Khó giảm lãi vay trong nửa đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt sau khi các nhà băng cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, song lãi suất cho vay bao giờ cũng có độ trễ nhất định.
Mặt bằng lãi suất có thể sẽ giảm nhiệt vào quý III/2023. Ảnh: Đức Thanh.

Mặt bằng lãi suất có thể sẽ giảm nhiệt vào quý III/2023. Ảnh: Đức Thanh.

Cùng với đó áp lực từ lộ trình tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa kết thúc, nên ngân hàng chưa thể giảm lãi suất đầu ra.

Lãi suất còn tăng trong ngắn hạn

Cùng với đà tăng chi phí đầu vào theo diễn biến của lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiện được ngân hàng áp dụng mức dao động 9 - 10%/năm. Đối với các lĩnh vực ưu tiên mức lãi vay thấp hơn. Nhưng đáng chú ý, với các lĩnh vực rủi ro, nhất là chủ đầu tư bất động sản hiện một số ngân hàng vẫn cho vay chọn lọc ở một số dự án, nhưng lãi suất lên đến 14 - 17%/năm, kể cả với lãi suất cho vay mua nhà.

So với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện đã tăng khoảng 3% - 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng. Theo các ngân hàng, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện chưa có xu hướng giảm.

Tăng lãi suất tiền gửi giúp ngân hàng huy động nguồn vốn, cải thiện thanh khoản, cũng như cung ứng vốn ra nền kinh tế khi nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm.

Song đây cũng là nguyên nhân chính đẩy lãi suất cho vay đầu ra tăng, áp lực chi phí vốn đối với doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, từ đầu quý III/2022 đến nay, các doanh nghiệp thành viên đã phản ánh về việc lãi suất vay vốn được ngân hàng liên tục được điều chỉnh tăng đối với khoản vay cũ. Mức phổ biến đã lên gần 12%, thậm chí có lãi suất cho vay đối với 1 số lĩnh vực thuộc diện hạn chế đã đến 13%.

Theo các dự báo của giới phân tích tài chính, áp lực thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ còn tác động lên lãi suất tiền đồng trong nửa đầu năm 2023. Cùng với đó là áp lực lạm phát trong nước đi lên, nên mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiền đồng chưa thể hạ nhiệt cho đến hết quý II/2023.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn dư địa tăng trong năm 2023, nhưng sẽ dần hạ nhiệt nửa cuối năm. Theo VCBS, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 1-1,5%.

Sở dĩ áp lực lãi suất tiền gửi trong nước còn tăng, theo VCBS là do quá trình tăng lãi suất ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6/2023. Đồng thời, sau sự việc liên quan đến Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định ưu tiên cao nhất là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Tuy vậy, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, các ngân hàng cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.

Để ổn định mặt bằng huy động, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các tổ chức tín dụng đã thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn, song chỉ một vài ngân hàng đưa lãi suất tiền gửi về 9,5%, còn có lãi suất 12-13%/năm kỳ hạn dài.

Kỳ vọng giảm lãi vay trong nửa đầu 2023

Không chỉ khó giảm lãi vay khi chi phí đầu vào chưa giảm, mà trong năm 2023 các nhận định đưa ra, khả năng tín dụng chỉ tăng khoảng 12%, thấp hơn mức 14,5% của năm 2022 cũng là một trong những nguyên nhân khiến lãi vay khó giảm. Nhưng giới phân tích kỳ vọng, bước sang quý III/2023 mặt bằng lãi suất giảm nhiệt.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - tiền tệ cho rằng, khi nói đến lãi suất, người ta quan tâm nhiều đến lãi suất thực, tức là lãi suất đó trừ đi lạm phát. Hiện nay, lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm khoảng 9,5%, mà lạm phát 6,2% thì lãi suất thực khoảng 3,3%.

Lãi suất cho vay hiện đang khoảng 12,6%, mà lạm phát 3,2% thì lãi suất thực cho vay hiện trên 9%. Theo TS. Nghĩa, ở Mỹ, lạm phát đang ở 8%, lãi suất 3,5% - 4% thì lãi suất thực là -4%, còn Việt Nam đang là 9%, tức cao hơn lãi suất thực của Mỹ hơn 13%.

Lãi vay hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Vì thế, trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần kêu gọi, yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí đầu vào để có thể giảm lãi suất đầu ra. Vừa qua, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay 1 - 15% theo yêu cầu, song trước áp lực chi phí đầu vào chưa giảm thì lãi vay khó giảm trong nửa đầu năm nay.

Đồng thời, khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao, do USD và lãi suất tiền đồng tăng, ảnh hưởng lên khả năng trả nợ.

Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023. Tuy nhiên, với các ngân hàng đã trích lập đầy đủ cho nợ cơ cấu và không liên quan nhiều đến trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác.

Năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ diễn biến khó lường, kinh tế trong nước đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng...

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2023, một trong những thách thức lớn nhất là lạm phát cao, các ngân hàng trung ương lớn trên giới như Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất chứ không chỉ dừng lại ở mức hiện nay, do đó, áp lực tăng lãi suất rất cao. Nhưng với ngành ngân hàng trong nước, các ngân hàng sẵn sàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất, chia sẻ với doanh nghiệp, với nền kinh tế trong năm 2023.

Về kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Việc giảm lãi suất trong năm 2023 là nỗ lực rất lớn, chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu với Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, tiết giảm chi phí để có điều kiện, năng lực tài chính giảm cho các đối tượng khách hàng mục tiêu, phù hợp với khẩu vị kinh doanh của các ngân hàng thương mại thời gian tới. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của ngành ngân hàng”.

Tin bài liên quan