Hiện nay chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu riêng của Nhà nước, toàn bộ xăng dầu dự trữ quốc gia giao Bộ Công Thương quản lý, Bộ đang ký hợp đồng thuê kho của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bảo quản.
Thực tế này được Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu tại báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023, lĩnh vực công thương.
Đây là tài liệu phục vụ phiên chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bắt đầu từ sáng mai (21/8). Bộ trưởng Bộ Công Thương là một trong ba vị sẽ đăng đàn trả lời đầu tiên.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, Báo cáo số 318/BC-CP ngày 14/6/2024 của Chính phủ đã thể hiện tinh thần nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương, cùng các đơn vị, cơ quan liên quan nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 ngày 28/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ và quan tâm chỉ đạo đối với một số nội dung, trong đó có nhiệm vụ xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng.
Cụ thể, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích, làm rõ hơn sự phù hợp của đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội (kịch bản tăng trưởng cơ sở, kịch bản tăng trưởng cao) được thể hiện ở nội dung nào và mức độ đóng góp của từng đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đối với mục tiêu đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng tổng mức dự trữ xăng dầu cả nước lên 75-80 ngày nhập ròng vào năm 2030 và tăng dần mức dự trữ lên 90 ngày nhập ròng để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia.
Từ đó, nhận định rõ hơn vai trò của từng đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và có cơ sở để đánh giá mức độ thực hiện các phương án phát triển năng lượng được lựa chọn. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Đối với nhiệm vụ có giải pháp tổng thể, căn cơ, kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị có báo cáo cụ thể hơn về tình hình thực hiện các phương án tái cơ cấu lại bộ máy điều hành và tái cấu trúc tài chính của NSRP, trách nhiệm của NSRP bảo đảm hạn mức sản xuất tối thiểu, mối quan hệ và vai trò của các bên liên quan, trong đó có vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong quá trình này và phương hướng giải quyết dứt điểm những vướng mắc của NSRP.
Đối với nhiệm vụ thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu, Thường trực Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh, theo Báo cáo số 318/BC-CP, hiện nay chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu riêng của Nhà nước. Toàn bộ xăng dầu dự trữ quốc gia giao Bộ Công Thương quản lý, Bộ đang ký hợp đồng thuê kho của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bảo quản.
Đồng thời, định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ xăng dầu trả cho doanh nghiệp bảo quản hiện nay chưa phù hợp thực tế nên chưa tổ chức bảo quản riêng, tách bạch với hàng kinh doanh. Tuy nhiên, Báo cáo số 318/BC-CP đã chỉ ra, các phương án đều chỉ mang tính tạm thời, xử lý tình huống trong giai đoạn ngắn hạn.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo về giải pháp dài hạn tách bạch giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như yêu cầu tại Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15, tiến độ cũng như tình hình thực hiện nhiệm vụ này, báo cáo về phương án đầu tư xây dựng kho bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia để bảo đảm tuân thủ Luật Dự trữ quốc gia.
Tại báo cáo bổ sung một số nội dung thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lĩnh vực Công Thương (ngày 16/8/2024) Bộ Công Thương cho biết đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm tách bạch giữa hàng dự trữ quốc gia và hàng dự trữ lưu thông của doanh nghiệp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho dự trữ xăng dầu, cũng như giúp việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng được thuận lợi.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ trên đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ tháng 8/2023 đến nay, Bộ Công Thương đã gửi 5 văn bản trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo, xin chỉ đạo về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia.
Tại các văn bản nêu trên, Bộ Công Thương đã đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác dự trữ quốc gia xăng dầu. Như, thống nhất chủ trương cho phép Bộ Công Thương tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp đang bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia như đã thực hiện trước đây, hàng dự trữ quốc gia được bảo quản chung với hàng kinh doanh cho đến khi có kho dự trữ quốc gia xăng dầu riêng hoặc đủ điều kiện để lựa chọn doanh nghiệp thuê bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật. Giao Bộ Tài chính chủ trì báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định;
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc ban hành Quy chuẩn dự trữ quốc gia xăng dầu để có đủ cơ sở thực hiện việc bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia.
Về phương hướng xử lý trong dài hạn, Bộ Công Thương nêu giải pháp mở rộng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực trong xã hội, khuyến khích khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu đưa hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư theo quy hoạch đủ điều kiện được thuê bảo quản dự trữ quốc gia xăng dầu riêng theo Luật Dự trữ quốc gia cùng tham gia nhận hợp đồng thuê bảo quản dự trữ quốc gia xăng dầu riêng. Việc này nhằm kịp thời đáp ứng mục tiêu nâng công suất sức chứa trong thời gian chờ hoàn thành các dự án dự trữ quốc gia dầu thô và sản phẩm xăng dầu giai đoạn 2024 - 2030 theo danh mục trong Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.