy mạnh lãi suất huy động vàng, với kỳ vọng hút được vàng trong dân, nhất là khi vàng được đánh giá còn khả năng tăng lên trên 2.000 USD/ounce. Thực tế hiện nay, để huy động được tiết kiệm tiền đồng là bài toán khó đối với các nhà băng. Vì thế, việc ‘lách’ sang huy động chứng chỉ vàng được xem là một giải pháp trước tình thế trên. Vốn huy động vàng sẽ được các ngân hàng chuyển sang tiền đồng hoặc dùng thế chấp trên thị trường liên ngân hàng vay VND đảm bảo thanh khoản khi có nhu cầu”, chuyên gia ngân hàng trên cho biết thêm.

Phó tổng giám đốc HDBank, ông Phạm Thiện Long cũng đưa ra nhận xét, với quy định tại Thông tư 11 thì vốn huy động vàng sẽ không có đầu ra. Do đó, với việc tăng cường huy động vàng, chắc chắn nhà băng phải có kế hoạch xử lý, thay vì để lượng hàng tồn kho gia tăng thêm. Chẳng hạn, với các ngân hàng được phép kinh doanh vàng trên tài khoản thì sẽ cân đối lượng vàng huy động về để kinh doanh. Tuy nhiên, qua trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một phó tổng giám đốc ACB cho biết, việc tăng lãi suất huy động chứng chỉ vàng mới đây là để giữ chân khách hàng gửi tiết kiệm vàng khi mà các ngân hàng nhỏ đang chạy đua về lãi suất. Mức lãi suất huy động cao nhất ACB đưa ra đối với khách hàng gửi tiết kiệm vàng là 3%/năm.

“Mặc dù vốn huy động tiền đồng đang dư thừa và lượng vàng huy động vẫn tồn kho, song chúng tôi cũng không thể đứng nhìn khách hàng ra đi nên phải tăng lãi suất”, vị phó tổng giám đốc của ACB nói.

Cuộc đua lãi suất huy động vàng được đánh giá sẽ còn nóng trong những ngày tới, nhất là khi tiền tiết kiệm được dự báo sẽ dịch chuyển giữa các ngân hàng. Vì thực tế hiện nay, NHNN chỉ mới áp trần đối với lãi suất huy động tiền đồng (14%/năm) và tiền gửi USD (2%/năm). Riêng với chứng chỉ huy động vốn bằng vàng, NHNN vẫn bỏ ngỏ về trần lãi suất, nên huy động vàng là giải pháp duy nhất còn lại cho các ngân hàng thương mại trong việc tăng cường thanh khoản.

 

Theo Thông tư 11, kể từ đầu tháng 5/2011, các ngân hàng không được thực hiện cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các tổ chức tín dụng khác (kể cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa hết); không được gửi vàng tại tổ chức tín dụng khác; không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác cũng như đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng.

 

Các ngân hàng cũng không được huy động vốn bằng vàng, trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả. Đồng thời, việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của các ngân hàng phải chấm dứt vào ngày 01/5/2012. Mặt khác, Thông tư 11 cũng đã có quy định, các tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng trước đây thành đồng Việt Nam và các hình thức bằng tiền khác.