Khi rủi ro được tháo gỡ bằng chính sách, cổ phiếu bất động sản sẽ tạo đáy

Khi rủi ro được tháo gỡ bằng chính sách, cổ phiếu bất động sản sẽ tạo đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược Đầu tư SSI Research lưu ý, hiện cổ phiếu bất động sản đang đối diện với 2 rủi ro chính là lãi suất cao và áp lực đáo hạn trái phiếu.

Cổ phiếu bất động sản có diễn biến giảm giá kéo dài từ quý IV/2022 tới nay. Dù có nhịp phục hồi chung trên toàn thị trường từ khoảng nửa cuối tháng 11 đến hết tháng 12/2022, nhưng mặt bằng giá cổ phiếu của nhóm này ở mức thấp, tương đương như giai đoạn trước Covid.

Nhiều nhận định gần đây cho rằng, nhóm này đang ở vùng đáy, chỉ chờ chuyển động tích cực liên quan đến tín dụng, lãi suất sẽ bật tăng.

Trong chương trình bí mật đồng tiền số 59, ông Nguyễn Trần Hải, nhà đầu tư lâu năm trên thị trường đã chia sẻ quan điểm rằng, ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu bất động sản đang gặp khó khăn nên quan sát chặt chẽ và chờ đợi điểm mua. Tùy vào gu đầu tư của từng cá nhân, nhưng cần lưu ý đến yếu tố cơ cấu và chiến lược đầu tư, nguồn lực tài chính tốt, xu hướng đầu tư dài hạn thì có thể mua dần nhóm cổ phiếu này; còn với nhà đầu tư ưa thích trading, hay tài chính không dồi dào, nên chờ đợi điểm mua.

Để nhìn nhận điểm mua, về mặt cơ bản, chính sách phải có sự thay đổi, có sự tháo gỡ và tạo dựng niềm tin cho thị trường, cho nhà đầu tư. Còn về mặt kỹ thuật, hiện nay các cổ phiếu bất động sản từ đỉnh đã có mức chiết khấu rất sâu nhưng đã rẻ hay chưa thì phải do nội tại doanh nghiệp, ông Hải chia sẻ góc nhìn.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm chia sẻ thêm, khi nhìn cổ phiếu nói chung và cổ phiếu bất động sản nói riêng, nhà đầu tư cần quan sát rủi ro tác động vào cổ phiếu. Một khi rủi ro tạo đỉnh và hạ nhiệt, cổ phiếu nhiều khả năng sẽ tạo đáy.

Với cổ phiếu bất động sản, đang đối diện 2 rủi ro là lãi suất neo ở mức cao và áp lực quanh câu chuyện thanh toán lãi gốc trái phiếu, các khoản vay nợ khác. “Khi nào các rủi ro này được tháo gỡ bằng chính sách, tức khi đó rủi ro tạo đỉnh và hạ nhiệt, thì giá cổ phiếu bất động sản tạo đáy”, ông Tâm nói.

Liên quan đến các nhóm ngành cổ phiếu đang được thị trường quan tâm, chẳng hạn với đầu tư công, theo góc nhìn của nhà đầu tư Trần Hải, đồ thị kỹ thuật của các mã như LCG, HHV, VCG đang tích cực hơn thị trường chung. Nếu đánh theo sự tiến lên thì cổ phiếu đầu tư công đang đạt tiêu chí là khỏe hơn thị trường chung, nhưng vẫn phải đặt trong bối cảnh chung đang lình xình, tích lũy. Do vậy, nếu mua nên mua ở điểm thị trường "run sợ", khi tăng tỷ trọng cần cân nhắc quản trị rủi ro thật tốt.

Với cổ phiếu ngân hàng trong trung hạn, ông Tâm cho rằng, câu chuyện cần quan tâm là nợ xấu, cần quan sát chỉ số này từ năm 2023. Theo góc nhìn của SSI Research, hiện tại vẫn đang dự báo dòng bank là ngành hiếm hoi trên thị trường đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dương.

“Tôi nghĩ rằng, đây vẫn là ngành quan sát được bất chấp điều kiện thị trường chưa phải là đẹp nhất như năm 2020, 2021. Nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư vì khả năng tăng trưởng lợi nhuận vẫn có thể xuất hiện ở một số cổ phiếu trong ngành này”, ông Tâm chia sẻ.

Còn ngành vận tải và cảng biển, ông Tâm cho rằng, ngành này đi theo câu chuyện vận động giá cước vận tải biển. Ví dụ như Hải An vẫn phải theo dõi đồ thị giá cước, nhưng ngành cảng biển thì chắc chắn sẽ quan tâm đến cổ phiếu như GMD bởi câu chuyện riêng về bán cảng Nam Hải Đình Vũ…

Nhiều nhà đầu tư cũng lo lắng đến câu chuyện riêng rằng mã FLC bị hủy niêm yết có nguy cơ sẽ bị mất trắng tiền đầu tư hay không? Ông Tâm cho rằng, vẫn có kịch bản cổ phiếu FLC sẽ giao dịch ở UPCoM. Câu chuyện này phải xuất phát từ thông tin doanh nghiệp công bố và sau đó là phía cơ quan quản lý đưa ra một số biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư, hoặc một số cách giải quyết thì vẫn có cửa để FLC giao dịch trên UPCoM.

Với kinh nghiệm đầu tư lâu năm, nhà đầu tư Trần Hải chia sẻ đã từng cầm cổ phiếu PVFC bị hủy niêm yết. Đến bây giờ, mặc dù PVFC là một doanh nghiệp sau chuyển thành PVcombank vẫn hoạt động tốt nhưng chưa niêm yết lại. Từ kinh nghiệm đó về sau, với những doanh nghiệp có dấu hiệu có thể bị hủy niêm yết thì ông Hải sẽ dừng đầu tư.

Theo ông Hải, thị trường sau hai năm thuận lợi và nhiều niềm vui, nếu không vun đắp sẽ rất dễ chia tay, nên năm nay phải là một năm cần quản trị rủi ro thật chặt để không chia tay thị trường.

“Từ đầu năm, tôi đã quán triệt với bạn bè và anh em cùng chí hướng là đầu tư không quá 20% vốn vào thị trường. Điều này tôi dựa trên những kinh nghiệm từ năm 2008 và 2011, 2018. Những năm đầu, tỷ lệ của tôi cao nhưng khi càng lớn tuổi, sức chịu rủi ro càng thấp và tỷ lệ tiền mặt cao lên”, ông Hải chia sẻ kinh nghiệm.

Trong đầu tư, cổ phiếu cũng có lúc tốt lúc xấu, doanh nghiệp nào cũng có chí hướng phát triển đều muốn kinh doanh theo đúng pháp luật để tạo ra công việc cho người lao động và tạo ra lợi nhuận. Điều này mang lợi ích cho chính bản thân lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư. Do vậy, đối với ông Hải, từng giai đoạn tham gia, kinh nghiệm là sẽ luôn quan tâm tới yếu tố “lãnh đạo” ứng xử với xã hội, những người xung quanh để phát hiện ra những cổ phiếu đấy có đáng để đầu tư hay không.

Tin bài liên quan