Nguyễn Thị Chính, 30 tuổi, đang làm việc tại một nhà máy sản xuất đồ gỗ ở khu công nghiệp Quang Minh, hồi đầu năm xuất hiện trên một tờ báo nước ngoài. “Lương tháng của tôi hơn 6 triệu đồng. Sau khi trừ tiền đóng bảo hiểm, tôi chỉ cầm về hơn 5,5 triệu đồng một chút. Thu nhập quá thấp”.
Chính cho biết chị định bỏ việc về quê, nơi hơn 10 năm trước mình đã ra đi.
Đó là thời điểm tháng 1, khi Chính phủ đã tăng lương tối thiểu vùng thêm 6,5%.
Bài báo dẫn khảo sát của Tổng LĐLVN cho biết: 33% trong số gần 2.600 lao động được hỏi cho rằng thu nhập của họ thấp, phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ. 12% nói rằng thu nhập không đủ sống, phải làm thêm. Và làm thêm là “vì muốn có một bữa ăn ca..., để đủ ăn chứ không phải làm giàu”.
Nhưng nếu chị Chính là một nhân viên công ty xổ số, thu nhập bình quân của chị, bất kể vị trí, công việc, có thể đạt 31,86 triệu đồng.
Báo cáo chế độ tiền lương, thưởng của các công ty xổ số vừa được công bố cho thấy ngành này đúng là “mỏ vàng” ngay cả ở khía cạnh thu nhập.
Viên chức quản lý doanh nghiệp nhận bình quân 59,8 triệu/tháng. Người lao động cũng nhận bình quân 31,86 triệu đồng mỗi tháng.
Một mức thu nhập phải nói là quá khủng nếu so sánh với mặt bằng thu nhập chung.
So ngay trong ngành xổ số, mức thu nhập này thậm chí là bất công khi những người bán vé số trực tiếp đang được xếp vào diện bần cùng về thu nhập.
Nhưng bất bình đẳng thu nhập giữa bộ phận lao động gián tiếp trong các công ty xổ số vốn không mấy vất vả, không có rủi ro và gần như không có biến động với những loại lao động khác, rõ ràng là điều bất bình thường.
Bất bình thường như những lao động từ khu vực tạo ra của cải vật chất thì lại lương không đủ sống, trong khi các công ty xổ số ngoài việc trả lương cao ngất ngưởng, còn “thừa tiền” đến mức tổ chức cho cán bộ địa phương đi “học tập kinh nghiệm nước ngoài”.
Xổ số là ngành siêu lợi nhuận và ở nhiều địa phương, xổ số chiếm tỷ trọng rất lớn trong nguồn thu ngân sách nhà nước.
Nhưng nguồn thu xổ số không và chưa bao giờ có thể là bền vững, chưa kể, nguồn thu này dẫu lớn nhưng gần như không tạo ra của cải vật chất xã hội.
Mức lương 31,86 triệu bình quân. Một sự vô lý. Và có lẽ, sự vô lý này cần phải được xem lại ngay cả ở khía cạnh bình đẳng xã hội cũng như các cân đối kinh tế.