Tiền đồng tăng giá sẽ kích thích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài... Ảnh: T.C

Tiền đồng tăng giá sẽ kích thích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài... Ảnh: T.C

Khó có cú sốc tỷ giá năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Dư địa điều hành chính sách tiền tệ 2021 sẽ hạn hẹp hơn một chút so với 2020, song với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, khó có cú sốc nào có thể xảy ra với tỷ giá.

Tiền đồng có thể tăng giá nhẹ

Việc bị Mỹ dán “nhãn” thao túng tiền tệ sẽ khiến Việt Nam gặp ít nhiều khó khăn hơn trong điều hành chính sách tỷ giá năm 2021. Các chuyên gia phân tích, Việt Nam chưa bị ảnh hưởng ngay từ các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, mà còn có nhiều thời gian để đàm phán. Tuy nhiên, thông tin này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới mức độ linh hoạt trong sử dụng công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, năm tới, có thể NHNN sẽ phải hạn chế mua vào ngoại tệ và để tiền đồng tăng giá một chút so với USD.

Các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định, tiền đồng tăng giá sẽ không chỉ giảm nhẹ cáo buộc “thao túng tiền tệ” của Mỹ với Việt Nam, mà còn kích thích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài, giảm bớt mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam...

Tiền đồng tăng giá dĩ nhiên sẽ làm xuất khẩu bất lợi, nhưng nhập khẩu sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, cơ cấu đa số hàng xuất khẩu hiện nay đều có một tỷ trọng lớn nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, sự bất lợi hay có lợi từ việc tăng, giảm tỷ giá - nếu có - là không rõ ràng, rất khó phân định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, năm 2021, NHNN sẽ phải điều hành tỷ giá thận trọng hơn, tỷ giá trung tâm phải sát với tỷ giá thị trường tự do hơn. Khả năng chính quyền mới của ông Biden sẽ không coi vấn đề thao túng tiền tệ ở Việt Nam là quá nghiêm trọng, song Việt Nam chưa thể rút ngay ra khỏi danh sách này, mà phải kiên trì đàm phán.

“Ảnh hưởng của vấn đề này tới Việt Nam nói chung và tỷ giá nói riêng không quá nặng nề. Theo tôi, tỷ giá năm 2021 sẽ không biến động nhiều”, ông Hiếu nói.

Chính sách tỷ giá không chỉ vì xuất khẩu

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về điều hành tỷ giá năm 2021, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo nguyên tắc linh hoạt, không cố định, mà ổn định tỷ giá trên cơ sở cân đối cung cầu ngoại tệ, trên cơ sở giám sát được trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng và của doanh nghiệp, kết hợp với kiên định chống đô la hóa.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2021, VND sẽ lên giá so với USD, biên độ tỷ giá biến động trên dưới 0,5 điểm phần trăm. Tuy vậy, tiền đồng lên giá không chỉ gây ra tác động xấu.

“Điều hành tỷ giá phải hài hòa cả nhập khẩu, xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán…, chứ không chỉ vì xuất khẩu”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Với thanh khoản hệ thống dồi dào và dự trữ ngoại tệ kỷ lục như hiện nay, việc giữ ổn định tỷ giá năm 2021 là trong tầm tay. Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, tỷ giá năm 2021 sẽ được NHNN điều hành theo cơ chế linh hoạt. “Với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, NHNN có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung - cầu thị trường”, ông Tim Evans tin tưởng.

Yếu tố đáng ngại nhất với thị trường ngoại hối năm 2021, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, là có thể quá trình tăng dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ chậm lại. Cho dù đang ở mức cao kỷ lục, song dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới chỉ đạt mức tối thiểu theo khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tức chỉ khoảng 3,5 tháng nhập khẩu. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của các nước trong khu vực đều cao hơn rất nhiều: Singapore 5 tháng, Philippines và Hàn Quốc 8 tháng, Thái Lan 9 tháng, Trung Quốc 14 tháng…

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, việc NHNN mua vào ngoại tệ thời gian qua là nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối (vốn ở mức thấp) so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, chứ không phải là tạo lợi thế trong cạnh tranh thương mại.

Tin bài liên quan