Khi Quốc hội mạnh mẽ trao quyền - Bài 3: Khắc phục tình trạng 'giao phó' trong xây dựng luật

0:00 / 0:00
0:00
Cho dù Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ để kịp thời gỡ vướng từ chính sách đến thực thi, thì vẫn còn đó những vấn đề nan giải chỉ có thể được giải quyết bởi một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ hơn, thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa.
Quốc hội khóa XV đã qua nửa nhiệm kỳ với những quyết sách trao quyền mạnh mẽ, là điểm tựa cho phục hồi kinh tế - xã hội

Quốc hội khóa XV đã qua nửa nhiệm kỳ với những quyết sách trao quyền mạnh mẽ, là điểm tựa cho phục hồi kinh tế - xã hội

Bài 3: Khắc phục tình trạng “giao phó” trong xây dựng luật

Cho dù Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ để kịp thời gỡ vướng từ chính sách đến thực thi, thì vẫn còn đó những vấn đề nan giải chỉ có thể được giải quyết bởi một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ hơn, thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa.

Nghịch lý vốn ròng rã “chờ” thủ tục

Giữa hai đợt họp của Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, phóng viên Báo Đầu tư đã đến Yên Bái, nơi có nhiều sáng tạo, vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư công để giải ngân gần như toàn bộ vốn đầu tư công hàng năm. Cả 2 năm 2021 và 2022, địa phương này đều được Thủ tướng giao bổ sung vốn ngoài kế hoạch đã giao từ đầu năm.

Thế nhưng, có những quy định “cứng”, dù địa phương có sáng tạo, linh hoạt cỡ nào cũng không thể vượt qua. Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên, ông Lưu Trung Kiên kể về một dự án đang rất bế tắc, đó là dự án kéo điện lưới quốc gia vào thôn Làng Bang, xã Đại Sơn, phục vụ đời sống cho hơn 80 hộ dân ở đây.

Đây là dự án quy mô nhỏ, tiền để kéo 10 km đường điện đã có sẵn, nhưng một số vị trí chôn cột điện lại nằm trong diện tích rừng tự nhiên. Theo quy định hiện hành, một mét vuông đất rừng tự nhiên cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thì mới chuyển đổi được mục đích sử dụng. Thủ tục này, từ thực tế một số dự án đầu tư công có quy mô lớn hơn trên địa bàn huyện cho thấy, thường kéo dài không dưới 1 năm, có khi tới gần 2 năm.

Chưa kể, có trường hợp phần diện tích rừng sản xuất đã giải phóng xong hoàn toàn, nhưng trong khi chờ giải phóng nốt phần diện tích rừng tự nhiên để triển khai thi công, lại bị người dân tái lấn chiếm để sản xuất, dẫn đến tranh chấp rất khó xử lý, từ đó thời gian chuẩn bị đầu tư đã dài, lại càng dài hơn nữa.

“Theo quy định, để được công nhận xã nông thôn mới, các thôn đều phải có điện, xã Đại Sơn cũng chỉ chờ Làng Bang có điện là đáp ứng đủ tiêu chí, nhưng tiền vốn không “chờ” được thủ tục quá khó khăn đó, huyện cũng lực bất tòng tâm”, ông Kiên trao đổi.

Đáng chú ý, vấn đề nan giải mà lãnh đạo huyện Văn Yên đề cập đã được nhiều đại biểu thẳng thắn nêu tại nghị trường, qua nhiều kỳ họp.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) hồi tháng 8/2023, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) nhắc lại vấn đề mà bà đã nêu nhiều lần. Đó là quy định một mét vuông đất rừng tự nhiên cũng phải trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương thì mới chuyển được mục đích sử dụng. Theo đại biểu, quy định này “như ở trên mây, gây khó khăn chồng chất, gần như bức tử những vấn đề của địa phương cần phải giải quyết”.

