Cho dù giá CTCK bị giảm mạnh do thua lỗ và lộ trình mở cửa đang đến gần, nhưng không dễ gì thực hiện việc bán CTCK.
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) CTCK thời gian qua chứng kiến một số thương vụ đáng chú ý như: CTCK Ngân hàng Hàng hải (MSBS) được hình thành từ việc mua lại CTCK Standard (SSJ). Ngay sau khi được mua lại, MSBS đã tiến hành tái cơ cấu và thực hiện tăng vốn điều lệ từ 35 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Hiện tại, các cổ đông mới của MSBS đóng góp gần 85% vốn điều lệ của Công ty. Sau khi mua lại CTCP Chứng khoán Thái Bình Dương, các cổ đông lớn đã đổi tên thành CTCK Trí Việt. Được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 28 tỷ đồng, sau gần 4 năm kinh doanh thua lỗ, các cổ đông sáng lập đã phải bán lại Công ty với giá thấp hơn nhiều so với giá trị đầu tư ban đầu...
Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc MSBS cho rằng, hoạt động M&A các CTCK là một xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động của các CTCK chưa mang lại giá trị hợp lý cho những người sáng lập. Nguồn thu của các CTCK chủ yếu từ hoạt động môi giới và đầu tư đang có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, khoản mục doanh thu khác lại có xu hướng gia tăng, thực chất đây là doanh thu từ hoạt động kinh doanh nguồn vốn. Các CTCK có nguồn lực tài chính yếu sẽ vô cùng khó khăn để tồn tại. "Tôi cho rằng, M&A các CTCK cũng là một xu thế tích cực. Một mặt, hoạt động này giúp thị trường phân loại, nâng cao vị thế các CTCK. Mặt khác, nó giúp nâng cao năng lực tài chính của các CTCK, từ đó giúp cho TTCK phát triển bền vững", ông Minh nói.
Trong bối cảnh thị trường sụt giảm, liên tục mất ổn định, hoạt động của các CTCK hết sức khó khăn. Nếu không "dính" vào tự doanh thì CTCK cũng bị âm vốn do thu không đủ bù chi. "Khi mua lại một DN, người mua sẽ đặt vấn đề: có cái gì để mua rồi sau đó mới định giá. CTCK hoạt động trong ngành dịch vụ nên hai yếu tố quan trọng nhất là con người và thương hiệu. Những CTCK làm ăn yếu kém thì đa số nhân viên giỏi sẽ ra đi. Thương hiệu của những DN này thường cũng không tốt. Vì thế, vừa qua đa số cổ đông mới đã đổi tên CTCK sau khi thực hiện việc thâu tóm. Đơn cử như Chứng khoán E-Việt đổi tên thành Chứng khoán Navibank, Chứng khoán Nhấp và Gọi thành Chứng khoán Golden Bridge Việt Nam, Chứng khoán Viettranimex đổi tên thành Chứng khoán Liên Việt... Đó là những lý do khiến việc bán CTCK vào lúc này là điều không dễ", một chuyên gia M&A cho biết.
Vẫn theo chuyên gia này, hoạt động sáp nhập khó sôi động vì thực tế nghiệp vụ của CTCK khá gần nhau, trong khi đó mạng lưới lại không phải là vấn đề quan trọng với các CTCK khi giao dịch trực tuyến ngày càng chiếm ưu thế. Do đó, việc mua bán CTCK vẫn có thể diễn ra nhưng giá mỗi cổ phần sẽ được định rất thấp so với mệnh giá. Theo tìm hiểu của ĐTCK, một số giao dịch mua CTCK (vốn dưới 50 tỷ đồng) hiện có giá từ 5 - 10 tỷ đồng. Dự định chuyển hướng của CTCK Kim Long một lần nữa cho thấy hoạt động của các CTCK ngày càng khó khăn. Nếu không tìm được tối tác M&A, có thể một số CTCK sẽ phải chuyển đổi lĩnh vực hoạt động, thậm chí phá sản.