Diễn đàn tạo cơ hội giúp các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, khích lệ các dòng vốn lớn chảy vào DN Việt Nam, để cùng chung sức phát triển nền kinh tế Việt Nam thịnh vượng.
Liên quan đến TTCK Việt Nam, năm 2013, chỉ số chứng khoán trên TTCK Việt Nam đã tăng 22% và Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước có mức phục hồi chỉ số chứng khoán mạnh nhất thế giới. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu Việt Nam năm này được đánh giá là thị trường phát triển tốt nhất châu Á.
Bước sang năm 2014, TTCK Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý đầu tiên của năm, sau đó, do tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng nhất định từ biến cố Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông, nên trong gần 2 tháng trở lại đây, TTCK có dấu hiệu chững lại. Tuy vậy, tính chung toàn thị trường, chỉ số chứng khoán tại 2 sàn niêm yết Việt Nam đã tăng khoảng 12% kể từ đầu năm đến nay.
Điều đáng quan tâm là, thanh khoản TTCK ngày càng được cải thiện và dòng vốn từ phía nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng mạnh mẽ tại TTCK Việt Nam. Riêng trong tháng 5 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng với mức cao nhất (2.500 tỷ đồng) tính theo tháng tại TTCK Việt Nam. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy nhà đầu tư ngoại vững tin vào triển vọng phát triển của DN Việt Nam, TTCK Việt Nam.
Với gần 14 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã phát triển và hoàn thiện, từng bước trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo suốt quá trình phát triển của thị trường cho thấy, vốn ngoại có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi dòng vốn này không chỉ giúp các DN và TTCK Việt Nam gia tăng năng lực tài chính, mà còn có khả năng giúp mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng quản trị, nâng cao tính minh bạch để phát triển bền vững.
Dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng triển vọng nền kinh tế VIệt Nam và theo đó là triển vọng của TTCK Việt Nam, được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là tích cực. TS Marc Faber trong bài phát biểu mới đây trên Báo ĐTCK đã đưa ra nhận định, triển vọng nền kinh tế Việt Nam về tổng thể là tích cực và ông đưa ra lời khuyên nhà đầu tư quốc tế hãy tích lũy cổ phiếu Việt Nam.
Ở một diễn biến khác, Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản do Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các tổ chức đầu tư Nhật Bản. Nhà đầu tư đã đặt ra nhiều câu hỏi, nhằm xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách, làm cho môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn, tạo cơ hội gia tăng lợi ích cho Việt Nam và các nhà đầu tư quốc tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động không ngừng và dòng vốn ngoại có nhiều sự lựa chọn. Để tăng sức cạnh tranh cho TTCK Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư quốc tế, nhà đầu tư lớn chờ đợi Chính phủ và cơ quan quản lý ngành có cam kết mạnh mẽ tiếp tục tái cấu trúc tổ chức TTCK, hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động và giao dịch trên TTCK. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời, phát triển các hình thức sản phẩm đầu tư mới và sớm đưa vào vận hành TTCK phái sinh Việt Nam, theo lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Tính đến nay đã có 700 công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam, tăng hàng trăm lần so với những năm đầu tiên mở cửa thị trường. Cùng với đó là 507 loại trái phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán với giá trị niêm yết lên tới 550.000 tỷ đồng; ngoài ra còn 142 loại cổ phiếu của công ty đại chúng đang giao dịch trên thị trường chưa niêm yết. Các công ty này có sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô vốn (tăng từ 3-8 lần), đặc biệt tính minh bạch và quản trị công ty tốt hơn nhiều các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này nhưng chưa niêm yết. Nếu thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại, DN niêm yết sẽ lớn mạnh nhanh hơn.