Ngân hàng lo vì trót “ôm” trái phiếu chính phủ
Lãi suất trái phiếu chính phủ đang tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) tỏ ra lo ngại về thực tế này.
Theo ông Tú Anh, các ngân hàng đang huy động vốn trung, dài hạn trên thị trường với lãi suất 6 - 7%/năm, trong khi ngân hàng cho Chính phủ vay kỳ hạn 10 năm chỉ được trả lãi 3 - 4%/năm.
Lãi suất đi xuống đồng nghĩa với việc giá trái phiếu chính phủ đang bị đẩy lên cao. So sánh một vài nước có thể thấy: Indonesia có xếp hạng tín nhiệm chính phủ tương đương với Việt Nam, nhưng lãi suất trái phiếu chính phủ của nước này hiện trên 7%/năm, cao gấp đôi Việt Nam.
Còn nếu tính cả hệ số CDS quốc gia (mức độ rủi ro của trái phiếu quốc gia), thì lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam còn thấp hơn cả lãi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ.
Hiện nay, đa số trái phiếu chính phủ được các ngân hàng mua lại. Vì vậy, lãi suất trái phiếu chính phủ thấp đang gây sức ép trực tiếp đến các nhà băng.
Cụ thể, lâu nay, nhà băng chủ yếu mua trái phiếu chính phủ ngắn hạn (đầu tư trái phiếu chính phủ dài hạn lãi suất cao hơn, song nhiều rủi ro hơn), nhưng nếu mua trái phiếu chính phủ ngắn hạn giai đoạn này, khả năng lỗ của ngân hàng gần như chắc chắn.
Vì vậy, nếu lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm, các ngân hàng sẽ buộc phải đứng trước nhiều lựa chọn: ồ ạt bán ra trái phiếu chính phủ, tăng lãi suất cho vay hoặc giảm lãi suất huy động.
Trong các lựa chọn trên, tăng lãi suất cho vay hoặc giảm lãi suất huy động đều rất khó. Do đó, lựa chọn khả dĩ nhất được nhiều ngân hàng lựa chọn là bán trái phiếu chính phủ.
Thống kê của HNX cho thấy, thay vì “đóng băng” chờ lãi suất tăng như trước đây, giao dịch trái phiếu chính phủ tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay. Trong đó, giao dịch repo (mua đi, bán lại trái phiếu, cổ phiếu) tăng rất mạnh.
Nghịch lý trên thị trường tiền tệ
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế phân tích, ngân hàng thừa tiền là nguyên nhân khiến lãi suất trái phiếu chính phủ giảm. Có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất, đầu tư công đình trệ, tiền phát hành trái phiếu chính phủ của những năm trước tồn đọng rất lớn tại kho bạc nhà nước. Minh chứng là lượng tiền gửi của kho bạc nhà nước trong các ngân hàng rất lớn, lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Thứ hai, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước mang về cho ngân sách nguồn tiền khủng và nguồn tiền này cũng đang nằm tại các ngân hang thương mại.
Thứ ba, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tăng mua dự trữ ngoại tệ đồng nghĩa với việc bơm vào hệ thống ngân hàng một lượng tiền đồng lớn.
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước khống chế tỷ lệ tín dụng/huy động của ngân hàng thương mại tối đa là 80%, nghĩa là ngân hàng thương mại có tới 20% lượng vốn thừa.
Lượng tiền gửi ngắn hạn dồi dào khiến ngân hàng đổ xô mua trái phiếu chính phủ, trong khi nguồn cung mới phát hành lại ít (do trái phiếu chính phủ huy động những năm trước chưa giải ngân hết, nên Chính phủ hạn chế huy động mới), càng khiến giá trái phiếu chính phủ tăng lên.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng 3 tháng đầu năm dồi dào, song chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước bơm tiền ra mua ngoại tệ và do trái phiếu chính phủ giải ngân chậm.
Ngân hàng Nhà nước tăng mua dự trữ ngoại tệ đồng nghĩa với việc bơm vào hệ thống ngân hàng một lượng tiền đồng lớn.
Trước mắt, thanh khoản dư thừa đang có lợi cho các ngân hàng, song về lâu dài, lượng tiền thừa này có thể gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, như lạm phát, thanh khoản ảo, bong bóng trái phiếu chính phủ…
Một nghịch lý nữa là, dù thanh khoản dư thừa, tín dụng tăng chậm, trong khi huy động vốn tăng cao hơn năm ngoái, song nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục sử dụng nhiều “chiêu” để tăng lãi suất huy động.
Điều này cho thấy, sức khỏe ngân hàng không đồng đều và nhiều ngân hàng vẫn đang trong tình trạng khó khăn.
Trước tình trạng này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để giảm bớt tình trạng thừa tiền, giải pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh đầu tư công, siết chặt tình trạng kho bạc đem tiền gửi vào ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, một giải pháp nữa để tránh tình trạng chỗ thừa tiền, chỗ thiếu tiền là Ngân hàng Nhà nước căn cứ sức khỏe của từng ngân hàng để đưa ra tỷ lệ cấp hạn mức tín dụng phù hợp.
Theo đó, những ngân hàng lành mạnh có thể được “nới” tỷ lệ tín dụng/huy động ở mức cao hơn 80% như hiện nay trên cơ sở kiểm soát lượng cung tiền chung, để vừa hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh đầu tư công ì ạch, vừa kiểm soát được lạm phát.