Để giải quyết vấn đề này, không chỉ phụ thuộc vào riêng Luật Đất đai (sửa đổi), mà còn ở cả Luật Lâm nghiệp. Bởi khoản 2, Điều 14 của luật này quy định “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”.

Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị, thẩm quyền và hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác phải được quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi), cho tương thích với các luật khác, minh bạch, rõ ràng, thực hiện thống nhất.

Kiến nghị này tiếp tục được một số vị đại biểu khác “nối dài” ở Kỳ họp thứ sáu, khi yêu cầu tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật đối với 22 lĩnh vực của Quốc hội đã có kết quả bước đầu. Qua đó, những chồng chéo, bất cập của hệ thống pháp luật được nhận diện đầy đủ, rõ ràng hơn.

Để trao quyền không “nghẽn mạch”

“Việc phân cấp, phân quyền rất quan trọng để tăng tính linh hoạt, sáng tạo, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các cấp. Tuy nhiên, thời gian qua, việc này chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri và nhân dân”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói như thế khi trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội ở Kỳ họp thứ sáu vừa bế mạc.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên, theo Thủ tướng, là ở Trung ương, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, hạn chế trong xây dựng thể chế còn có một nguyên nhân khác đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh khi trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2023. Đó là, “theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần đôn đốc, hiện mới có 8/28 bộ trưởng tham gia chỉ đạo công tác này”.

“Chúng ta vẫn chỉ là giao phó thôi, tức là giao nhiệm vụ cho cấp phó trong chỉ đạo công tác xây dựng thể chế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV (tháng 9/2023).

Người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi phụ trách, cũng là hạn chế được nhiều đại biểu đề nghị cần phải nhanh chóng khắc phục.

“Cần siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương và xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật”, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đề nghị.

Để tránh tình trạng nghị định, thông tư trái pháp luật, thậm chí cao hơn luật, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị Quốc hội yêu cầu các cơ quan trình dự án luật phải kèm theo dự thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.

Trong dòng chảy đổi mới ở cả ba phương diện lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đương nhiệm đã hiện thực hóa một cách sinh động yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà điểm nhấn là những quyết định trao quyền mạnh mẽ, làm điểm tựa vững chắc đưa đất nước vượt qua những khó khăn chồng chất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ (trước Kỳ họp thứ sáu) Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được ban hành đã bám sát Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa. Đồng thời, rất linh hoạt, sáng tạo, phản ứng nhanh nhạy trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng từng bước xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, kiến tạo phát triển nhanh, bền vững đất nước và hội nhập quốc tế; đồng thời, đã thử nghiệm ban hành nhiều nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương, lĩnh vực”, Chủ tịch Quốc hội khái quát.

Quốc hội khóa XV đã đi qua nửa chặng đường vất vả, nửa nhiệm kỳ còn lại là thời gian những chính sách trao quyền mạnh mẽ từ nghị trường sẽ đi vào cuộc sống. Nhưng để sự trao quyền mạnh mẽ ấy không “nghẽn mạch”, rất cần các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất “nối mạch” nghị trường, vừa đồng hành đưa chính sách vào cuộc sống, vừa sáng suốt ngăn chặn “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Như thế, quyền được Quốc hội trao mới thực sự phát huy sức mạnh.

Quốc hội có thể họp bất thường vào đầu tháng 1/2024

Chủ trì họp báo ngay sau khi bế mạc Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã đề cập khả năng Quốc hội sẽ có kỳ họp bất thường vào đầu năm 2024. Một trong những nội dung của kỳ họp này là xem xét thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - đạo luật thể hiện sự trao quyền mạnh mẽ của Quốc hội.

Ngoài ra, còn nhiều nội dung khác có thể xem xét vào kỳ họp này, với tinh thần Chính phủ để xuất những vấn đề cần thiết để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ đồng hành. Bởi nếu chờ đến kỳ họp bình thường của Quốc hội, thì những vấn đề cấp thiết có thể chậm mất khoảng 6 tháng.

Tin bài liên quan