Hàng ngàn trái chủ đã mua trái phiếu của các công ty liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đi kêu cứu.

Hàng ngàn trái chủ đã mua trái phiếu của các công ty liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đi kêu cứu.

Khi tổ chức tội phạm Trương Mỹ Lan “tung hoành” - Bài 1: “Dây chuyền” lừa đảo trái phiếu khép kín

0:00 / 0:00
0:00
Một dây chuyền lừa đảo khép kín được Trương Mỹ Lan xây dựng kỳ công, tinh vi để tiến hành lừa đảo tiền của hàng chục ngàn trái chủ.

Lời Tòa soạn: Thao túng SCB, chi phối công ty chứng khoán, bắt tay công ty kiểm toán, lập 1.470 công ty trong và ngoài nước với hơn 1.800 cá nhân đứng tên để “phân vai”, Trương Mỹ Lan đã hình thành một “dây chuyền” lừa đảo trái phiếu khép kín. Sau chiếm đoạt tiền, tổ chức tội phạm này còn dùng nhiều độc chiêu rửa tiền với con số khủng khiếp lên tới hơn 445.000 tỷ đồng, vận chuyển hơn 106.000 tỷ đồng qua biên giới.

Bài 1: “Dây chuyền” lừa đảo trái phiếu khép kín

Từ nhiều năm trước, Trương Mỹ Lan đã dày công đổ tiền “thôn tính” không chỉ SCB, mà cả công ty chứng khoán, bắt tay công ty kiểm toán, lập nhóm trái chủ sơ cấp giả, nhóm đối tác “ảo”. Tất cả mắt xích đó giúp khép kín “dây chuyền” lừa đảo mồ hôi, xương máu của hơn 35.000 người dân mua trái phiếu của 4 công ty thuộc “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát.

“Nuôi quân”

Hơn 10 năm trước khi bị bắt, tức từ năm 2011, Trương Mỹ Lan mưu toan “thôn tính” Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và đã thành công khi sở hữu hơn 91,5% cổ phần, biến ngân hàng này thành công cụ tài chính phục vụ mục đích riêng.

Mắt xích quan trọng thứ 2 trong phát hành trái phiếu - Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI, được thành lập ngày 28/12/2006) - cũng đã lọt vào vòng kiểm soát của Trương Mỹ Lan.

Cụ thể, trong giai đoạn 2018 - 2020, khi vốn điều lệ của TVSI là 1.089 tỷ đồng, thì “bà trùm” đã nắm cổ phần chiếm hơn 88% vốn điều lệ (thông qua 11 cá nhân và 1 công ty đứng tên hộ).

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến ngày bị khởi tố (tháng 10/2022), Trương Mỹ Lan tăng vốn cho TVSI từ 1.089 tỷ đồng lên 2.639 tỷ đồng. Lúc này, trong số 92 cổ đông của TVSI có 6 cá nhân và 4 công ty đứng tên hộ “bà trùm”, sở hữu tới hơn 91% vốn điều lệ TVSI.

Thời điểm trên, ông Nguyễn Tiến Thành (đã mất) làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc TVSI.

Lập nhóm trái chủ sơ cấp giả để hợp thức hóa

Để lách các quy định tại Nghị định số 90/2011/NĐ-CP, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, “madam Lan” (tên gọi đầy kính nể mà nhân viên SCB dành cho Trương Mỹ Lan) còn lệnh lập nhóm trái chủ sơ cấp giả, chọn từ 1.470 công ty trong và ngoài nước do gần 1.800 cá nhân đứng tên.

Cần nói thêm, 1.470 công ty và số cá nhân đứng tên trên bao gồm cả các công ty “ma” do Nguyễn Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula và Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sài Gòn Peninsula lập ra theo lệnh của Trương Mỹ Lan và được quản lý bởi Văn phòng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo lệnh của Trương Mỹ Lan, để phục vụ 4 công ty phát hành trái phiếu, “tay chân” đã lập nhóm trái chủ sơ cấp giả gồm: Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD), do Nguyễn Ngọc Dương (Tổng giám đốc Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) làm Tổng giám đốc; Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Nam (VN Group), do Nguyễn Vũ Anh Thi (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Quang Thuận) làm Tổng giám đốc; Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản WINDSOR (WMC), do Trương Huệ Vân (cháu của Trương Mỹ Lan) làm Tổng giám đốc; Công ty cổ phần Dimension Universe (DUC), do Trần Thị Thu Yên (được thuê) làm Tổng giám đốc; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Minh Trường Phát, do Huỳnh Tấn Phong (được thuê) làm Giám đốc; Công ty cổ phần Khang Thành Phú, do Bạch Thanh Sơn (nhân viên Vạn Thịnh Phát) làm Tổng giám đốc; Công ty cổ phần Điền Gia Cát, do Nguyễn Văn Phong Vân (được thuê) làm Tổng giám đốc.

Chưa hết, cũng theo lệnh của “madam Lan”, nhóm đối tác phục vụ phát hành trái phiếu được hình thành, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Gia Khải, do Huỳnh Thanh Phú (được thuê) làm Tổng giám đốc; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vĩnh Tường Hưng, do Huỳnh Lê Song Phi Yến (được thuê) làm Tổng giám đốc; Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Thuận Tài Tài, do Trần Hương Giang (nhân viên Vạn Thịnh Phát) làm Tổng giám đốc; Công ty cổ phần Phát triển Song Thư, do Lê Thị Ngọc Huyền (được thuê) làm Tổng giám đốc.

Hai nhóm trái chủ sơ cấp và đối tác này có nhiệm vụ hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp và mục đích phát hành trái phiếu, từ đó tạo lập các gói trái phiếu “khống” để bán cho các nhà đầu tư.

Bắt tay công ty kiểm toán

Đây là mắt xích buộc phải có trong quy trình phát hành trái phiếu. “Tay chân” của Trương Mỹ Lan đã liên kết thao túng được Lý Quốc Trung (Phó tổng giám đốc, Kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C) và Phạm Hoa Đăng (kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C).

Chỉ ở vụ kiểm toán cho Công ty Setra, mặc dù biết các bằng chứng kiểm toán được thu thập không đúng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, có thay đổi báo cáo tài chính từ lỗ sang lãi, nhưng cả Lý Quốc Trung và Phạm Hoa Đăng vẫn đồng ý ghi lùi ngày phát hành trên báo cáo kiểm toán độc lập với ý kiến chấp nhận toàn phần với Báo cáo tài chính năm 2019 của Setra. Kết quả, Công ty Setra đã phát hành thành công 20 gói trái phiếu, hiện còn dư nợ 2.000 tỷ đồng.

Cả 2 nhân vật trên, chỉ ở vụ Setra phát hành trái phiếu, đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng.

“Trọng trách” của TVSI

Sau khi đã thao túng SCB, TVSI, lập xong nhóm trái chủ sơ cấp và nhóm đối tác, bắt tay được với công ty kiểm toán, tức khép kín quy trình lừa trái phiếu, “bà trùm” phân vai rất chi tiết cho từng “mắt xích” để thực thi.

Theo đó, TVSI có nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thông tin phát hành và thực hiện chức năng đại diện tổ chức phát hành ký kết hợp đồng mua/bán, chuyển nhượng với các trái chủ thứ cấp (người dân), giúp 4 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát phát hành các gói trái phiếu và báo cáo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

TVSI còn có trách nhiệm cấp tài khoản (user ID) cho SCB đăng nhập vào hệ thống BMS (phần mềm và hệ thống theo dõi/quản lý giao dịch mua/bán trái phiếu của TVSI) để SCB có thể theo dõi, đối chiếu số liệu thống kê kết quả giao dịch mua/bán; cung cấp các tài liệu, thông tin liên quan đến các mã trái phiếu giới thiệu qua SCB; hỗ trợ giải đáp thắc mắc của khách hàng; đầu mối giải quyết các vấn đề liên quan đến quy định trái phiếu; ký kết hợp đồng mua/bán trái phiếu, xác nhận giao dịch với khách hàng...

