Ngày 25/2/1991, UBND huyện Ba Vì và HTX Phú Lĩnh (xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) đã cấp cho gia đình ông Phùng Tiến Châu “Sổ lâm bạ”, giao sử dụng phần đất 4 héc-ta tại khu đồi Gàm (xã Phú Sơn) với thời gian tối thiểu 30 năm (có sơ đồ vị trí đất kèm theo).
Sau khi nhận đất, gia đình ông Châu đã tiến hành san lấp đất và trồng hàng ngàn cây lâu năm, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Đến năm 2002, ông Nguyễn Mạnh Thản, Tổng giám đốc CTCP Ao Vua có hồ sơ xin xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng ở khu vực đồi Gàm và đã được UBND huyện Ba Vì chấp thuận.
Theo ông Châu, khi chưa có quyết định thu hồi đất của UBND huyện Ba Vì, ông Nguyễn Mạnh Thản đã ủy quyền cho một cán bộ xã Phú Sơn đứng ra thỏa thuận với các hộ dân để di dời tài sản, cây cối trên đất.
Ngày 23/1/2003, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn và cán bộ xã đã thuyết phục các hộ dân là do cần gấp mặt bằng để thực hiện Dự án, nên UBND xã chi trả trước một khoản tiền để các hộ dân giao đất, các khoản tiền khác sẽ được UBND huyện giải quyết sau.
Do không hiểu biết pháp luật, các hộ dân đã đồng ý và để UBND xã Phú Sơn tự kiểm đếm số cây của 4 hộ gia đình, trong đó có 4 héc-ta đất của ông Châu. Kiểm đếm xong, ngày hôm sau, các hộ dân được gọi lên UBND xã ký vào biên bản kiếm đếm thể hiện số lượng 1.429 cây, trị giá 10 triệu đồng và tiền hỗ trợ củi cộng gỗ 2 chu kỳ sản xuất là 10 triệu đồng.
Số tiền 20 triệu đồng này được chia đều cho 5 hộ gia đình (4 triệu đồng/hộ), trong đó có hộ gia đình ông Phùng Tiến Hoành không có đất nhưng vẫn được ký nhận tiền.
Sau khi đã thu hồi đất để giao cho CTCP Ao Vua, ngày 27/1/2003, UBND huyện Ba Vì mới ban hành Quyết định số 579 thu hồi toàn bộ khu đất đồi Gàm, trong đó có 4 héc-ta đất của ông Châu.
Theo ông Châu, sau khi có quyết định thu hồi đất, không có cơ quan chức năng nào xem xét việc bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản trên đất cho gia đình ông. Ông đã nhiều lần lên UBND xã hỏi thì chỉ được trả lời là huyện (Ba Vì) chưa chi trả. Quá bức xúc, đến tháng 7/2006, ông Châu làm đơn khiếu nại lên UBND huyện Ba Vì. Tuy nhiên, chính quyền huyện Ba Vì kết luận đơn khiếu nại của ông này không có cơ sở.
Ông Châu tiếp tục làm đơn lên UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Tháng 9/2007, UBND tỉnh Hà Tây có văn bản chỉ đạo UBND huyện Ba Vì yêu cầu xã Phú Sơn và chủ đầu tư xác định mức hỗ trợ công sức cải tạo đất cho các hộ gia đình đúng quy định pháp luật.
Khi đó, UBND xã Phú Sơn xác định lại mức bồi thường, lấy giá đất 3.410 đồng/m2 để tính toán hỗ trợ 10% diện tích đất 54.000 m2 cho các hộ, thành tiền là 18,4 triệu đồng.
Tháng 10/2009, UBND xã Phú Sơn thực hiện chi trả tiền hỗ trợ công sức cải tạo đất. Gia đình ông Châu chỉ được hỗ trợ 2 héc-ta đất, không đúng theo sổ lâm bạ, do đó ông đã làm đơn khiếu nại, nhưng đều không được chấp nhận ở cả 3 cấp, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.
Khiếu nại không thành, theo quy định của Luật Hành chính, ông Châu đệ đơn khởi kiện ra TAND huyện Ba Vì, yêu cầu hủy các quyết định là Quyết định số 833/QĐ-UBND ngày 2/7/2008 về việc giải quyết khiếu nại bồi thường hỗ trợ đất 4 héc-ta của gia đình ông Châu; Quyết định 173/QĐ-UBND ngày 16/10/2008 phê duyệt phương án, dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng; danh sách chi trả tiền cho 5 hộ thôn Cao Lĩnh của UBND xã Phú Sơn thanh toán tiền hỗ trợ công sức cải tạo đất.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Châu giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.
Trong khi đó, đại diện UBND huyện Ba Vì khẳng định, trình tự, thủ tục và căn cứ thu hồi đất là đúng quy định pháp luật. Ngày 23/1/2003, đại diện chủ đầu tư cùng 5 hộ dân dưới sự chứng kiến của UBND xã Phú Sơn đã thỏa thuận về tiền hỗ trợ, nên sau này đã thanh toán đúng thỏa thuận. Về chủ sử dụng đất, UBND huyện Ba Vì xác định khu đất đồi Gàm thuộc quản lý của UBND xã Phú Sơn.
Trước đây, để thực hiện chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, HTX Cao Lĩnh đã cho các hộ dân thuê đất, chứ không phải được giao đất với tư cách chủ sử dụng đất. Ông Châu được cấp sổ lâm bạ nhưng không có giấy tờ giao nhận đất, không có chứng cứ xác định thực tế trồng cây riêng trên 4 héc-ta đất, nên chỉ xác định ông Châu trồng cây trên diện tích 2 héc-ta.
HĐXX sơ thẩm đã nhận định, trình tự, thủ tục bồi thường, giá hỗ trợ của huyện Ba Vì và xã Phú Sơn đảm bảo theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản khác. Cũng theo HĐXX, việc ông Châu cho rằng gia đình sử dụng 4 héc-ta đất đồi Gàm theo sổ lâm bạ, nhưng lại không có chứng cứ xác định thực tế trồng cây trên diện tích trên, nên Tòa đã bác đơn khởi kiện của ông này.
Cho rằng bản án sơ thẩm không đúng với thực tế, ông Châu đã đệ đơn kháng án.