Khi Yale là nhà đầu tư chuyên nghiệp

Khi Yale là nhà đầu tư chuyên nghiệp

Chiến lược đầu tư của Yale khó có thể áp dụng cho các nhà đầu tư tổ chức khác.

Liệu có một nhà đầu tư tổ chức nào có thể duy trì mức sinh lợi trung bình 13,7% /năm trong hơn 20 năm qua? Kết quả này có thể xem là xuất sắc khi đặt trong phép so sánh: một khoản đầu tư theo chỉ số như vào chỉ số S&P 500 chỉ giành được mức sinh lợi hằng năm khoảng 8,8% trong cùng thời gian. Vậy nhà đầu tư này là ai? Đó chính là quỹ quyên trợ (endowment) của Đại học Yale.

 

Người đứng đằng sau thành công này của Yale là một nhân vật khá kín tiếng nhưng rất được nể trọng trong giới tài chính: Giám đốc Đầu tư David Swensen. Ngoài việc mang về mức sinh lợi đáng nể nói trên, tổng giá trị quỹ quyên trợ của Yale dưới sự điều hành của ông đã nhanh chóng tăng từ 1 tỉ USD năm 1985 lên đến 19,3 tỉ USD khi kết thúc năm tài chính 2012. Quy mô này đã đưa Yale vươn lên đứng vị trí thứ hai trong số các quỹ quyên trợ của các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ, chỉ sau Harvard.

 

Trước khi Swensen về với Yale, quỹ quyên trợ chỉ đóng góp 10% vào ngân sách hoạt động hằng năm của trường đại học này nhưng tỉ lệ hiện đã lên hơn 30% và dự đoán sẽ còn tăng lên.

 

Vậy chiến lược đầu tư nào đã giúp cựu nhân viên ngân hàng Lehman Brothers gặt hái được thành tích đáng nể nói trên? Đó là nhờ vào ý tưởng đột phá của Swensen. Theo ông, các nhà đầu tư tổ chức nên tập trung danh mục đầu tư hơn vào các tài sản chưa được mua bán trên các thị trường đại chúng như Yale đã làm. Tính đến ngày 6.2012, khoảng 2/3 giá trị quỹ quyên góp của Yale đã được dành để đầu tư vào các mỏ khí, rừng lấy gỗ, bất động sản và quỹ đầu tư tư nhân.

 

Những tài sản có tính thanh khoản không cao này có thể khó bán trong ngắn hạn nếu không phải chịu một mức chiết khấu lớn, nhưng theo Swensen, đặc điểm này lại có lợi khi tài sản có rủi ro cao như thế sẽ được bù đắp bằng mức sinh lợi cao hơn và chúng cũng phù hợp với đặc điểm của các nhà đầu tư tổ chức (về mặt lý thuyết, các nhà đầu tư tổ chức không nhất thiết phải bán tài sản để lấy tiền trong ngắn hạn).

 

Nhìn chung, chiến lược đầu tư của Swensen được đánh giá là đã vượt ra ngoài phong cách đầu tư đơn giản thông thường vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu Mỹ mà các tổ chức đầu tư tài chính thường thực hiện.

 Khi Yale là nhà đầu tư chuyên nghiệp ảnh 1

Top 10 quỹ quyên trợ của các trường đại học Mỹ năm 2012

 

Mô hình đầu tư này cũng được Harvard bắt chước, khi các năm gần đây, quỹ quyên trợ của trường này đã dần dịch chuyển từ mô hình phân bổ tài sản truyền thống 65% - 35% vào cổ phiếu - trái phiếu sang một danh mục đa dạng hơn với các loại tài sản giống như Yale.

 

Để đúc kết kinh nghiệm thành công của mình, vào năm 2005, Swensen đã liệt kê 6 loại tài sản nên có trong danh mục đầu tư với tỉ trọng như sau: cổ phiếu trong nước (30%), cổ phiếu thị trường phát triển nước ngoài (15%), cổ phiếu thị trường mới nổi (5%), bất động sản và tài nguyên thiên nhiên (20%), trái phiếu chính phủ Mỹ (15%) và chứng khoán chống lạm phát của Bộ Tài Chính Mỹ - TIPS (15%).

 

Liệu thành công trong chiến lược đầu tư của Yale đã là bằng chứng thuyết phục để các tổ chức khác bắt chước theo? Theo phân tích của tác giả Mathew Klein trên tờ Bloomberg (Mathew cũng tốt nghiệp đại học Yale), chiến lược đầu tư của Yale khó có thể áp dụng cho các nhà đầu tư tổ chức khác vì nhiều vấn đề.

 

Đầu tiên là sự lệch pha giữa giá trị tài sản và khoản phải trả của quỹ đầu tư. Theo đó, khung thời gian hoạt động của các tổ chức đầu tư tài chính thường ngắn hơn. Các quỹ phải lên kế hoạch chi trả lợi nhuận cho các cổ đông theo một lịch trình định sẵn. Sức ép đối với nghĩa vụ chi trả này thông thường được giảm bớt nhờ các tài sản có tính thanh khoản cao vốn mang lại dòng tiền ổn định.

 

Đối với mô hình của Yale, vấn đề này sẽ không khó giải quyết nếu giá trị tài sản tiếp tục tăng lên. Trong tình huống này, các tổ chức cũng không cần bán tài sản để lấy tiền mặt. Bởi lẽ, các ngân hàng sẽ dễ dàng cho các tổ chức này vay tiền vì tin rằng các tài sản thế chấp sẽ được bán với giá cao hơn.

 

Nhưng trong tình huống ngược lại, nếu tài sản bị giảm giá trị, các nhà đầu tư tổ chức sẽ bị kẹt vào các khoản phải trả cố định. Họ cũng khó kỳ vọng các ngân hàng cho vay thêm tiền, trừ phi chấp nhận trả mức lãi suất rất cao. Nếu bán ngay tài sản, họ sẽ bị tổn thất lớn. Hơn nữa, các tài sản như mỏ khí hay khu rừng ít khi được giao dịch và do đó rất khó định giá. Thậm chí, ngay cả khi tìm được đối tác mua lại, cũng tốn thêm nhiều thời gian để thực hiện một cuộc đánh giá kỹ càng trước khi chuyển nhượng thành công. Tất cả những điều này sẽ mang lại những rủi ro lớn cho các tổ chức thông thường nếu đi theo mô hình của Yale.

 

Một yếu tố khác giới hạn thành công của mô hình Yale là nhân tài. Yale gần đây cho biết: “Gần 80% thành công vượt trội của Yale so với các trường đại học khác ở vùng Cambridge nằm ở đội ngũ quản lý năng động và chỉ 20% phụ thuộc vào cách phân bổ tài sản”. Và đó là may mắn của Yale khi sở hữu được Swensen cùng các cộng sự tài năng của ông. Còn các tổ chức khác liệu có được những người tài như thế?

>> Phố Wall vẫn hoa lệ

>> Trùm đầu tư Mỹ bị cấm giao dịch 5 năm