Nhờ sự đồng hành của cổ đông, đối tác, thầu phụ, HBC đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Nhờ sự đồng hành của cổ đông, đối tác, thầu phụ, HBC đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Khi lãnh đạo doanh nghiệp chủ động nhận lỗi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Điểm đáng ghi nhận trong mùa đại hội cổ đông vừa qua là lãnh đạo nhiều doanh nghiệp niêm yết đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, tồn tại của doanh nghiệp, thậm chí cả sai lầm trong chiến lược kinh doanh.

Chủ động nhận lỗi

Bối cảnh kinh tế khó khăn của năm 2023 khiến nhiều doanh nghiệp không hoàn thành mục tiêu kinh doanh trong năm qua, lợi nhuận lao dốc mạnh.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC) ghi nhận doanh thu hơn 292 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 5,1 tỷ đồng. Kết quả này cách rất xa mục tiêu Công ty đề ra hồi đầu năm, với doanh thu 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông năm nay của HQC, việc doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch kinh doanh được cổ đông quan tâm chất vấn. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đã trải lòng: “Công ty quan điểm không đổ thừa hoàn cảnh dù gần đây nền kinh tế có nhiều biến động. HQC có sai khi nhận định lạc quan về thị trường và cả khả năng của mình khi hoạch định về mục tiêu lợi nhuận. Hơn 10 năm qua, HQC đặt kế hoạch tiên phong về nhà ở xã hội. Cho đến khi các gói tài trợ nhà ở xã hội với giá trị hàng ngàn tỷ đồng kết thúc thì HQC không xoay xở được vốn, dẫn đến không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh”.

Ông Tuấn chia sẻ thêm, do không tìm được nguồn vốn từ các ngân hàng, thị trường tài chính và các quỹ đầu tư, các dự án của HQC triển khai dở dang. Các khoản đầu tư vào các công ty liên kết theo đó chậm thu hồi vốn.

Mùa đại hội cổ đông năm nay, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) đã xin lỗi cổ đông vì năm 2023, hiệu quả hoạt động của Công ty không như mong muốn. Ông hứa trước cổ đông sẽ cùng Ban lãnh đạo đưa hoạt động kinh doanh của MWG tốt trở lại trong năm 2024, tạo lợi nhuận trên khoản đầu tư của cổ đông.

Năm 2023, MWG đạt doanh thu thuần 118.280 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 168 tỷ đồng, giảm lần lượt 11% và 96% so với kết quả thực hiện năm trước đó. Đây là mức lãi thấp nhất Công ty ghi nhận trong khoảng một thập kỷ qua. Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 125.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, tăng 6% về doanh thu và tăng gấp 14 lần về lợi nhuận so với năm trước.

Sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản kéo theo nhiều doanh nghiệp “đi lùi” trong năm 2023. Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land, mã CRE) ghi nhận 933 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2,1 tỷ đồng, sụt giảm 73% về doanh thu và 98% về lợi nhuận so với năm 2022.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cen Land đã gửi lời xin lỗi đến các cổ đông lớn của doanh nghiệp như Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A… vì thời gian qua hoạt động kinh doanh không thể đem lại lợi nhuận cho các cổ đông như kỳ vọng.

Ông khẳng định, bản thân là doanh nhân và hoàn toàn không duy ý chí, trong thời điểm thị trường bất động sản ngặt nghèo, Công ty đã và đang nhìn thẳng vào những vấn đề cốt lõi để giải quyết triệt để, chứ không trốn tránh.

Chủ tịch CRE cũng thẳng thắn phủ nhận tin đồn ông đem tiền ra nước ngoài để đầu tư bất động sản. Ông Vũ khẳng định, Cen Land xác định phát triển theo hướng môi giới bất động sản, chứ không trở thành chủ đầu tư bất động sản.

Minh bạch, chân thành mới mong cổ đông tin tưởng

Năm 2023 là năm vô cùng khó khăn của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC), khi ghi nhận doanh thu 7.527 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 1.115 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp HBC có kết quả kinh doanh thua lỗ.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2024, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Xây dựng Hòa Bình chia sẻ: “Là người chèo lái con thuyền Hòa Bình, tôi xin thành khẩn nhận trách nhiệm khi không hoàn thành mục tiêu như kế hoạch đề ra. Tôi khẳng định xem Hòa Bình như đứa con ruột thịt. Trong suốt 36 năm qua, tôi luôn cố gắng hết sức mình vận dụng mọi nguồn lực của cá nhân và gia đình, làm mọi điều có thể để con thuyền vượt qua sóng gió, đồng thời cam kết bảo vệ quyền lợi cho cổ đông”.

Sự thẳng thắn, chân thành của lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình đã tìm được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, cổ đông. Như ông Hải chia sẻ: “Sóng gió của năm 2023 tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng như cánh diều ngược gió, với sự đoàn kết của cán bộ công nhân viên, sự đồng hành của các đối tác, nhà cung cấp, nhà thầu phụ, cổ đông, Hòa Bình vượt qua tình thế cùng cực ngàn cân treo sợi tóc”.

Theo ông Hải, tới thời điểm diễn ra đại hội cổ đông thường niên 2024, đã có 119 nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất đồng ý hoán đổi nợ bằng cổ phiếu HBC, đạt 821 tỷ đồng. Trong khi theo phương án phát hành đã được thông qua, chỉ có tối đa 100 cổ đông được tham gia hoán đổi nợ, tổng giá trị dự kiến phát hành không vượt quá 740 tỷ đồng.

Hòa Bình đã có lãi trở lại từ quý I/2024, với lợi nhuận hợp nhất đạt gần 57 tỷ đồng. Công ty đã trúng nhiều gói thầu tại nước ngoài, ký kết một số gói thầu trong nước.

Cơ sở để nhà đầu tư ra quyết định chuẩn xác

Sự thẳng thắn, minh bạch của lãnh đạo doanh nghiệp (về khó khăn cũng như thuận lợi của doanh nghiệp) đều giúp nhà đầu tư có cơ sở để xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp. Thực tế, việc Ban lãnh đạo chia sẻ bức tranh thực tế của ngành, của doanh nghiệp trong đại hội đã giúp nhà đầu tư hiểu đúng hơn về thực tế hoạt động kinh doanh, thời điểm kỳ vọng hồi phục và quan trọng hơn doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn nào của quá trình hồi phục.

Trước khi suy giảm mạnh về hiệu quả kinh doanh trong năm 2023 và lãnh đạo phải xin lỗi cổ đông, MWG đã có giai đoạn dài tăng trưởng tích cực và giá cổ phiếu neo cao. Công ty cũng được biết đến với việc liên tục duy trì chính sách phát hành ESOP và nhiều lần khiến cổ đông nhỏ lẻ bức xúc.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Công ty, ông Nguyễn Đức Tài phát biểu: “Chính sách ESOP có thể tồn tại trong nhiều năm. Nếu cảm thấy bực bội với chính sách này, quý cổ đông nên cân nhắc có nên đầu tư vào Thế giới Di động hay đầu tư vào một cổ phiếu khác có thể mang lại cho quý cổ đông hai thứ quan trọng là tiền và niềm vui. Ngoài kia còn rất nhiều cổ phiếu và doanh nghiệp không chia ESOP. Đây là một lời đề nghị rất chân thành. Một mặt, Công ty trân trọng niềm tin của nhà đầu tư dành cho cổ phiếu MWG. Mặt khác, nếu các bạn đầu tư trong trạng thái bực bội, từ đó gây ra sự đối đầu giữa cổ đông và ban điều hành như những trường hợp đã từng xảy ra, có lẽ các bạn đang hại chính khoản đầu tư của mình”.

Những chia sẻ thẳng thắn và có phần “nghịch nhĩ” của ông Tài cho thấy sự tự tin của ông về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, qua đó, nhà đầu tư cũng đánh giá được triển vọng ngắn hạn của cổ phiếu.

Ngược lại, vẫn còn nhiều doanh nghiệp niêm yết có xu hướng “đẹp khoe, xấu che”, hoặc đưa ra các kế hoạch kinh doanh cao, những câu chuyện kỳ vọng. Hệ quả là khi chỉ đạt tỷ lệ khiêm tốn so với kế hoạch đã tác động không nhỏ tới tâm lý cổ đông, nhà đầu tư cũng như thị giá cổ phiếu.

Tin bài liên quan