Giới phân tích cho rằng, đây là cơ sở cho thấy cuộc đàm phán giữa lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ không hề dễ dàng, đặc biệt khi Trung Quốc luôn duy trì mức thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ trong nhiều năm qua.
Bản thân ông Trump cũng tuyên bố trên Twitter rằng, cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc sắp tới sẽ rất khó khăn khi Mỹ không thể để tái diễn tình trạng thâm hụt thương mại nặng nề hoặc mất việc làm. Ông cũng hối thúc các công ty Mỹ phải chuẩn bị tìm giải pháp thay thế, đồng thời góp phần làm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiệm vụ của người đứng đầu Nhà Trắng không hề dễ dàng khi đánh giá trên các tiêu chí sau:
Bài toán thâm hụt thương mại
Theo số liệu thống kê của chính phủ Mỹ, mức thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc là lớn nhất. Tổng mức thâm hụt thương mại (hàng hóa và dịch vụ) của Mỹ với Trung Quốc năm 2016 dù đã giảm được 7% so với năm trước đó, song vẫn chạm ngưỡng 310 tỷ USD. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Tổng thống Donald Trump đã đúng khi tố cáo Trung Quốc áp dụng các biện pháp thương mại không công bằng, có lợi cho các nhà xuất khẩu của nước này.
Một số chuyên gia khác thì nhận định, ông Trump đang bị ám ảnh với cán cân thương mại của Mỹ và coi đó là chỉ dấu để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này là không hợp lý, khi giai đoạn thập niên 1990, kinh tế Mỹ tăng trưởng tới 4%/năm mà thâm hụt thương mại vẫn lớn do người tiêu dùng nước này tăng cường mua sắm hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Hay gần đây nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2009, thâm hụt thương mại của Mỹ đã co lại đáng kể nhưng nền kinh tế lại tăng trưởng èo uột.
Về phần mình, Trung Quốc khẳng định họ không làm gì sai hay trái nguyên tắc thương mại quốc tế. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Zheng Zeguang khẳng định, quốc gia này không chủ đích tìm kiếm thặng dư thương mại, thực trạng này là do kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và chuyển đổi mạnh mẽ, thị trường nội địa mở rộng ra bên ngoài, trong khi nhu cầu với hàng hóa hay dịch vụ của Trung Quốc từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, tiếp tục tăng.
Mỹ vẫn phụ thuộc nhất định vào Trung Quốc
Nếu người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu tiết kiệm ít hơn và chi tiêu nhiều hơn, cán cân thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ dịch chuyển theo hướng cân bằng hơn. Tuy nhiên, sẽ còn rất lâu nữa để điều này xảy ra. Vì thế, ông Trump muốn tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng hơn. Ông muốn các công ty Mỹ sản xuất hàng hóa và dịch vụ bên ngoài thị trường Trung Quốc, song không có gì đảm bảo họ sẽ đưa nhà máy và việc làm quay trở lại Mỹ.
Nếu không chọn Trung Quốc, các thị trường châu Á khác, trong đó có Việt Nam sẽ là điểm đến giàu tiềm năng và thu hút hơn, đặc biệt với các ngành sản xuất cần nhiều lao động giá rẻ như may mặc và da giày. Mặt khác, nhiều người còn cho rằng, những thay đổi trong nội tại nước Mỹ như công nghệ tốt hơn và khả năng tự động hóa cao hơn, là nguyên nhân chính tạo ra sự suy giảm trong việc làm của người lao động trong ngành chế tạo, thay vì do thâm hụt thương mại.
Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu của Mỹ, bao gồm cả nhãn hiệu thời trang của Ivanka Trump (con gái của Tổng thống Donald Trump) vẫn phải sử dụng nguồn cung từ Trung Quốc. Sản xuất thêm nhiều hàng hóa từ Mỹ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động, song cũng khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn, qua đó kéo chi phí sinh hoạt của người dân Mỹ tăng lên.
Giới phân tích cho rằng, thay vì xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thị trường Mỹ, chính phủ nước này nên gây sức ép với Trung Quốc để Bắc Kinh tiếp tục mở cửa thị trường trong nước rộng rãi hơn, cũng như đối xử công bằng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài.