Danh hiệu “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới” của nông dân Trần Hữu Thắng được Hiệp hội Hồ tiêu thế giới phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương Việt Nam trao vào năm 2013.
Lúc đó, ông Thắng là người đứng đầu Câu lạc bộ năng suất cao của xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Ông là người trồng tiêu đạt năng suất cao nhất tỉnh Đồng Nai trong suốt những năm từ 2006-2012.
Ông Thắng kể, thành tích này nhờ quyết định tham gia thử nghiệm đưa kỹ thuật mới vào sản xuất vào năm 2005. Năm đó, Trung tâm Khuyến nông huyện Xuân Lộc về tận nhà từng nông dân khuyến khích đưa kỹ thuật mới vào sản xuất, nhưng không có nhiều người tham gia vì chi phí cao là một chuyện, quan trọng là sẽ vất vả hơn vì cách làm rất khác truyền thống. Ông Thắng là hộ hiếm hoi quyết định dành 20% diện tích đất của mình để thử nghiệm. Kết quả vượt ngoài mong đợi khi năm đó, vụ thu hoạch tiêu nhà ông đạt năng suất 8 tấn/ha.
Sinh ra tại huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên), năm 1984, khi kinh tế miền Bắc quá khó khăn, ông Thắng quyết định theo chân người dân trong làng lặn lội vào tỉnh Đồng Nai làm thuê kiếm sống. Công việc đầu tiên của ông Thắng là phụ hồ, bốc vác rồi sau đó là 10 năm chăm sóc cây hồ tiêu thuê cho những người dân tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc.
Sau nhiều năm làm thuê, anh tích cóp được chút vốn, tậu đất trồng cây hồ tiêu như những người nông dân nơi đây. “Khi bắt tay vào trồng tiêu, tôi cũng đã có chút kinh nghiệm, nhưng vẫn cứ băn khoăn nên làm thế nào. 10 năm làm thuê cho nhiều nhà, học được mỗi nơi một chút. Thế là phải tính toán tìm cách làm cho hiệu quả nhất vì tất cả vốn liếng chỉ có vậy. Với 3 ha diện tích đất trồng tiêu, tôi chia thành 3 phần với 3 cách chăm bón khác nhau, đưa kỹ thuật vào khác nhau. Kết thúc 1 năm chăm sóc, diện tích nào đạt hiệu quả cao, thì năm tiếp theo chọn cách đó”, ông Thắng kể.
Đây cũng là lý do để ông Thắng không ngần ngại trước những thử nghiệm mới. Sau khi thành công, ông quyết định thành lập Câu lạc bộ Hồ tiêu tại xã Xuân Thọ với 10 xã viên. Mục tiêu để chia sẻ và cùng áp dụng công nghệ mới vào trồng cây tiêu. Quan trọng nhất với ông và người nông dân trồng hồ tiêu là làm sao tránh được điệp khúc “được mùa rớt giá” khiến người nông dân cứ lận đận.
Là người đứng đầu Câu lạc bộ, ông Thắng đi tới tận các công ty thu gom và sản xuất hồ tiêu tại TP.HCM, tìm cách ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm. Và nhu cầu lớn hơn bắt đầu xuất hiện. Năm 2014, Hợp tác xã Hồ tiêu Xuân Thọ do ông Thắng làm Giám đốc với nòng cốt là hai câu lạc bộ và các xã viên đã tham gia trước đó ra đời.
Hợp tác xã Hồ tiêu Xuân Thọ trở thành đầu mối thu mua hồ tiêu cho bà con, liên kết và bán trực tiếp với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo sự ổn định, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người nông dân.
Để trồng tiêu bền vững, Giám đốc Trần Hữu Thắng đã cùng với các xã viên chú trọng vào 2 vấn đề chính: đó là phòng trừ dịch bệnh và tăng cường sử dụng phân hữu cơ. Với bất kỳ tầng đất hay trong bất cứ điều kiện thời tiết, khí hậu như thế nào, đã xác định trồng và đầu tư vào tiêu, thì phải nắm thật rõ về những căn bệnh mà hồ tiêu có thể mắc phải.
Ông Thắng tiếp tục đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm khoa học kỹ thuật về trồng cây hồ tiêu để rồi về Xuân Thọ trao tận tay những phương pháp canh tác mới nhất, những kinh nghiệm sẽ giúp người nông dân xử lý những tình huống phát sinh mà sách vở không có hoặc chưa đề cập.
Họ đã sáng chế và thử nghiệm thành công hệ thống tưới nước tiết kiệm cho vườn tiêu. Công sức cho việc tưới tiêu đã giảm mạnh, chỉ cần bấm nút là cả vườn tiêu được tưới đều, căn đúng thời gian cây đủ nước rồi tắt công tắc là xong. Năng suất thì tăng gấp đôi, đạt tới 7 - 8 tấn/ha.
“Giờ thì chúng tôi đang có ước muốn xây dựng được thương hiệu hồ tiêu Xuân Thọ vững mạnh, có uy tín trên thị trường. Nhưng trước hết, phải trở thành vùng có khả năng cung ứng lượng sản phẩm lớn, mới có thể nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm”, ông Thắng chia sẻ.
Những tin tốt tiếp tục đến với Giám đốc Trần Hữu Thắng. Trong năm 2015, Hợp tác xã Hồ tiêu Xuân Thọ đã ký hợp đồng với một số công ty hồ tiêu của Ấn Độ có cơ sở tại Việt Nam để tiêu thụ được trên 100 tấn hồ tiêu. Điều ông mừng nhất, trong năm 2015, Hợp tác xã đã có được Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Hồ tiêu Xuân Lộc”.
Sự khởi đầu muộn của ông giám đốc nông dân, nhưng là bắt đầu mới với vùng hồ tiêu Xuân Lộc…