Kênh dẫn vốn ngưng trệ
Không chỉ các kênh đầu tư, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng khan vốn. Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, các kênh dẫn vốn đều ngưng trệ. Nền kinh tế hiện tại không phải thiếu tiền, mà là thiếu vốn. Vì thế, điểm mấu chốt hiện nay là phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để tạo dòng vốn cho nền kinh tế.
Nói về những khó khăn với nền kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho biết, Việt Nam đang chịu tác động kép, cả từ bên ngoài và từ nội tại. Tình trạng lạm phát cao, lãi suất tăng, chuỗi cung ứng gián đoạn, giá xăng dầu biến động mạnh, địa chính trị thế giới căng thẳng, khiến kinh tế thế giới được dự báo có chiều hướng suy giảm kể từ quý IV/2022.
Mặt khác, các ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động, lên mức phổ biến 9%/năm cho kỳ hạn từ 6 - 12 tháng và trên 10%/năm cho kỳ hạn trên 1 năm. Thế nhưng, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn rất chậm, trong khi thanh khoản thị trường chứng khoán cũng như bất động sản đều sụt giảm.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) tính đến cuối tháng 9/2022 đạt 13,832 triệu tỷ đồng, tăng 3,21% so với đầu năm 2022 và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021 - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2012. Đáng chú ý, trong quý III/2022, quy mô cung tiền giảm gần 75.941 tỷ đồng, tương đương gần 0,55%.
Nhìn lại diễn biến từ đầu năm 2022, tăng trưởng cung tiền bắt đầu giảm mạnh kể từ cuối tháng 3 - thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu đẩy mạnh hoạt động bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. Theo thống kê của một số đơn vị phân tích, Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 20 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm để hỗ trợ tỷ giá, con số này tương ứng với lượng nội tệ (VND) bị hút về là 450.000 tỷ đồng. Mặt khác, trong hầu hết thời gian của quý III, cơ quan này thường xuyên duy trì trạng thái hút ròng trên kênh thị trường mở (OMO) và tín phiếu, có thời điểm lượng tín phiếu và OMO lưu hành lên tới hơn 189.000 tỷ đồng. Hoạt động trên đi cùng với lượng VND hút về qua kênh bán ngoại tệ khiến lượng thanh khoản VND bị đưa ra khỏi hệ thống rất lớn.
Định hướng điều tiết mang tính thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước diễn ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát gia tăng trong quý III/2022, nhất là sau những đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cung tiền tăng trưởng chậm được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế thiếu hụt thanh khoản. Huy động vốn tính đến cuối tháng 10/2022 mới chỉ tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, đến cuối tháng 10, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5%.
Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp rất chật vật trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Có doanh nghiệp chấp nhận lãi vay cao, nhưng vẫn không thể vay được vốn do ngân hàng cạn room tín dụng, huống gì là việc tiếp cận lãi vay ưu đãi 2%.
Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) sau khi tổng hợp phản ánh của các doanh nghiệp từ nửa cuối tháng 10 đến nay cho hay, do hạn chế về vốn, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất - kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm sau, cũng như việc làm cho người lao động.
“Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn vì sau 2 năm dịch bệnh, dòng tiền của doanh nghiệp đã cạn kiệt”, Ban IV nhấn mạnh.
Ban IV nhận định, thiếu vốn (vốn lưu động và vốn đầu tư trung hạn, dài hạn), lãi vay cao không chỉ đặt doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân vào tình thế cấp bách, mà còn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực, nội tại nền kinh tế trong nước.
Lãi suất dần đi lên
Lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh tăng lên 10 - 13%/năm cho doanh nghiệp, từ 12 - 14%/năm với khách hàng cá nhân.
Khơi thông được dòng chảy vốn hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa sản xuất - kinh doanh cao điểm cuối năm là bài toán khó khi tăng trưởng huy động vốn của ngành ngân hàng chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng, lãi vay tăng cao và room tín dụng đã cạn, gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai rất chậm, nhiều doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn vay, còn kênh huy động vốn qua cổ phiếu và trái phiếu thì trầm lắng, thậm chí đóng băng.
Về gói hỗ trợ lãi suất 2%, theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý III/2022, các ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ lãi suất hơn 32 tỷ đồng cho dư nợ 17.000 tỷ đồng đối với khoảng 900 khách hàng. Như vậy, sau hơn 4 tháng triển khai, gói hỗ trợ này mới chỉ thực hiện được hơn 2% trên tổng số 800.000 tỷ đồng dư nợ có thể cho vay trong năm 2022.
TS. Trần Du Lịch khẳng định, nền kinh tế hiện tại không thiếu tiền, mà thiếu vốn. Cụ thể, lượng tiền cung ứng ra nền kinh tế không thiếu, nhưng để luân chuyển thành vốn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đầu tư thì lại đang bị nghẽn. Vấn đề lúc này là phải cấp bách xử lý những điểm nghẽn. Chẳng hạn, lĩnh vực đầu tư công có khoảng 800.000 - 900.000 tỷ đồng đang tồn đọng, nếu không xử lý được thì không chuyển thành vốn.
Nhiều ngân hàng thương mại hiện không có nguồn để cho vay, dù lãi suất cho vay tăng theo lãi suất huy động. Theo TS. Lịch, chính sách tín dụng ưu tiên phục vụ kiểm soát lạm phát, giữ giá trị tiền đồng và an toàn của hệ thống ngân hàng nên buộc phải tăng lãi suất.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến là 9%/năm đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và trên 9,5%/năm đối với kỳ hạn dài hơn. Vì thế, lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh tăng lên 10 - 13%/năm cho doanh nghiệp, từ 12 - 14%/năm với khách hàng cá nhân.
Bản thân Ngân hàng Nhà nước chỉ có cách kêu gọi các ngân hàng thương mại tìm cách hỗ trợ về lãi suất cho vay như tăng ở mức thấp hơn mức tăng lãi suất huy động, hoặc ưu đãi cho một số ngành nghề được khuyến khích. Mới đây, cơ quan này ban hành Văn bản số 8253/NHNN-CSTT ngày 22/11/2022 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Thực tế, Vietcombank quyết định giảm lãi suất 1%/năm đối với các khoản vay VND cho doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu, với thời gian triển khai từ ngày 1/11 - 31/12/2022. Tương tự, HDBank giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm cho khách hàng, số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp hiếm hoi giảm lãi suất cho vay.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, lạm phát đang gia tăng, kéo lãi suất tiết kiệm lên cao, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm, nhất là khi lãi suất USD vẫn trong xu hướng tăng, tạo áp lực lên tỷ giá. Theo lộ trình, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 12/2022 và trong năm 2023.