Đón thêm tân binh cũng là lúc thị trường phi nhân thọ thêm phần cạnh tranh.

Đón thêm tân binh cũng là lúc thị trường phi nhân thọ thêm phần cạnh tranh.

Khi ngân hàng lấn sâu vào bảo hiểm phi nhân thọ

(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vốn cạnh tranh khốc liệt, lại vừa đón thêm tân binh thứ 31 và cũng có cổ đông lớn là ngân hàng.

Thêm công ty phi nhân thọ thứ 31

Công ty cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns) vừa nhận giấy phép thành lập từ Bộ Tài chính. Đây là công ty bảo hiểm phi nhân thọ thứ 31 trên thị trường (không tính 1 chi nhánh bảo hiểm nước ngoài và 2 công ty tái bảo hiểm là Vinare và Hanoi Re), do Techcombank góp 11% vốn.

Với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, TCGIns dự kiến chính thức hoạt động từ đầu tháng 11 tới, trụ sở chính đặt tại Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Chung Bá Phương với chức danh là Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn Tổng giám đốc là ông Nguyễn Quang Vinh - đều là những người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm.

TCGIns ra đời trong bối cảnh Techcombank vừa chính thức chấm dứt mối quan hệ hợp tác độc quyền với Manulife Việt Nam sau một thập kỷ hợp tác. Đây là thương vụ bancassurance đình đám một thời, mang lại khoản phí trả trước và hoa hồng lớn hàng năm cho Techcombank.

Dù phía Techcombank cũng như TCGIns không chia sẻ chi tiết về chiến lược hoạt động, nhưng theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, công ty bảo hiểm này không theo lối mòn cũ, mà hoạt động trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tận dụng hệ sinh thái các đối tác lớn của Techcombank, như Masan, Vin Group…

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chia tay Manulife Việt Nam và tham gia góp vốn vào TCGIns là cách Techcombank “làm mới” mảng kinh doanh bảo hiểm nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn, cũng là cơ hội để TCGIns phát triển mạnh mảng bảo hiểm con người, bảo hiểm sức khỏe. Khoảng 10 năm trước, Techcombank từng lên kế hoạch lập công ty bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do ngân hàng này nắm 100% vốn, nhưng không thành.

Cạnh tranh gia tăng

Ngoài Techcombank, nhiều ngân hàng đã tham gia vào mảng bảo hiểm phi nhân thọ như VietinBank (với VBI), Agribank (với ABIC), BIDV (với BIC), MB (với MIC), SHB (với BSH), HDBank (với Bảo hiểm HD), LPBank (với Bảo hiểm LPBank)…

Giới chuyên gia nhận định, thiệt hại nặng nề của bão Yagi nói riêng, tổn thất do rủi ro thiên tai có xu hướng tăng nói chung cho thấy cần chú trọng nhiều hơn tới các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người… nhằm phòng vệ trước rủi ro.

Tuy nhiên, cách đây 3 năm, con số 30 công ty bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường được cho là quá nhiều, trong đó nhiều công ty bảo hiểm có ngân hàng “chống lưng” sẽ khiến những công ty khác khó có thể cạnh tranh, nên cần “phanh” lại việc thành lập mới.

Theo quy định hiện hành, một doanh nghiệp bảo hiểm muốn lập mới cần có vốn pháp định 400 tỷ đồng, dù được nâng lên 100 tỷ đồng so với trước nhưng vẫn không quá khó để đáp ứng điều kiện này.

Mặt khác, sự tham gia của Techcombank trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ diễn ra trong bối cảnh hoạt động bán chéo sản phẩm bảo hiểm bị quản lý chặt hơn theo quy định mới, chứ không còn dễ dàng như trước.

Bên cạnh đó, sự góp mặt của tân binh này càng khiến sức cạnh tranh trên thị trường càng trở nên khốc liệt hơn, nhất là tại những sản phẩm chủ lực như bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Dù vậy, giới phân tích cũng nhìn nhận rằng, thị trường đang thiếu những công ty bảo hiểm “tay to” tương xứng với sự phát triển của thời đại công nghệ mới, bối cảnh mới. Do đó, lợi thế vẫn thuộc về những tổ chức có tiềm lực tài chính, có uy tín, chuyên nghiệp, chuẩn số hóa…

Tin bài liên quan