Khi giá cổ phiếu chi phối quyết định của doanh nghiệp

Khi giá cổ phiếu chi phối quyết định của doanh nghiệp

(ĐTCK) Tại nhiều cuộc họp ĐHCĐ, ngoài tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, câu chuyện giá cổ phiếu cũng được nhiều NĐT quan tâm, dù là tại phần chất vấn chính thức hay trao đổi bên lề. Trên thực tế, trong quá trình điều hành, nhiều khi, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị chi phối bởi câu chuyện giá cổ phiếu.

Câu chuyện MBB

Ngày 29/9/2015 có lẽ là một ngày đặc biệt với những người quan tâm đến cổ phiếu MBB, nhất là nhóm NĐT đã mua vào lượng lớn cổ phiếu này và chờ bán cho NĐT ngoại.

16h chiều ngày 29/9/2015, trong khi không ít NĐT ngoại và các CTCK vẫn đang trong giai đoạn mặc cả giá lần cuối để bán lô lớn cổ phiếu MBB, thì bất ngờ một thông tin không chính thức xuất hiện: tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài tại MBB sẽ chưa được nâng tương ứng 10% số lượng cổ phiếu lưu hành (do phát hành thêm trên 405 triệu cổ phiếu riêng lẻ) như dự kiến của thị trường (tức từ ngày 30/9/2015), mà lùi lại 1 tuần, đến ngày 8/10/2015.

Thông tin này gây bất ngờ bởi thông thường, khi tăng số lượng cổ phiếu lưu hành, sở hữu của khối ngoại (về số tuyệt đối) sẽ phải tăng theo tỷ lệ tương ứng. Đến chiều muộn ngày 29/9, các nguồn thông tin từ Trung tâm Lưu ký cũng cho biết, các bên đang họp xin ý kiến. Và thực tế, đến tận ngày 8/10/2015, NĐT tại MBB mới được quyền mua thêm hơn 40 triệu cổ phiếu để lấp đầy room 10% khối ngoại tại ngân hàng này.

Không có thông tin từ phía MBB, nhưng nguyên nhân của việc lùi ngày này được thị trường giải thích bắt nguồn từ câu chuyện giá cổ phiếu và việc sáp nhập Tài chính Sông Đà.

Theo các nguồn tin này, do tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu Tài chính Sông Đà thành cổ phiếu MBB khi sáp nhập đã được xác định từ trước, nên Ban lãnh đạo MBB không muốn có sự tăng giá quá mạnh cổ phiếu MBB trước kỳ họp ĐHCĐ bất thường về vấn đề này được thông qua. Việc lùi thời gian mở room diễn ra tương ứng với lùi thời gian dự kiến tổ chức họp ĐHCĐ bất thường của MBB.

Tất nhiên, nhìn lại diễn biến giá cổ phiếu MBB là giảm dần sau khi khối ngoại lấp đầy room, có vẻ Ban lãnh đạo MBB đã khá thận trọng. Nhưng dẫu sao, đây cũng có thể được coi là một ví dụ cho câu chuyện ban lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm đến giá cổ phiếu khi niêm yết. 

Đến câu chuyện của CII

Tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường diễn ra tuần trước, một trong những lý do khiến Ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) băn khoăn là nên hay không nên gia hạn thời gian chuyển đổi cổ phiếu cho trái chủ do Goldman Sachs quản lý?

Lý do khiến CII băn khoăn, được ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty đưa ra dựa trên mâu thuẫn giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn mà cổ đông CII nhận được giữa 2 phương án. Chưa chuyển đổi, CII sẽ có thêm nguồn vốn giá rẻ để kinh doanh, và đương nhiên, lợi ích cho cổ đông đứng từ góc độ lợi nhuận Công ty sẽ tăng lên. Nhưng đi kèm với đó, NĐT nơm nớp lo sợ nguồn cung tăng mạnh từ chuyển đổi lượng cổ phiếu giá rẻ từ nguồn cung này. Trước đó, từ giữa tháng 9, trong tài liệu công bố thông tin làm việc với NĐT nước ngoài, CII cũng đề cập đến lo ngại của các NĐT mới về điều này. Theo đó, giá cổ phiếu CII có thể sẽ không tăng như NĐT kỳ vọng.

Còn chuyển đổi, CII sẽ ngay lập tức mất một khoản tiền lớn để mua cổ phiếu quỹ, song song với việc mất đi một nguồn vốn giá rẻ. Tổng giá trị mua vào dự kiến tới cả nghìn tỷ đồng, con số không hề nhỏ trong cơ cấu tổng tài sản của CII - một nguyên nhân khiến CII đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn ở năm 2016. Nhưng ngược lại, cái được của cổ đông là không còn bị áp lực cung cổ phiếu giá rẻ nữa.

Với sự băn khoăn này, CII “chờ đợi cái nhìn công tâm của cổ đông”. Nhưng với câu trả lời “có” cho câu hỏi: có nguồn vốn nào thay thế vốn của Goldman Sachs hay không và việc kỳ vọng sẽ có thêm NĐT ngoại nếu vấn đề trái phiếu chuyển đổi của NĐT được giải quyết triệt để, cổ đông CII đã tìm được quyết định cho mình: không lùi thời gian chuyển đổi trái phiếu cho trái chủ.

Giá cổ phiếu được ưu tiên hàng đầu và ban lãnh đạo có nghĩa vụ tìm phương án để khắc phục nhược điểm của lựa chọn ấy!

Còn nhớ mấy năm trước, ban lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết cũng đã phải cố gắng hạ nhiệt giá cổ phiếu trước khi đề án sáp nhập/hợp nhất được thông qua.

Chia sẻ với ĐTCK, lãnh đạo DN này cho biết, trong một thương vụ lớn, để đi đến thống nhất phương án tái cấu trúc, thì câu chuyện định giá và thống nhất giữa các ông chủ lớn rất quan trọng; nhưng Ban lãnh đạo DN cũng rất ngại phải đối đầu với cổ đông đại chúng trong trường hợp chênh lệch giá chuyển đổi của cổ đông quá lớn.

Vị này cho rằng, thị trường diễn biến giá thất thường, có thể vô tình tạo ra chênh lệch lợi nhuận cho cổ đông giữa 2 phương án nắm giữ cổ phiếu trước hợp nhất/sáp nhập và ban lãnh đạo dù không trực tiếp can thiệp vào giá cổ phiếu, nhưng không muốn những tác động tiêu cực.

Những câu chuyện như MBB, CII, hay DN niêm yết dấu tên nói trên, hoặc thậm chí là hiện tượng TMT với cam kết đưa cổ phiếu lên 5x được nói đến thời gian qua đã cho thấy, dù muốn hay không, đã lên niêm yết, giá cổ phiếu sẽ luôn là vấn đề có ảnh hưởng đến các quyết định của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Tin bài liên quan