Ảnh: Thành Nguyễn.

Ảnh: Thành Nguyễn.

Khó cho vay ra, mũi tên “lãi suất” chưa đi trúng đích

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính sách tiền tệ hiện tại đang có những tác động nhất định đến khả năng hồi phục của nền kinh tế, cũng như sức khoẻ của các doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu có những chia sẻ cùng Báo Đầu tư Chứng khoán về câu chuyện này.

Lãi suất huy động đang giảm khá nhanh, theo ông thì tác động tới chi phí vốn vay của doanh nghiệp là như thế nào?

Về cơ bản, hiện Ngân hàng Trung ương nào cũng phải áp dụng chính sách tiền tệ phù hợp với môi trường, thời điểm và tình hình của thị trường tài chính chứ không chỉ riêng tại Việt Nam.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những quyết định, hành động cụ thể, như giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, hay gần đây là bán ra nhiều tín phiếu để điều hoà cung tiền và kiềm chế tỷ giá tăng đột biến. Riêng với cộng đồng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành để tác động đến lãi suất trên thị trường 1.

Trên thực tế, lãi suất huy động và cho vay có giảm. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, từ đầu năm đến nay, trong khi lãi suất huy động giảm mạnh từ 3 – 5% thì lãi suất cho vay giảm ít hơn nhiều, nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay với mức lãi suất khoảng 10%/năm, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải vay với lãi suất cao.

Có vẻ “mũi tên lãi suất” chưa thực sự trúng đích?

Tôi cho là như vậy. Cụ thể, doanh nghiệp có thể vay khi lãi suất giảm sẽ được hưởng lợi nhiều, tuy nhiên trong số đó có nhiều doanh nghiệp không muốn vay vì đơn đặt hàng giảm, nhu cầu vay không có vì càng vay càng lỗ; trong khi một số doanh nghiệp muốn vay khác lại không thể vay vì không có tài sản đảm bảo.

Do đó, việc giảm lãi suất có tác động tới thị trường, doanh nghiệp, nhưng không giải quyết được vấn đề lớn là các ngân hàng ế vốn trong khi doanh nghiệp lại đang rất cần.

Dòng tiền đang nằm im tại ngân hàng khá nhiều mà không chịu “chạy” ra nền kinh tế, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thực tế này nói lên điều gì?

Thời điểm hiện tại, dòng tiền đang đổ vào gửi ngân hàng, vì có vẻ đây là kênh an toàn nhất với người có tiền, lãi suất 5 – 6% cũng chấp nhận được và hầu như không có rủi ro. Trong khi đó, phía ngân hàng vẫn phải ôm tiền mà không cho vay được ra nền kinh tế phục vụ sản xuất. Đây là nút thắt, là vấn đề cần giải quyết ở hiện tại.

Nói vậy, tức các ngân hàng đang rơi vào thế khó, bị trói chân và không thể tự mình gỡ nút thắt?

Đúng vậy, bản thân các ngân hàng rất muốn cho vay, không ngân hàng nào thích ôm vốn nhiều, phải trả lãi suất mà không thể cho khách hàng vay. Ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh tiền, ôm tiền không cho vay được cũng như nhà sản xuất, sản xuất ra hàng hoá mà không bán được, tình thế rất khó khăn.

Lý do của việc không cho vay được đến từ rủi ro của nền kinh tế tăng lên, rủi ro của các khách hàng tăng lên. Thông thường, rủi ro tăng thì ngân hàng phải áp lãi suất cao, trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước muốn hạ lãi suất, nên ngân hàng gặp thế khó, bị kiềm chân.

Thực tế này dẫn tới tình trạng nhiều ngân hàng chấp nhận ôm vốn chờ thời, còn hơn cho vay ở hiện tại mà mất vốn ở tương lai.

Là chuyên gia về tài chính - ngân hàng, ông có thể đưa ra những giải pháp đề xuất?

Để giải quyết điểm nghẽn này, tôi đề nghị cần sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng. Các quỹ bảo lãnh này sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp để vay vốn ở ngân hàng. Đây là vấn đề Chính phủ phải quan tâm đến ở hiện tại.

Tại Việt Nam đã có quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, nhưng còn èo uột, vốn điều lệ chỉ khoảng 200 tỷ đồng, chỉ cho vài doanh nghiệp vay là hết vốn. Do đó, rất cần lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng Trung ương, lấy tiền ngân sách ra để thành lập và mời gọi các ngân hàng cùng tham gia. Vốn điều lệ của quỹ này phải lớn, khoảng từ 10.000 tỷ đồng để đáp ứng đủ nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Tại thời điểm này cách làm đó là khả thi.

Ngoài đề xuất thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng Trung ương, các ngân hàng cũng cần xem lại quy trình cho vay tín chấp nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, cần xác định trước rằng cho vay tín chấp cũng không dễ vì hiện tại cho vay thế chấp đã rủi ro. Các ngân hàng vốn chắc ăn, nên kêu gọi điều này là khó. Dù vậy, vẫn cần xem lại quy trình để mở rộng cho vay tín chấp.

Vậy để có thể cho vay tín chấp, điều kiện cần là gì?

Điều kiện tiên quyết là ngân hàng phải kiểm soát được dòng tiền của doanh nghiệp. Cho doanh nghiệp vay vốn - sản xuất - bán hàng - tiền về phải được kiểm soát qua tài khoản ngân hàng cho vay tín chấp.

Ví dụ điển hình tại Mỹ - cho vay tín chấp nhiều, doanh nghiệp chỉ có một tài khoản tại ngân hàng bởi nếu có nhiều tài khoản thì tiền hàng thu về đi qua tài khoản ngân hàng khác sẽ không kiểm soát được.

Không kiểm soát được dòng tiền và không có tài sản thế chấp thì ngân hàng sẽ gặp nguy hiểm.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có động thái hút tiền trở lại, điều này sẽ tác động thế nào đến thị trường vốn?

Theo tôi, việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền, phát hành tín phiếu lên tới khoảng 90.000 tỷ đồng, mục đích không phải để các ngân hàng đầu tư vì lãi suất thấp, mà là hút thanh khoản, không tạo điều kiện để người có tiền mua ngoại tệ. Mục đích chính là để kiềm chế tăng tỷ giá chứ không phải giúp các ngân hàng bù trừ chênh lệch về lãi suất huy động – lãi suất cho vay.

Với nhóm bất động sản, M&A đang được xem là con đường ngắn để tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh khó tiếp cận vốn, ông có bình luận gì về điểm này?

Khi dự án đang triển khai mà có nhu cầu M&A do thiếu vốn, kẹt vốn, chủ đầu tư có thể mời gọi nhà đầu tư khác góp vốn cùng.

Kinh nghiệm của tôi cho thấy, các doanh nghiệp kẹt vốn thường có thể đàm phán ngân hàng hỗ trợ, hoặc tìm đối tác đầu tư để lập nên công ty liên doanh, các bên tham gia cùng, cùng cấp vốn cho chủ đầu tư để hoàn thành dự án. Điều kiện là nhà đầu tư đầu tiên đã có hợp đồng tín dụng thì khi tìm nhà đầu tư mới lập liên doanh phải có sự đồng ý của ngân hàng.

Thị trường chứng khoán cũng không nằm ngoài khó khăn chung, đâu là mối lo lớn nhất mà nhà đầu tư cần quan tâm? Những cơ hội, nhóm ngành có nhiều triển vọng trong những tháng cuối năm?

Kinh tế vẫn gặp khó là yếu tố quan trọng nhất cho tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trì trệ, chậm phục hồi. Thanh khoản thị trường theo đó cũng sẽ chậm lại, thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường, đây là yếu tố rủi ro lớn nhất mà nhà đầu tư cần quan tâm và có chiến lược đầu tư hợp lý trên thị trường chứng khoán.

Thời điểm hiện tại, những cổ phiếu công nghệ cao, cổ phiếu dược phẩm, y tế có thể sẽ tăng trưởng mạnh, ngoài ra có thể kể đến là nhóm cổ phiếu nông nghiệp. Trong khi đó, các cổ phiếu du lịch hay bất động sản thì chưa phải là lúc thích hợp để mua, cần đợi sang năm 2024.

Tin bài liên quan