Bà Vũ My Lan, Giám đốc kinh doanh Công ty Môi giới bảo hiểm Marsh (Marsh) vừa chính thức rời bỏ thị trường bảo hiểm sau 21 năm gắn bó và có nhiều tâm huyết với ngành. Điểm đến mới của bà chính là lĩnh vực phát triển nhân tài, niềm đam mê mà bấy lâu bà luôn muốn theo đuổi.
Việc bà Vũ My Lan dứt áo ra đi đã để lại phần nào sự hụt hẫng với thị trường bảo hiểm Việt, bởi thương hiệu cá nhân của bà gây dựng suốt 21 năm qua luôn gắn liền với thương hiệu Aon Việt Nam.
Cần nhắc lại là, trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc kinh doanh Marsh năm 2013, bà My Lan từng khá nổi tiếng khi nhiều năm liền ở cương vị CEO Aon Việt Nam, công ty môi giới bảo hiểm luôn có mặt trong top đầu thị trường này tại nước ta, trên cả 2 chỉ tiêu thị phần môi giới bảo hiểm và doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm.
Trước đó, ông Phạm Gia Anh, sau khi kinh qua vị trí điều hành cao nhất của 2 công ty, làm CEO Bảo Ngân và CEO BSH, đã rẽ ngang với bến đỗ mới không hề liên quan đến bảo hiểm. Tương tự, ông Bùi Đức Song, sau khi thôi chức CEO BSH cũng đã quay trở về với Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV). Ông Trần Hùng Phú, sau khi rời vị trí Phó tổng giám đốc BSH để chuyển sang Bảo Long với cương vị tương đương, cuối cùng cũng “theo chân” ông Song về với TKV.
Trong khi đó, 2 sếp bảo hiểm khác là ông Lê Hoài Nam đã thôi chức Chủ tịch HĐTV PVI Re và ông Lương Quang Ban thôi chức Phó Tổng Giám đốc thường trực PVI Sun Life, sau gần 1 năm tạm xa thị trường bảo hiểm hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc có gắn bó với nghề này nữa hay không.
Ở một hoàn cảnh khác, ông Nguyễn Khắc Thành Đạt, nguyên Phó Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, cũng đã rời bỏ nghề bảo hiểm sau hơn 15 gắn bó, và được điều chuyển sang làm Chủ tịch Quỹ Prudence (cũng thuộc Tập đoàn Prudential). Ngoài ra, ông Đạt còn điều hành Công ty đào tạo NLP Tâm Thức Mới, chuyên về đào tạo lập trình ngôn ngữ tư duy, nổi tiếng với chương trình huấn luyện lãnh đạo xuất chúng.
Bà Vũ My Lan nhận giải cùng với Aon năm 2010
Một vấn đề được đặt ra khi các “sếp” lớn bảo hiểm lần lượt ra đi đó là, có vẻ như bảo hiểm không còn là miền đất hứa, khi áp lực ngày một nhiều, trong đó có áp lực doanh số ngày càng cao, chưa kể đến những rủi ro của nghề liên quan đến hoa hồng bảo hiểm, trục lợi bảo hiểm, nợ phí hay đầu tư sang các kênh rủi ro, thiếu an toàn, cho vay dưới chuẩn…, những thứ khó có thể được chấp nhận với DNBH, vốn được coi là tấm lá chắn phòng vệ cho người mua bảo hiểm.
Chưa kể, “đó còn là áp lực của những ông/bà CEO, chỉ là những người đi làm thuê chứ không phải là những ông chủ thực sự trực tiếp bỏ vốn vào DN”, một “sếp” bảo hiểm đã bỏ nghề nói. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp “rẽ ngang” chỉ vì theo đuổi đam mê riêng, chứ không phải do áp lực của nghề.
“Tôi không sợ cạnh tranh trong bảo hiểm”, bà My Lan chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán và cho biết, dù không theo nghề bảo hiểm nhưng tình yêu với ngành này không phải là đã hết, những quãng ngày gắn bó với bảo hiểm vẫn là một phần đời đáng nhớ và trân trọng đối với bà.
Rời nghề bảo hiểm, đó có thể bắt nguồn từ niềm đam mê riêng mới hay lý do chủ quan nào đó, thậm chí do những rủi ro của nghề, hay sự chi phối mạnh tay của cổ đông lớn. Dẫu do đâu thì vấn đề này cũng đang đặt ra nhiều thách thức, trong đó có sự thiếu hụt về nhân sự cấp cao bảo hiểm, vốn đang trong tình trạng khan hiếm. Khi đó, việc buộc phải sử dụng lãnh đạo bảo hiểm thiếu năng lực, không đáp ứng đủ yêu cầu tất yếu sẽ xảy ra.
Và thực tế, vấn đề này đã xảy ra tại một số DNBH, khi “sếp” bảo hiểm vướng vào kiện tụng, buộc phải rời vị trí điều hành cao nhất tại DNBH này nhưng vẫn hạ cánh an toàn ở vị trí tương đương tại 1 DNBH bạn, một trưởng Chi nhánh ôm 1 tỷ đồng tiền phí của khách hàng không nộp về Công ty bị buộc thôi việc nhưng vẫn được mời về làm việc tại 1 DN khác.