Giai đoạn từ ngày 7/9/2018 đến ngày 1/6/2019, TVSI và SCB đã ký kết nhiều hợp đồng hợp tác giới thiệu nhà đầu tư mua bán trái phiếu với những khoản phí giới thiệu hấp dẫn 40 - 60% x (chênh lệch ròng giữa các giao dịch bán và mua trái phiếu doanh nghiệp trong kỳ, cộng với tiền lãi coupon, phí chuyển nhượng, phí nhận chuyển nhượng và các khoản thu khác liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, nếu có).

Từ năm 2018 đến năm 2020, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Tiến Thành, TVSI đã “nỗ lực” cung cấp dịch vụ tư vấn, phát hành thành công 25 gói trái phiếu không có tài sản đảm bảo cho 4 công ty “chân tay” của Vạn Thịnh Phát là An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra.

Đào tạo 2.000 nhân viên SCB để tư vấn bán trái phiếu

Sau khi sản phẩm trái phiếu được tạo lập, theo phân công của Trương Mỹ Lan, Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) thực hiện chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ của ngân hàng này phối hợp với TVSI xây dựng kế hoạch, phương án, tài liệu đào tạo nhân viên.

Tổng cộng, có hơn 2.000 cán bộ, nhân viên thuộc 239 chi nhánh Ngân hàng SCB trên toàn quốc được đào tạo, tập huấn về sản phẩm trái phiếu và tư vấn bán trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đến đại chúng, với nhiều hình thức đào tạo như: đào tạo trực tuyến (E-learning) 25 khóa với 2.344 lượt cán bộ, nhân viên tham gia; tự đào tạo tại đơn vị (tự nghiên cứu tài liệu, đăng ký thi trên phần mềm học tập và được ghi nhận hoàn thành nếu thi đạt) với 12 khóa và 195 lượt người tham gia.

Chưa hết, để đảm bảo cán bộ, nhân viên luôn nắm vững kiến thức nghiệp vụ trong quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng, SCB còn tổ chức các kỳ thi kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên tối thiểu 1 lần/năm.

Các phòng, ban của SCB cũng có nhiệm vụ chi tiết. Cụ thể, Phòng Phát triển sản phẩm dịch vụ phi tín dụng có nhiệm vụ soạn thảo nội dung truyền thông triển khai các mã trái phiếu; Phòng Quản lý kinh doanh có nhiệm vụ truyền thông các thông tin triển khai/quy trình/hướng dẫn/thông tin về lãi suất trái phiếu; các đơn vị kinh doanh thực hiện giới thiệu khách hàng tham gia các gói trái phiếu…

Kịch bản "phân vai"

Hàng ngàn trái chủ đã mua trái phiếu của các công ty liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đi kêu cứu.

Không chỉ “phân vai” cho tổ chức, Trương Mỹ Lan còn “phân vai” chi tiết cho từng cá nhân.

Trong đó, Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) có vai trò chỉ đạo, điều hành SCB triển khai thực hiện việc giới thiệu, tư vấn, bán trái phiếu; Nguyễn Phương Hồng chủ trì, phối hợp với SCB, TVSI, công ty phát hành trái phiếu để lên phương án thực hiện việc phát hành, điều phối, đi dòng tiền và quản lý, theo dõi, sử dụng tiền thu được.

Nguyễn Tiến Thành (Tổng giám TVSI, đã mất) có vai trò chỉ đạo, điều hành TVSI để lập hồ sơ tư vấn, phát hành trái phiếu, thực hiện các trình tự, thủ tục, hồ sơ phát hành trái phiếu; Hồ Bửu Phương (Phó tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát) làm đầu mối hướng dẫn bộ phận kế toán các công ty thuộc Tập đoàn chuẩn bị hồ sơ pháp lý, báo cáo tài chính và thực hiện các giao dịch chuyển tiền theo phương án dòng tiền.

Theo kết luận điều tra đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa hoàn tất, ngoài trái phiếu, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn có hành vi rửa tiền hơn 445.747 tỷ đồng; vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD.

Có 34 bị can bị đề nghị truy tố ở đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan