Người dân Cyprus biểu tình phản đối việc đánh thuế vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm - Ảnh: AP

Người dân Cyprus biểu tình phản đối việc đánh thuế vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm - Ảnh: AP

Khi “thiên đường” biến thành “địa ngục”

Cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Cyprus là một cú sốc niềm tin đối với tất cả những công ty chọn đảo quốc nhỏ bé từng được coi là “thiên đường” này làm nơi kinh doanh.

Tờ New York Times lấy Avid Life Media, một công ty của Canada điều hành vài trong số những trang web hẹn hò lớn nhất thế giới, làm ví dụ. Cách đây ít tuần, Avid Life mở một văn phòng mới ở Cyprus để điều hành hoạt động của công ty trên thị trường quốc tế. Cũng như hàng trăm công ty nước ngoài khác, Avid Life bị Cyprus hấp dẫn bởi danh tiếng về sự ổn định tài chính, thuế suất thuế doanh nghiệp thấp, và môi trường ngân hàng thân thiện ở đây. Tuy nhiên, điểm hấp dẫn hơn cả của Cyprus đối với các công ty nước ngoài là quy định pháp luật chặt chẽ.

 

Trước khi mở văn phòng ở Cyprus , Avid Life đã thừa biết một cuộc khủng hoảng ngân hàng đang manh nha ở quốc gia này. Nhưng họ vẫn cố vào Cyprus bởi lời hứa của Tổng thống Nicos Anastasiades khi ông đắc cử hồi tháng 2 năm nay rằng, ông sẽ sớm dàn xếp được một thỏa thuận giải cứu.

 

“Chúng tôi đã rơi từ thiên đường xuống địa ngục chỉ trong vòng có 1 phút”, ông Keith Lalonde, người đứng đầu văn phòng của Avid Life ở Cyprus , nói. Theo kế hoạch cải tổ ngành ngân hàng mà Chính phủ Cyprus đưa ra, gần 10% tiền gửi của Avid Life tại Cyprus, cộng thêm khoảng 7% tiền gửi cá nhân của ông Lalonde tại đây, sẽ bị “xung công” như một phần trong kế hoạch của Cyprus để được giải cứu.

 

Giữa lúc Cyprus và châu Âu tiếp tục những cuộc thảo luận gay cấn nhằm đạt được một thỏa thuận cứu trợ trong ngày hôm nay, thứ Hai (25/2), tất cả tài khoản của mọi công ty ở đây đều bị đóng băng, khiến các công ty - từ những công ty mới đến như Avid Life hay những công ty đã hoạt động lâu năm như KPMG, Pricewaterhouse Coopers và Lukoil - gần như tê liệt hoạt động.

 

Tình trạng này khiến các sếp của Avid Life tính chuyện rút khỏi Cyprus , và nhiều công ty khác có lẽ cũng đang tính đến giải pháp này. Nếu sự rút lui của các doanh nghiệp nước ngoài diễn ra trên diện rộng, thì nền kinh tế của Cyprus - quốc gia đã phát triển thành một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất của châu Âu trong thập kỷ qua - sẽ chịu một đòn giáng mạnh. Ngoài những cửa hiệu kinh doanh gia đình, hầu hết các công ty ở Cyprus đều là của nước ngoài.

 

Vào ngày 25/3, Tổng thống Anastasiades của Cyprus và các bộ trưởng tài chính khối các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Eurozone, đã bắt đầu cuộc họp ở Brussels với hy vọng tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Nếu không có một thỏa thuận nào đạt được, thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt dòng vốn khẩn cấp cho các ngân hàng của Cyprus vào cuối ngày hôm nay, đe dọa sự sụp đổ hệ thống nhà băng của nước này.

 

 Cho dù kết quả đạt được là như thế nào, thì thiệt hại chắc chắn vẫn là điều không tránh khỏi.

 

Tất cả những thứ tạo nên sức hấp dẫn của Cyprus đối với các nhà đầu tư nước ngoài phút chốc đã bị “thổi bay” trong tuần qua. Theo điều khoản dự kiến của thỏa thuận giải cứu, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% sẽ được tăng lên 12%. Mức thuế này vẫn là thấp nhất trong khối Eurozone, so với mức 12,5% của Ireland, 29,5% của Đức và 33,3% của Pháp. Tuy nhiên, điều kiện phải có của một “thiên đường thuế” là sự ổn định thì Cyprus đã không còn.

 

Tuy nhiên, thiệt hại tồi tệ nhất vẫn nằm ở việc các nhà chức trách Cyprus tìm cách đánh thuế vào các tài khoản tiền gửi ngân hàng. Chính phủ Cyprus hiện vẫn đang giữ đề xuất đánh thuế vào các tài khoản tiền gửi trên 100.000 Euro để có tiền chia sẻ chi phí cho gói giải cứu.

 

Mức lãi suất trung bình 5% mà các ngân hàng ở Cyprus trả cho các khoản gửi tiết kiệm đã tạo ra sức hút lớn đối với các khách hàng trên toàn cầu. Theo tính toán của hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s, các khách hàng Nga hiện đang gửi khoảng 31 tỷ USD trong các nhà băng của Cyprus.

 

Hiện các biện pháp kiểm soát vốn đang được Cyprus áp dụng chỉ cho phép người gửi tiền rút tối đa 500 Euro mỗi ngày từ các máy rút tiền tự động (ATM).

 

“Khi nghe tới kế hoạch giải cứu, bạn cứ nghĩ là Chính phủ Cyprus và các nước khác đang ra tay giúp đỡ, mà không nghĩ là họ sẽ lấy tiền của bạn”, cô Yanka Clementi, một nhân viên của Avid Life vừa mới chân ướt chân ráo đến Cyprus, nhận xét.

 

Avid Life đã đầu tư nửa triệu Euro vào việc mở văn phòng ở Cyprus . Giám đốc điều hành (CEO) Noel Biderman của Avid Life cho biết,  công ty này đang có nguy cơ mất thêm hàng chục hoặc thậm chí là hàng trăm nghìn Euro trong tài khoản tiền gửi 2 triệu Euro tại đảo quốc này, tùy vào nội dung cuối cùng của thỏa thuận giải cứu.

 

“Lúc này, tôi chỉ tìm cách để cắt lỗ”, ông Biderman nói về tình hình ở Cyprus .

 

CEO này không còn tin có ngân hàng nào an toàn hơn ở bất kỳ một quốc gia Eurozone nào khác. “Tôi nhận thấy không có lý do gì để những gì đang xảy ra ở Cyprus sẽ không xảy ra ở Malta , Ireland , Tây Ban Nha, hay bất kỳ một nước nào khác cần tiền cứu trợ. Những biện pháp tức thời này sẽ không thể giải quyết được những vấn đề sâu xa của Eurozone”, ông Biderman nhận định.

 

Hiện Avid Life vẫn hy vọng tình hình ở Cyprus sẽ ổn định trở lại và họ sẽ hoạt động ở đây. Tuy nhiên, trước mắt, họ chỉ ký các hợp đồng 6 tháng đối với dịch vụ cáp, Internet… Ngoài ra, nếu các ngân hàng Cyprus mở cửa trở lại vào ngày mai, thứ Ba (26/3) theo như kế hoạch mới nhất, Avid Life tính sẽ chuyển toàn bộ tài khoản tiền gửi sang London hoặc Bắc Mỹ.