Lãi suất đang ở mức đỉnh
Theo báo cáo cập nhật vĩ mô, Chứng khoán VNDirect nhận định xu hướng tăng của lãi suất có thể tiệm cận điểm đảo chiều trong quý I/2023.
Cụ thể, các chuyên gia phân tích của tổ chức trên kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh vào quý I/2023 và sau đó giảm dần từ quý II/2023. Thực tế, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1/2023. Tính đến cuối tháng 1/2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân và ngân hàng quốc doanh lần lượt là 7,4%/năm và 8,7%/năm.
Các chuyên gia phân tích của FiinGroup nhận định, lãi suất sẽ không tăng trong vòng nửa năm tới và có thể giảm trong nửa cuối năm nay. Vì trước đó, giai đoạn nửa cuối năm 2022 đã diễn ra một cuộc đua lãi suất tiền gửi lên mức cao nhất 10-11%/năm kỳ hạn dài.
Tuy Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã họp và thống nhất trần lãi suất huy động là 9,5%/năm đối với kỳ hạn dài, song trên thực tế thị trường vẫn tồn tại thực trạng thỏa thuận “ngầm” lãi suất giữa ngân hàng và người vay, với biên động cộng 1-1,5%. Nhưng so với trước Tết Quý Mão hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi trên đà giảm dần.
Nhận định VNDirect, thị trường dự báo đỉnh của chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở mức 5,25%, tương đương còn hai lần tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất vào cuộc họp tháng 3 và tháng 5 tới. Theo đó, áp lực lên tỷ giá VND có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023 khi Fed ngừng tăng lãi suất điều hành.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023 và tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối... VNDirect kỳ vọng, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7%/năm và 7,5%/năm vào cuối năm 2023.
Mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt nửa cuối năm nay. Trên thế giới, lộ trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đang theo sát kỳ vọng thị trường. Trong khi Fed đang tiến gần lãi suất mục tiêu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn phải xoay sở tăng lãi suất để chống lạm phát.
Theo đó, nhiều khả năng USD không còn tăng giá mạnh so với các đồng tiền mạnh khác. Thực tế, chỉ số đo lường giá trị USD đã có dấu hiệu tạo đỉnh từ cuối năm 2022. Vì thế, về lãi suất, VCBS nhận định, trong điều kiện thuận lợi, lãi suất điều hành có thể không tăng thêm trong năm 2023 và mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang, hạ nhiệt nửa cuối năm.
Trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất ổn định và không có nhiều biến động. Do mặt bằng lãi suất đã tăng đáng kể trong trước, nhu cầu gửi tiền dự báo sẽ được cải thiện. Tuy vậy vẫn sẽ có sự phân hóa giữa nhóm ngân hàng lớn và nhóm ngân hàng thương mại vừa, nhỏ.
Chứng khoán VietinBank (CTS) cũng dự báo lãi suất điều hành ở Việt Nam có thể đã đạt đỉnh vào tháng 1/2023. Thực tế, hiện lãi suất huy động tối đa ở các ngân hàng lớn chỉ còn khoảng 8,7%/năm ở ngân hàng quốc doanh và 9,5% ở khối cổ phần.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ dư thừa thanh khoản hệ thống ngân hàng khi mà các nhà băng đã huy động được một lượng lớn vốn từ thị trường 1 ở mức lãi suất cao vào năm 2022, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung vốn được kiểm soát chặt chẽ. Lãi suất điều hành sẽ được duy trì ở mức như hiện tại trong năm 2023.
Bên cạnh đó, CTS cho rằng, lãi suất huy động có xu hướng giảm dần về cuối năm 2023, chiều hướng này sẽ gia tăng khi Fed dự kiến sẽ giảm lãi suất điều hành vào quý IV/2023.
Cầu tín dụng chậm, lãi vay sẽ giảm
Nhu cầu tín dụng chậm lại trong quý đầu năm do nhiều doanh nghiệp có thể hoãn mở rộng sản xuất kinh doanh vì lo ngại tiêu dùng suy yếu và áp lực lãi vay cao cũng buộc ngân hàng giảm dần chi phí đầu vào, cắt giảm lãi suất đầu ra, kích cầu tín dụng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động tăng cao đã kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay tăng lên đáng kể. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng như người dân trong đó có người mua nhà khiến dòng chảy tín dụng sẽ chậm lại. Bởi theo đánh giá thì mức lãi suất thực của Việt Nam hiện vẫn cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới, vì vậy, giới phân tích kinh tế - tài chính cũng đưa ra đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc sớm hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Với mặt bằng lãi suất tăng cao như vậy, chi phí vốn của ngân hàng cũng bị đội lên khá nhiều tác động đến NIM của ngân hàng trong một đến hai quý tới. Chi phí vốn tăng cao sẽ khiến NIM của ngân hàng có khả năng thu hẹp trong nửa đầu năm 2023. Chỉ số này chỉ có thể cải thiện nhẹ trong nửa cuối năm khi mặt bằng lãi suất giảm.
Hiện cả 4 ngân hàng quốc doanh đã đều có chương trình vay ưu đãi, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, kể cả với cho vay bất động sản. Cụ thể, Agribank vừa công bố giảm tối đa 3% lãi suất cho khách vay kinh doanh bất động sản. Chương trình áp dụng cho khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm ngày 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô.
VietinBank triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP có quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu vay vốn tại VietinBank, hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua. Trước đó, Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023. Thời gian từ 1/1/2023 đến hết 30/4/2023, áp dụng cho khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Tương tự, áp dụng đến hết 30/04/2023, BIDV triển khai gói vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỷ đồng. Khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng.
