Trong chia sẻ của ông Lê Hải Trà, người phụ trách điều hành HÐQT Sở GDCK TP. HCM thì cuộc họp là cơ hội để các bên cùng ngồi lại, nhận diện câu chuyện thị trường, bàn những giải pháp đáng làm trong giai đoạn hiện nay.
Giải pháp đáng làm, như ông Trà chia sẻ, là làm cách nào để các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng đại hội được mà không cần triệu tập cổ đông, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Phương án kinh doanh của doanh nghiệp, những giải pháp và kịch bản ứng phó mùa đại dịch ra sao là thông tin đang được chờ đợi nhất trên thị trường.
Cách thức tổ chức đại hội trực tuyến từng được Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam xây dựng từ 3 năm trước, cần được truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng để nối mạch thông tin từ 2 chủ thể quan trọng nhất: doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Nếu thực thi được sự kết nối này, ông Trà cho rằng, sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư, giải tỏa những mối lo sợ không đáng có và dường như đang bị bao trùm vì dịch bệnh.
Giải pháp thứ hai là về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư có nhu cầu chuyển nhượng những mã cổ phiếu hết room, với mức giá bên mua sẵn sàng trả cao hơn nhiều thị giá cổ phiếu trên thị trường. Ðiểm này lại bị nghẽn ở một chỗ, cổ phiếu đã niêm yết thì phải giao dịch theo thị giá và thị giá thì bị điều chỉnh bởi biên độ dao động giá.
Ông Trà chia sẻ, các chuyên gia quốc tế đã khuyên Việt Nam không nên đưa các giao dịch trên ra ngoài thị trường, vì thế nếu muốn để ở trong thị trường và vẫn đảm bảo sự công khai minh bạch, thì cần một sự điều chỉnh quy định pháp lý.
Việc này nằm trong thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, theo đó, chỉ cần nới biên độ ở phiên giao dịch thỏa thuận lên 20% hoặc một mức nào hợp lý, là có thể xử lý được vướng mắc này.
Hàng loạt kiến nghị của thành viên đã được nêu lên tại cuộc họp và được nhà quản lý ghi nhận, để cái nào xử lý được sẽ xử lý, cái nào cần nghiên cứu, đưa thành quy định pháp luật, sẽ đưa vào thông tư, nghị định thế hệ mới đang được định hình.
Thị trường khó đã lộ rõ việc các nghiệp vụ mà công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ được thực hiện còn thô sơ, cứng nhắc, không tạo điều kiện cho các chủ thể này xây nên một hệ sinh thái tài chính để chủ động đứng vững và hỗ trợ các khách hàng của mình…
Thị trường khó cũng cho thấy một khoảng hở trong các thông điệp hỗ trợ từ Chính phủ, từ các bộ ngành, khi chỉ tập trung vào doanh nghiệp, vào các hộ kinh doanh, mà chưa đề cập đến 2,3 triệu nhà đầu tư chứng khoán - những người đang phải chịu mất mát, rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ để trụ lại với nền chứng khoán Việt.
Cũng cần nhắc lại rằng, nhà đầu tư chính là chủ thể quan trọng nhất, góp sức thực thi mục tiêu xây dựng TTCK chuyên nghiệp, hiệu quả tại Việt Nam…
Giảm thuế là câu chuyện của Quốc hội, giảm phí thuộc quyền quyết của Bộ Tài chính. Trong phạm vi của ngành chứng khoán, ngồi lại cùng nhau để nhìn ra vấn đề thị trường, thống nhất hướng xử lý những gì có thể là hành động nhận được sự ủng hộ của nhiều chủ thể.
Dù thị trường còn đó những sự chậm trễ chính sách, những vướng mắc, tồn tại, nhưng nói như ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS thì “khi tất cả chúng ta cùng muốn thị trường tốt, cùng suy nghĩ tích cực và hành động tích cực, chắc chắn thị trường sẽ vượt mọi gian khó và đi lên”.
Ðại dịch Covid-19 là một biến cố bất ngờ, nhưng TTCK gần 20 năm nay cũng đã từng trải qua không ít biến cố.
TTCK bật tăng nhẹ cho thấy, niềm tin đang nhen nhóm trở lại khi nhà đầu tư cảm nhận rõ hơn sự gắn kết, sự thẳng thắn và nỗ lực của nhà quản lý và các tổ chức tài chính trung gian tìm giải pháp để vượt khó.
Nhà quản lý cần tiếp tục nuôi dưỡng niềm tin ấy, bằng sự minh bạch và bằng các giải pháp dám quyết, dám chịu trách nhiệm vì thị trường, vì nhà đầu tư.