Khi Quốc hội “lo xa”

0:00 / 0:00
0:00
Hôm nay (20/10), Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp thứ hai với nhiều nội dung quan trọng được chuẩn bị từ sớm, từ xa. Việc chuẩn bị kỳ họp chuyên đề (chưa có tiền lệ) cũng được tính đến.
Nhiều vấn đề lớn của quốc gia đang chờ các đại biểu Quốc hội bàn thảo, thông qua tại Kỳ họp thứ hai.

Nhiều vấn đề lớn của quốc gia đang chờ các đại biểu Quốc hội bàn thảo, thông qua tại Kỳ họp thứ hai.

Dự kiến chỉ có 17 ngày làm việc, song đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, ngoài 7 dự án luật, còn có 5 nghị quyết cùng hàng chục vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách và các vấn đề quan trọng khác. Như Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, trong đó có việc lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương...

Trong khi đó, nếu tính mốc thời gian để chuẩn bị tất tật từ khảo sát, làm việc với các cơ quan chức năng, tham vấn ý kiến chuyên gia, họp thẩm tra sơ bộ và chính thức, đến lúc được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chính thức trình Quốc hội, thì vẻn vẹn chỉ có hơn hai tháng, từ khi Quốc hội khóa XV bế mạc Kỳ họp thứ nhất.

Vậy nên, yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phải vào cuộc từ sớm, từ xa tất cả vấn đề chuẩn bị cho kỳ họp này không chỉ được Chủ tịch Quốc hội liên tục nhắc nhở, mà ông còn trực tiếp “thúc ép”.

Không chờ có hồ sơ đầy đủ của các dự án luật, ông và các vị phó chủ tịch Quốc hội chủ động làm việc với các cơ quan thẩm tra để xem xét những vấn đề lớn cần sửa đổi, những chính sách mới nào sẽ được đề xuất. Ông chủ trì tọa đàm, lắng nghe ý kiến chuyên gia về các vấn đề đang đặt ra cả trước mắt và lâu dài trong chống dịch, an dân, phục hồi kinh tế. Ông mời họp cả trong ngày Chủ nhật, chờ văn bản hoàn thành để ký ngay trong đêm...

Có những ngày, các chuyên gia ít đến Nhà Quốc hội rất dễ nhầm địa điểm, vì nhiều phòng họp sáng đèn, có những cuộc thẩm tra diễn ra khi phố đã lên đèn. Và ngày nghỉ hay thời điểm ngoài giờ hành chính không phải là lý do để những vấn đề cấp thiết không được xem xét, những giải pháp đặc biệt không được thông qua.

Ngần ấy thời gian, Chính phủ phải chuẩn bị tới 54 báo cáo, tờ trình, đề án, dự án trình Quốc hội. Đương nhiên, chẳng phải nội dung nào cũng dễ dàng qua “cửa” cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đã có những nhận xét không mấy êm ái, những hồi âm khá gay gắt, có dự án luật ngấp nghé nguy cơ không thể trình ra Quốc hội đúng tiến độ.

Nhưng cũng vì Quốc hội lo xa, nên các cơ quan trình, dù gấp gáp, vẫn có cơ hội để chỉnh sửa nhanh nhất có thể, để kịp trình Quốc hội quyết định, đáp ứng yêu cầu điều hành kinh tế, xã hội.

Ở phiên họp diễn ra trung tuần tháng 10, khi “tổng duyệt” công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạm yên tâm khi mọi công việc đã hòm hòm.

Nhưng khó khăn của người dân và doanh nghiệp vẫn đang chồng chất. Quốc hội có chia sẻ, đồng hành với Chính phủ cỡ nào, thì không phải mọi vấn đề cấp thiết đều có thể được giải quyết ngay kỳ họp này. Lâu nay, việc sửa đổi hay ban hành mới một đạo luật thường được tiến hành ở 2 kỳ họp Quốc hội. Cá biệt, có luật phải 3 kỳ họp mới thông qua được. Riêng dự luật quá cấp thiết, theo quy trình rút gọn, có thể thông qua ở 1 kỳ họp.

Nếu cứ theo cách làm cũ, thì sớm nhất, cũng phải đến giữa năm sau (Kỳ họp thứ ba), dự án một luật sửa nhiều luật về đầu tư - kinh doanh được Chính phủ đề xuất, được giới đầu tư - kinh doanh nóng lòng mong ngóng mới có thể ra đời.

Thế nên, Quốc hội lại phải lo xa, phải tính đến chuyện chưa từng có tiền lệ - tổ chức kỳ họp chuyên đề ngay tháng 12 năm nay. Ở kỳ họp đó, dự án một luật sửa 10 luật như Chính phủ đề xuất cũng chỉ là 1 nội dung phải lo. Yêu cầu trước mắt còn có cả gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ, Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II cũng cần trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư...

Quốc hội tổ chức thêm một kỳ họp để quyết định những vấn đề Chính phủ đề xuất - theo Chủ tịch Quốc hội - là thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ. Nhưng ông nhấn mạnh, vấn đề nào cấp bách, cần thiết, đã chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, tạo được sự đồng thuận cao thì làm; còn vấn đề cấp bách, mà chưa chuẩn bị kịp cũng để lại.

Đồng hành không đồng nghĩa với xuôi chiều, bởi lo xa không bao giờ là đủ với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Chẳng thế mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ trước thềm Kỳ họp thứ hai của Quốc hội, đã đặt 2 chữ “sâu sắc” trước 2 chữ “đồng hành”.

Đồng hành sâu sắc chỉ có thể là từng tiếng nói của đại biểu Quốc hội phải thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân, cho lợi ích chung của đất nước, thảo luận kỹ lưỡng, quyết đáp chính xác vì sự phát triển chung, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh.

Tin bài liên quan