Khó đảo nợ trái phiếu, doanh nghiệp phát hành đẩy bất lợi cho trái chủ

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ thông báo trả chậm gốc và lãi trái phiếu, hàng loạt doanh nghiệp phát hành còn thay đổi điều khoản, điều kiện trái phiếu theo hướng bất lợi cho người sở hữu.
Một loạt doanh nghiệp đã công bố thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu theo hướng bất lợi cho trái chủ

Một loạt doanh nghiệp đã công bố thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu theo hướng bất lợi cho trái chủ

Liên tiếp báo chậm trả lãi, thay đổi điều khoản trái phiếu

Công ty cổ phần Đầu tư Việt Tâm vừa thông báo chậm thanh toán một năm với lô trái phiếu VTICH2125. Như vậy, trong tháng 3/2024, đã có gần chục doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, gồm: Công ty TNHH một thành viên Mirae Asset (Việt Nam), Tập đoàn Novaland, Công ty cổ phần Neo Floor, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc; Công ty cổ phần Thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty cổ phần Phong Điện Chơ Long; Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Unity, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại TP.HCM…

Trước đó, trong tháng 1/2024, có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trái phiếu với tổng trị giá gần 8.500 tỷ đồng. Trong tháng 2/2024, cũng có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng, với tổng giá trị khoảng 6.213 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu), chưa kể các mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.

Không chỉ thông báo chậm trả gốc, lãi trái phiếu, từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp cũng thông báo thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu với nhiều điều khoản bất lợi cho trái chủ.

Đơn cử, Công ty TNHH một thành viên Mirae Asset (Việt Nam) thay đổi điều kiện, điều khoản theo hướng: tổ chức phát hành có thể ngưng trả lãi hoặc miễn trả lãi (quy định trước đó là chuyển lãi lũy kế sang năm tài chính tiếp theo) nếu kết quả kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, Công ty có quyền gia hạn trái phiếu mà không cần xin ý kiến trái chủ (thay vì phải nhận được sự chấp thuận của trái chủ).

Từ đầu năm đến nay, một loạt doanh nghiệp khác cũng công bố thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu theo hướng bất lợi cho trái chủ, như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển năng lượng Ninh Thuận, Công ty cổ phần Đầu tư Golden Hill, Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam, Công ty cổ phần Tân hoàn cầu Bến Tre, Công ty cổ phần Bất động sản Đại Hùng; Công ty cổ phần Signo Land; Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty cổ phần Nova Final Solution, Công ty cổ phần BVB… Đa phần các công ty thay đổi theo hướng giảm tiến độ mua lại cam kết, gia hạn trái phiếu thêm 12-24 tháng, giảm lãi suất, miễn phạt lãi chậm trả…

Cần thêm trợ lực cho thị trường trái phiếu

Hiện nay, áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, xây dựng là rất lớn. Dù ngân hàng thừa tiền, song doanh nghiệp rất khó tiếp cận do điều kiện vay chặt chẽ và lãi suất cho vay còn cao. Chỉ khi tháo gỡ được pháp lý và khó khăn trong tiếp cận vốn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản mới phục hồi. Hiện nay, trái phiếu là một trong 4 nguồn vốn quan trọng nhất của doanh nghiệp bất động sản, cùng với tín dụng ngân hàng, nguồn vốn huy động từ nhà đầu tư và vốn chủ sở hữu.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam

Trong 3 tháng đầu năm nay, phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi áp lực huy động vốn để trả nợ trái phiếu đến hạn tăng lên. Trừ đi số lượng trái phiếu mua lại trước hạn quý I/2024, trong 3 quý còn lại, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lên tới hơn 211.000 tỷ đồng - theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu. Áp lực đáo hạn trái phiếu đang đè nặng buộc nhiều doanh nghiệp phát hành phải giãn, hoãn nợ, thay đổi điều khoản trả nợ trái phiếu.

Dù vậy, theo nhận định của một số chuyên gia, năm nay, lượng trái phiếu chậm trả sẽ giảm bớt so với năm ngoái, nhờ nỗ lực mua lại trước hạn diễn ra dồn dập mấy năm nay. Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc phân tích Khối Xếp hạng và Nghiên cứu (VIS Ratings) cho rằng, lượng trái phiếu doanh nghiệp chậm trả năm 2023 lên tới gần 190.000 tỷ đồng, song năm nay chỉ khoảng 40.000 tỷ đồng, thuộc về 35 doanh nghiệp phát hành. Lượng trái phiếu rủi ro cao tập trung trong quý IV/2024.

Trong bối cảnh phát hành trái phiếu khó khăn hơn, một số doanh nghiệp buộc phải đổi kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu sang vay vốn ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu, hoán đổi trái phiếu sang cổ phiếu… để trả nợ.

Chuyên gia phân tích Công ty WiGroup cho rằng, tình trạng chậm trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản thực sự là một vấn đề đáng quan ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà còn có thể ảnh hưởng dây chuyền, làm mất lòng tin của nhà đầu tư. Điều này cũng có thể dẫn đến việc siết chặt tín dụng, làm cho việc tiếp cận nguồn vốn trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát hành trái phiếu ảm đạm trong quý I/2024 dù môi trường lãi suất thấp là do thiếu cơ chế huy động sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức, trong khi cơ sở nhà đầu tư cá nhân bị thu hẹp do tác động của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế) từ đầu năm 2024.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Ratings cho rằng, sự phục hồi của trái phiếu bất động sản phụ thuộc phần lớn vào việc tháo gỡ pháp lý các dự án, để các dự án này có thể tiếp cận được vốn, triển khai và mở bán. Ngoài ra, cần có giải pháp đột phá để khơi thông cơ sở nhà đầu tư tổ chức và đẩy mạnh kênh phát hành trái phiếu ra công chúng.

Tin bài liên quan