Khi quỹ đầu tư đối mặt với “năm khó khăn nhất”

Khi quỹ đầu tư đối mặt với “năm khó khăn nhất”

Năm 2014 được xem là năm khó khăn nhất đối với các công ty quản lý quỹ kể từ khi ngành này ra đời tại Việt Nam (2003) đến nay.

Đánh giá hoạt động của các công ty quản lý quỹ trong năm nay, ông Trần Thanh Tân, Chủ tịch Câu lại bộ Các công ty quản lý quỹ, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM) nhận định, trong năm 2014, khó khăn về doanh thu sẽ diễn ra đối với đại đa số công ty trong ngành, do chu kỳ hoạt động của các quỹ đóng đã kết thúc, trong khi các quỹ mở đa phần mới đi vào hoạt động, nên chưa thể có sự tăng trưởng cần thiết để bù đắp những “khoảng trống” sau sự ra đi của các quỹ đóng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thường xuyên các hoạt động huy động vốn cho quỹ mở sẽ làm gia tăng chi phí của công ty quản lý quỹ so với trước đây.

Trong bối cảnh như vậy, theo ông Tân, năm 2014 - 2015 sẽ là giai đoạn thử thách khắc nghiệt nhất đối với các quỹ đang và sắp hình thành trên thị trường.

Theo Câu lạc bộ Các công ty quản lý quỹ, trong năm 2013, thị trường đã chứng kiến sự rơi rụng của hàng loạt quỹ đầu tư. Cụ thể, có tới 14 quỹ đóng đã giải thể hoặc chuyển đổi, với số vốn ban đầu khoảng 8.827 tỷ đồng, chiếm 55% tổng vốn huy động lần đầu của các quỹ được thành lập trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2012.

Bản thân các công ty quản lý quỹ lớn cũng phải căng mình tái cơ cấu nhằm thích nghi với điều kiện mới của thị trường. Ông Trần Thanh Tân cho biết, trong năm qua, VFM đã phải thực hiện chuyển đổi 3 quỹ đầu tư do VFM quản lý từ dạng quỹ đóng sang quỹ mở. “Đó là việc bắt buộc phải làm để khép lại những gì không còn phù hợp và để nắm bắt chu kỳ mới”, ông Tân nói.

Trong khi quỹ đóng gần như không còn đất sống, thì các quỹ mở mới hình thành đa phần có quy mô nhỏ, hầu như chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về vốn huy động khi lập quỹ. Tổng số vốn huy động của các quỹ mở thành lập mới trong năm 2013 chỉ đạt khoảng 268 tỷ đồng. Tổng tài sản trung bình của các quỹ mở hiện nay vẫn thấp hơn tổng tài sản bình quân của các quỹ đóng trước khi giải thể hoặc chuyển đổi.

Khi các công ty quản lý quỹ hàng đầu đang trong giai đoạn “thử lửa” để vượt khó, thì khó khăn sẽ càng chồng chất đối với các công ty quản lý quỹ có quy mô trung bình và nhỏ.

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của các công ty quản lý quỹ đã có sự lệch pha rõ rệt, với nhóm 10 công ty đứng đầu quản lý tới 90% tổng tài sản toàn ngành. Phần lớn các công ty này đều có liên quan tới các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trên thị trường, mặc dù có tới 48 công ty quản lý quỹ, nhưng chỉ có 13 công ty huy động được 19 quỹ đầu tư, với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đạt xấp xỉ 6.700 tỷ đồng.

Trong cuộc đua khắc nghiệt của ngành kinh doanh quản lý quỹ, Công ty Quản lý quỹ Sabeco và Công ty Quản lý quỹ Thành Việt đã phải chấm dứt hoạt động. Trong khi đó, 4 công ty khác đang phải tạm ngừng hoạt động là Minh Việt, AIC, Hữu Nghị và Dầu khí toàn cầu. Còn Công ty Liên minh Việt Nam đang bị kiểm soát đặc biệt.

Trong bối cảnh đó, thời gian tới, việc huy động vốn của các quỹ đầu tư cũng sẽ không dễ dàng như thời gian trước, khi cơ quan quản lý đang mạnh tay kiểm soát dòng vốn đầu tư từ các ngân hàng nhằm ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo.

Theo đó, Ủy ban Chứng khoán và Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp thực hiện giám sát kênh dẫn vốn đầu tư từ ngân hàng sang thị trường chứng khoán. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết, động thái này của cơ quan quản lý không có nghĩa là hạn chế dòng vốn đầu tư vào chứng khoán. “Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư cần phải minh bạch, đảm bảo tính ổn định, an toàn”, ông Bằng nói.

Tin bài liên quan