Tháng 4, tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 41,6%
Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội về phát hành trái phiếu dài hạn từ 5 năm trở lên, nhằm tái cơ cấu nợ công theo hướng lành mạnh hơn. Tuy nhiên, nỗ lực này đang đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường, khi trái phiếu kỳ hạn dài đang “vênh” so với khẩu vị rủi ro của NĐT, khiến khả năng hấp thụ từ thị trường sụt giảm.
Bằng chứng là trong quý I/2015, lượng vốn TPCP huy động được đạt hơn 55.992 tỷ đồng, chỉ bằng 62,7% so với cùng kỳ năm 2014. Tình trạng ế ẩm đang có tín hiệu tăng thêm khi trong tháng 4 vừa qua, trên thị trường sơ cấp, HNX tổ chức huy động được hơn 8.523 tỷ đồng TPCP trong tổng số 20.500 tỷ đồng gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu chỉ đạt 41,6%), giảm tới 50,9% so với tháng 3/2015.
Các ngân hàng thương mại hiện là NĐT chủ lực trên thị trường TPCP (nắm giữ trên 80% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành), nên cùng với tín hiệu nền kinh tế ấm dần đang thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, khiến cho nguồn vốn mà các ngân hàng dành cho đầu tư TPCP không còn dồi dào như hồi đầu năm. Cùng với đó, lo ngại rủi ro mất cân đối giữa lượng vốn huy động có kỳ hạn ngắn với nguồn vốn đầu tư vào TPCP dài hạn, khiến cho sức cầu trên thị trường TPCP giảm sút. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nếu nhà phát hành tiếp tục chỉ bán ra các loại TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.
Với bối cảnh thị trường TPCP hiện tại, tình trạng ế ẩm trên không phải là điều bất thường, mà đã được các thành viên thị trường cảnh báo từ đầu năm. Một khi tình trạng mất cân đối cung - cầu trên thị trường TPCP lớn dần và kéo dài, sẽ đe dọa khả năng hoàn thành kế hoạch phát hành 250.000 tỷ đồng TPCP đề ra cho năm 2015.
Sẽ đa dạng kênh phát hành
Trong bối cảnh sức cầu trên thị trường TPCP đang có tín hiệu yếu thêm, trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang theo dõi sát diễn biến của thị trường để có giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.
Trả lời câu hỏi rằng, Bộ Tài chính đã tính đến phương án đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh kỳ hạn TPCP phát hành theo hướng đa dạng hóa kỳ hạn phát hành (phát hành loại trái phiếu dưới 5 năm), thay vì chỉ có loại TPCP kỳ hạn trên 5 năm như hiện tại, vị lãnh đạo trên cho hay, Bộ Tài chính vẫn để ngỏ phương án này, đồng thời cho biết, kế hoạch phát hành 250.000 tỷ đồng TPCP trong năm nay không chỉ bao gồm huy động bằng đồng nội tệ, mà cả phát hành TPCP bằng ngoại tệ để huy động vốn trong nước hoặc trên thị trường quốc tế. Bộ Tài chính đang nỗ lực đa dạng hóa các kênh phát hành, nhằm đạt kế hoạch huy động vốn đề ra. Một trong những bước đi cụ thể là Bộ Tài chính vừa phát hành 1 tỷ USD TPCP kỳ hạn 5 - 10 năm cho Vietcombank, với lãi suất xoay quanh 4,8%/năm. Mức lãi suất này tương đương với đợt phát hành 1 tỷ USD ra thị trường vốn quốc tế được Bộ Tài chính thực hiện vào cuối năm ngoái.
Với diễn biến kinh tế đang có thêm những tín hiệu tích cực, qua đó có triển vọng gia tăng định mức tín nhiệm quốc gia, không loại trừ khả năng Bộ Tài chính sẽ triển khai phát hành trái phiếu quốc tế trong thời gian tới, để bù đắp cho phần vốn huy động từ thị trường trong nước sụt giảm.
Trường hợp phát hành trái phiếu quốc tế gặp khó, đồng thời tình trạng dư cung TPCP kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên tiếp diễn, rất có thể nước cờ tiếp theo mà Bộ Tài chính lựa chọn là đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép phát hành một lượng trái phiếu có kỳ hạn dưới 5 năm, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch huy động vốn TPCP đề ra cho năm nay.