Chắc hẳn không ít người có chung quan điểm với ông Thành. Bởi chỉ cần bước chân ra phố, vào những khu chợ, đến hàng ngàn, hàng triệu hộ kinh doanh, mọi người có thể cảm nhận rõ mạch ngầm của những người phụ nữ nhạy cảm, biết phía trước là thương trường nhưng không quên phía sau là những mái ấm.
Khi nhận Giải thưởng Nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn khu vực ASEAN vừa diễn ra tại Philippines, bà Nguyễn Thị Nga, người phụ nữ quyền lực nhất của Tập đoàn BRG đã nhắc đến niềm tự hào khi là người phụ nữ của gia đình và là người truyền lửa cho đại gia đình BRG...
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet cũng từng chia sẻ về những nỗ lực gấp 3 người thường, vì phụ nữ Việt Nam phải quán xuyến việc nhà, từ những việc rất nhỏ như nấu ăn, trông con, hay cả việc... thắt cà vạt cho chồng.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ thì nhắc tới giờ trở về nhà, dù cho những cơ hội kinh doanh vẫn đang tiếp tục...
Đặc biệt, trong những lúc chuyển đổi, khó khăn, bản năng khiến những người phụ nữ có thiên hướng chọn con đường nhân văn để phát triển, thay vì các cuộc chiến một mất, một còn.
Báo cáo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cuối năm 2019 cho thấy, doanh nghiệp do nữ giới làm chủ có kết quả kinh doanh không hề thua kém doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Thậm chí, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ có lãi trong năm 2019 còn nhích hơn đôi chút. Nhưng tỷ lệ nữ doanh nhân chọn tăng quy mô doanh nghiệp trong 2 năm tới chỉ là 45,2% so với 50,5% của đồng nghiệp nam. 46,6% doanh nhân nữ chọn giữ nguyên quy mô doanh nghiệp hiện tại, so với 41% của doanh nghiệp do nam làm chủ...
Cũng phải nhắc lại, chỉ tiêu “tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020” của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã không đạt được. Trong khảo sát mới đây của VCCI, các chủ doanh nghiệp nữ cho biết, họ vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại về môi trường kinh doanh và các định kiến xã hội.
Điều này lý giải một phần thực tế là dù Việt Nam có nhiều tiến bộ về bình đẳng giới, phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế, nhưng khi quy mô doanh nghiệp càng lớn, thì tỷ lệ nữ giới làm chủ càng nhỏ. Đơn cử, chỉ có 0,4% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có cổ phiếu đang được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Trong bức tranh tổng thể, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24% tổng số doanh nghiệp cả nước. Một con số rất khiêm tốn so với tỷ lệ các doanh nghiệp do nam giới làm chủ cho dù đang trong xu hướng gia tăng suốt 10 năm qua.
Ở góc độ khác, Bảng xếp hạng Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) 2019 đã đưa Việt Nam nằm trong Top 20 thị trường là nơi các nữ doanh nhân có được điều kiện thuận lợi nhất để phát triển, là một trong 7 thị trường được đánh giá có mức độ bình đẳng giới cao trong các hoạt động khởi nghiệp. Một tài liệu nghiên cứu khác công bố vào cuối năm 2019 còn cho thấy, nếu xóa bỏ được khoảng cách giới, thì GDP của Việt Nam sẽ tăng đáng kể...
Hiện có nhiều đề xuất chính sách nhằm tăng cường nhận thức về bình đẳng giới thực chất đối với cộng đồng, phụ nữ…; đề xuất xây dựng khung chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; đề xuất xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực cho các tổ chức đại diện doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ... Cho dù đây không hẳn là những điều mà đa phần nữ doanh nhân thực sự quan tâm, song nỗ lực của các cơ quan quản lý nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới trong hoạt động kinh tế chắc chắn sẽ tạo thêm động lực, giúp phái đẹp có thêm năng lượng, tiếp tục làm nên những điều kỳ diệu.