Khó cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho cá nhân vay vốn

Khó cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho cá nhân vay vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành ngân hàng đang tập trung cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Còn với khách hàng cá nhân vay vốn nhỏ lẻ, trong đó có vốn vay mua nhà, sẽ không dễ được cơ cấu, giãm lãi vay như kỳ vọng.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, chị Nguyễn Minh Ánh (quận Thủ Ðức, TP.HCM) cho biết đang trả nợ gốc và lãi vay cho khoản nợ hơn 500 triệu đồng đã vay trước đó tại một ngân hàng có trụ sở quận 1, TP.HCM, với lãi suất 12,5%/năm.

Theo chị Ánh, khoản vay này được ký hợp đồng đầu năm 2019 và sau thời hạn 6 tháng hưởng lãi suất ưu đãi, lãi suất cho vay được ngân hàng áp dụng mức trên từ đó đến nay. Gia đình chị đã nhiều lần đề nghị ngân hàng được giảm lãi suất, nhưng không được chấp thuận.

Thực tế, thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kéo theo khó khăn trong trả nợ vay mua nhà, nên mong muốn được ngân hàng cùng với chủ đầu tư giãn nợ, khoanh nợ.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà băng tập trung cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng doanh nghiệp, còn với cá nhân vay mua nhà thì chưa. Thậm chí, khách hàng còn phải trả lãi suất cao hơn khi hết thời gian ưu đãi.

Ðơn cử, tại VIB, lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi trong 6 tháng đầu là 8,5%/năm; trong 12 tháng ở mức 10,1%/năm. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất phải trả dựa trên lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng thêm biên độ 3,9%/năm. Tính ra, lãi suất cho vay mua nhà tại VIB ở mức 11,5-11,7%/năm.

Tại TPBank, lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi trong 3 tháng đầu là 6,5%/năm; 12 tháng đầu là 9,5%/năm. Khi hết ưu đãi, lãi suất được tính dựa trên lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng thêm biên độ 3,5%/năm, tức dao động ở mức 11,6-12%/năm.

Với Sacombank, lãi suất cho vay mua nhà cố định 11%/năm trong năm đầu tiên, sau đó lãi suất được tính bằng lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng thêm biên độ 4,7%/năm, tính ra mức cho vay là 12,5%/năm.

Ở các ngân hàng có vốn nhà nước, lãi suất cho vay mua nhà có phần mềm hơn. Chẳng hạn, Vietcombank ưu đãi lãi vay mua nhà trong 12 tháng là 7,7%/năm; 24 tháng là 8,4%/năm và 36 tháng là 9,2%/năm. Sau thời gian ưu đãi, Ngân hàng tính lãi suất tiết kiệm 24 tháng cộng biên độ 3,5%/năm. Mức lãi suất cho vay mua nhà của Vietcombank sau 36 tháng khoảng 10,5%/năm.

So với ngân hàng trong nước, các nhà băng ngoại áp mức lãi suất cho vay mua nhà khá cạnh tranh. Ðơn cử, Hong Leong Bank áp mức lãi suất 6,75%/năm cho thời gian 6 tháng đầu; 7,75%/năm cho 12 tháng đầu và 8%/năm cho 24 tháng đầu, sau đó lãi suất được tính dựa trên lãi suất cơ bản cộng biên độ 1,5%/năm, tính ra khoảng 10,4%/năm.

Tuy nhiên, điều kiện cho vay mua nhà tại các ngân hàng nước ngoài có phần khắt khe hơn, nhất là khâu chứng minh thu nhập, không chỉ đơn thuần là tài sản đảm bảo.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, trong đó lùi lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của các ngân hàng thêm 1 năm, tạo kỳ vọng vốn sẽ chảy trở lại vào bất động sản.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, kỳ vọng này khó trở thành hiện thực, khi mà thị trường bất động sản cũng bị tác động, các ngân hàng sẽ càng thận trọng trong việc cho vay lĩnh vực này để ngăn chặn nợ xấu.

Tổng giám đốc Viet Capital Bank, ông Ngô Quang Trung cho rằng, chất lượng tài sản luôn được ngân hàng đặt lên hàng đầu, nên việc kiểm soát tín dụng đầu ra luôn chặt chẽ. Do đó, kể cả trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, các ngân hàng khó hạ chuẩn cho vay.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoReA) đã có văn bản đề nghị các ngân hàng giảm 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, nợ gốc cho người vay mua nhà ở thương mại do khó khăn vì dịch Covid-19. Đồng thời, đề nghị áp dụng ưu đãi này cho các doanh nghiệp bất động sản và không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn. Đến nay, đề nghị này chưa nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này, nhất là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực; chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn. 

Tin bài liên quan