CTCP Cấp thoát nước Tây Ninh (WTN), CTCP Dịch vụ Phú Nhuận (MSC), Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM)… là những doanh nghiệp đang và sẽ diễn ra sự thay đổi này.
Thực tế đã chứng minh, đằng sau sự thành bại của một tổ chức, doanh nghiệp luôn có vai trò đặc biệt quan trọng của người lãnh đạo.
Nhiều doanh nhân tên tuổi và tài năng đã gắn chặt với sự thành công của các doanh nghiệp, họ trở thành linh hồn của các doanh nghiệp như bà Mai Kiều Liên - Vinamilk, ông Phạm Nhật Vượng - Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Vietjet Air...
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có được sự ổn định về người đứng đầu như vậy. Sự thay tướng, đổi chủ là câu chuyện bề mặt, còn phía sau đó có thể có vô vàn lý do.
Tại các doanh nghiệp niêm yết, thành viên Hội đồng quản trị được các cổ đông trực tiếp bầu bán qua từng kỳ Ðại hội đồng cổ đông theo nhiệm kỳ.
Thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp dồn dập tổ chức Ðại hội đồng cổ đông bất thường để bàn về vấn đề kiện toàn nhân sự, đằng sau đó là những thương vụ liên quan đến tái cơ cấu, mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp, thay đổi mang tính chất trọng yếu cơ cấu cổ đông, chủ sở hữu của doanh nghiệp, nhất là tại những doanh nghiệp khó khăn trong kinh doanh.
Sự tham gia của những nhân tố mới có thể mang lại làn gió mới về cả tư duy kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp lẫn định hướng chiến lược. Ðối với những doanh nghiệp yếu kém, điều này mang đến nhiều tín hiệu tích cực hơn cho nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, đối với một số doanh nghiệp đang có hiệu quả kinh doanh tốt, sau M&A, liệu có cần thiết phải thay đổi mạnh mẽ bộ máy lãnh đạo theo chủ sở hữu mới? Sau M&A, chọn lựa nhân sự lãnh đạo phù hợp với chặng đường mới là điều quan trọng.
Về cách làm, như ông Trần Kim Thành - Chủ tịch Tập đoàn KIDO từng chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán thì trước hay sau M&A, con người vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất: "Một khi những người có thể mang lại giá trị phù hợp với mục tiêu của công ty mà nghỉ việc, xem như doanh nghiệp mua công ty mục tiêu là không có giá trị... Phải làm sao để giữ được người tài, để họ nhiệt tâm ở lại đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xa hơn".
Do vị trí lãnh đạo có tầm quan trọng tiên quyết đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nên đối với nhiều doanh nghiệp liên tục thay tướng, nhà đầu tư dễ mất niềm tin. Trong một số trường hợp, các doanh nghiệ buộc phải thay tướng khi bộ máy lãnh đạo cũ vướng vòng lao lý như tại CTCP Tập đoàn Ðại Dương (OGC), CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC)…
Dù trong trường hợp nào, việc thay đổi nhân sự lãnh đạo trong doanh nghiệp cũng cần kèm theo những thông điệp cụ thể về lý do và mục tiêu hướng đến. Vì sức mạnh của doanh nghiệp nằm ở bộ máy lãnh đạo, nhưng giá trị của doanh nghiệp lại phụ thuộc vào khả năng cảm nhận và trả giá của nhà đầu tư.