Với khối cổ phần, Techcombank triển khai gói 30.000 tỷ đồng, lãi suất 2% cho doanh nghiệp, chú trọng lĩnh vực sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu.
Sacombank thông báo triển khai ưu đãi lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên toàn quốc. Khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp) hoặc tiêu dùng phục vụ đời sống, Sacombank áp dụng mức lãi suất tối thiểu chỉ từ 8,99%/năm. Sacombank áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu.
Nam A Bank vừa công bố huy động thành công 20 triệu USD, tương đương 471,7 tỷ đồng từ BlueOrchard - một tổ chức quản lý quỹ đầu tư tác động toàn cầu hàng đầu, nhằm mở rộng danh mục cho vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo Nam A Bank, nguồn vốn chủ yếu tập trung cho vay xuất khẩu, lãi suất vay bằng USD ở mức ưu đãi dao động từ 4-5%/năm.
SeABank cũng tung ra gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh. Gói ưu đãi giảm lãi suất của nhà băng trên cho vay tối đa 1%, tối đa 12 tháng. Các khoản vay phục vụ sản xuất và thương mại trong các lĩnh vực như chăn nuôi, nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được giảm 1%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng. Ngoài ra, SeABank cũng giảm 0,5%/năm cho các khoản vay kinh doanh không thuộc lĩnh vực nêu trên.
Tỷ giá khó biến động năm nay
Về tỷ giá, trong bối cảnh chỉ số sức mạnh của USD (DXY) suy yếu, tỷ giá USD/VND cuối tháng 1/2023 giảm 0,8% so với đầu năm xuống 23.450 VND/USD. Việc tỷ giá hạ nhiệt sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước chuyển ưu tiên sang ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo các chuyên gia của VCBS, USD sẽ đi ngang và không còn tăng mạnh như 2022.
Trong điều kiện thuận lợi, thậm chí mức mất giá của VND so với USD có thể dưới 3% trong năm nay. Theo đó, VND có dấu hiệu hồi phục, tăng 0,59% kể từ đầu năm. Tỷ giá có lúc chạm dưới ngưỡng 23.450 VND/USD. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá tiếp tục về 23.630-23.640 VND/USD.
Nhờ vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đều đặn mua lại thành công ngoại tệ bổ sung cho kho dự trữ quốc gia. Theo ước tính của các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 3,6 tỷ USD kể từ đầu năm 2023. Trước đó, các nhà phân tích VNDirect cũng đưa ra kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3,3 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023
Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mua vào ngoại tệ kể từ tháng 1/2023 và tính riêng trong tháng 1 đã mua thêm 2,78 tỷ USD. Theo đó, dự trữ ngoại hối hiện tại đạt khoảng 91,78 tỷ USD. BSC cũng cho biết, giá trị USD bắt đầu giảm kể từ tháng 11/2022 khi lạm phát tại Mỹ liên tục cho thấy sự hạ nhiệt, Fed giảm dần mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Giá trị VND tiếp tục tăng trong tháng 1/2023. Cập nhật những ngày giao dịch đầu tháng 2, tỷ giá USD diễn biến khá ổn định cho đến ngày 7/2 bắt đầu biến động nhẹ. VNDirect dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam dự kiến đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023, tương đương 3,3 tháng giá trị nhập khẩu. Tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ dao động trong khoảng từ 23.400-23.800 VND/USD trong năm 2023.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2022 là lần đầu tiên Việt Nam có tăng trưởng cung tiền dưới 4%. Các năm trước đây, tăng trưởng cung tiền bình quân của nền kinh tế thường ở mức 14-15%, dù thấp nhất cũng ở mức 11%. Do đó, khả năng để các yếu tố tiền tệ có thể gây ra lạm phát đã giảm rất nhiều.
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, tỷ giá và chênh lệch lãi suất giữa trong và ngoài nước vẫn đang được duy trì ổn định. Giá cả nguyên vật liệu trên thế giới hiện đã vượt qua đỉnh, do đó lạm phát không phải vấn đề lớn trong năm 2023. Lạm phát sẽ tạo đỉnh từ tháng 1, tháng 2 trở đi, lạm phát sẽ giảm dần và 2-3 tháng tới có thể còn 3-3,5%.
Đối với vấn đề lãi suất, chuyên gia trên cho rằng, bên cạnh vấn đề lạm phát, hành động của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng sẽ là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến lãi suất trong nước. Hiện lạm phát Mỹ cũng đã tạo đỉnh. Lãi suất điều hành của của quốc gia cũng đã lên đến 4,75%, tương đối cao trong nhiều năm trở lại đây.
Đến khoảng tháng 5/2023, lạm phát Mỹ có thể chỉ còn khoảng 3,5% và khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất là rất thấp. Trong trường hợp xấu, Fed có thể tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 3 mức tăng sẽ vào khoảng 0,25%. Đến kỳ họp tháng 5, cơ quan này có thể dừng việc tăng lãi suất. Do đó, các sức ép làm lãi suất Việt Nam có thể tăng tiếp bao gồm lạm phát cũng như áp lực từ lãi suất bên ngoài còn rất ít.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất Việt Nam hiện đã ở mức đỉnh và đang trên đà đi xuống, song việc lãi suất giảm nhanh hay chậm chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm của nhà điều hành. Nếu thận trọng, các cơ quan này có thể quan sát và chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn về lạm phát và dấu hiệu về việc dừng đà tăng lãi suất từ Fed.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mức tăng 2 lần, mỗi lần 1% như các bước điều chỉnh trước đây, đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch là phù hợp với xu hướng của toàn cầu. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Thanh Hà cũng cho biết, trong bối cảnh hầu hết các nước đều tăng lãi suất, thị trường ngoại hối quốc tế biến động mạnh, việc điều hành lãi suất, tỷ giá đã được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng.